Tôm doạ... cỏ và sanh sự với sếu
Các Website khác - 13/03/2006
Bức xúc từ Dự án bảo tồn đồng cỏ bàng Phú Mỹ (Kiên Giang):
Tôm doạ... cỏ và sanh sự với sếu
Hải Văn

Có hai dự án (DA) mà các nhà khoa học VN và Hội Sếu quốc tế đầu tư nhiều tâm huyết, đó là: Bảo vệ sếu đầu đỏ ở xã Bình An và Bảo tồn đồng cỏ bàng ở xã biên giới Phú Mỹ thuộc huyện Kiên Lương (Kiên Giang). Nhưng vì cái lợi trước mắt - con tôm - DA Bảo vệ Sếu đầu đỏ đã bị địa phương bác, sau khi các nhà khoa học bỏ công nghiên cứu mấy năm. Không nản lòng, các nhà khoa học lại thuyết phục các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư kinh phí thực hiện DA bảo tồn đồng cỏ bàng. DA đang diễn tiến thuận lợi, thì đùng một cái, con tôm lại xuất hiện và " sanh sự"...

Một con kênh nuôi tôm.
Cỏ ta đi... Tây
DA Bảo tồn đồng cỏ bàng Phú Mỹ, huyện biên giới Kiên Lương (Kiên Giang) do Tập đoàn tài chính thế giới và Hội Sếu quốc tế tài trợ, thực hiện từ tháng 12.2004 trên diện tích 2.900ha, trong đó đất rừng tràm tái sinh 535ha, đất cỏ bàng 1.025,7ha... Chỉ mới hơn một năm, nhờ DA mà trên 350 hộ dân nơi đây đời sống khá hẳn lên.

Ông Huỳnh Ngọc Đức, điều phối viên DA cho biết: "Ngoài hỗ trợ kinh phí tập huấn nghề, ứng vốn trước để sản xuất, chúng tôi còn tổ chức thu mua sản phẩm tận nhà nên người dân rất yên tâm...".

DA hiện sản xuất các dòng sản phẩm chính từ cây cỏ bàng: Giỏ xách, nón, đệm, chiếu. Ông Nguyễn Văn Dạn, người chuyên thiết kế mẫu mã, tìm đầu ra cho các sản phẩm của DA phấn khởi nói: Sản phẩm làm ra từ cỏ bàng Phú Mỹ đang được thị trường trong, ngoài nước biết đến. Chỉ riêng đệm bàng sản xuất không đủ cung (mỗi tháng tiêu thụ 5-8 ngàn tấm). Trung bình mỗi người có thể thu nhập từ 25-40 ngàn đồng.

Theo lời em Thị Mol: "So với trước đây, chưa kể công đi nhổ cỏ bàng để có nguyên liệu đan đệm, thu nhập mỗi ngày của em tăng gấp 4 lần".

Hiện nay, trên 300 lao động của 250 hộ dân trong xã Phú Mỹ đã hợp đồng cung cấp đệm đan quanh năm với BQLDA. Còn chiếu có 16 lao động đang làm việc tại xưởng, mỗi ngày sản xuất từ 80-100 chiếc. Về giỏ xách, hiện mới có 10 công nhân trực tiếp sản xuất, mỗi người may trung bình 5-6 giỏ/ngày, thu nhập 25-30 ngàn đồng/người. Riêng về tay nghề, hầu hết công nhân "Hai Lúa" ở vùng quê này đã may thành thạo hơn 20 loại.

Ông Dạn bảo: "Năm 2005, mặt hàng giỏ chưa tiêu thụ được nhiều, nhưng đầu năm nay phải sản xuất nước rút để kịp xuất lô hàng đầu tiên sang Nhật gồm 1.200 chiếc loại lớn, giá 46.500 đồng/chiếc. Nhật cũng đặt hàng thêm 1.200 chiếc, giao hàng trong tháng này".

Theo tính toán của nhà đầu tư, nếu trồng 20ha cỏ bàng, sau 5 năm lợi nhuận thu được tương đương 400 triệu đồng - cao gấp nhiều lần so với trồng lúa hay các loại cây khác... Một cơ hội đổi đời cho người dân biên giới Kiên Lương (thu nhập bình quân của mỗi người dân, chủ yếu đồng bào dân tộc Khmer từ 8.000 đồng/ngày trước khi có DA, nay tăng lên 30.000 đồng/ngày).

Sản phẩm cỏ bàng.
Tôm lại... dọa sếu
Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu gần đây không xuất hiện một con kênh dẫn nước để nuôi tôm đang đe dọa đến vùng DA. Tiến sĩ Trần Triết, Hội Sếu quốc tế bức xúc nói: "Hiện Công ty Hạ Long đang tiến hành đào một con kênh trong vùng DA Bảo tồn đồng cỏ bàng Phú Mỹ để lấy nước phục vụ nuôi tôm. Con kênh này đi ngang qua khu vực bảo vệ trung tâm, nơi có đàn sếu đầu đỏ - loài thú cực quý hiếm có tên trong Sách đỏ quốc tế - trên 40 con đang sinh sống. Việc đào kênh ảnh hưởng đến công tác bảo tồn môi trường tự nhiên của khu vực DA và trực tiếp tác động đến năng suất đồng cỏ bàng".

Theo tiến sĩ Triết, không chỉ mang lại thu nhập cho người nông dân biên giới, cái lớn hơn của DA là bảo tồn được môi trường tự nhiên, bằng chứng rõ nét là sau một năm được bảo vệ, đồng cỏ ở Phú Mỹ đã "giữ chân" trên 40 con sếu đầu đỏ về sinh sống trong mùa khô.

Đáng tiếc là con kênh đang được đào ngang qua khu vực đất của DA (nơi đàn sếu đầu đỏ sinh sống) để phục vụ nuôi tôm. Khi con kênh này đang trong giai đoạn thiết kế, BQLDA đã có ý kiến đến UBND tỉnh Kiên Giang.

Ngay sau đó, UBND tỉnh Kiên Giang đã triệu tập ngay cuộc họp và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Văn Hà Phong có ý kiến kết luận con kênh sẽ được đào cách kênh Hồ nước 70m (Thông báo số 152/TB-VP ký ngày 18.3.2005).

Ý kiến của lãnh đạo UBND tỉnh đã thỏa mãn yêu cầu của các bên có liên quan: Công ty Hạ Long có nước cho sản xuất, đồng thời tác động tiêu cực đến DA được giới hạn ở mức thấp. Tuy nhiên, chẳng hiểu thế nào mà chỉ đúng 10 ngày sau (Thông báo số 186/TB-VP ngày 28.3.2005), UBND tỉnh Kiên Giang lại thay đổi ý kiến cho phép đào con kênh này cách kênh Hồ nước 500m chứ không phải cách 70m như thông báo trước.

"Một cách giải quyết tiền hậu bất nhất, đáng nói hơn là việc cho phép đào con kênh này trái với nội dung quyết định của UBND tỉnh Kiên Giang về việc thành lập DA, trong đó nêu rõ nghiêm cấm chuyển đổi hình thức sử dụng đất trong khu vực DA và giao quyền quản lý khu vực đất đồng cỏ tự nhiên cho BQLDA. Việc đào kênh ở vị trí hiện nay sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đàn sếu đầu đỏ và tính đa dạng sinh học nói chung của khu vực DA, ảnh hưởng đến sự phát triển của đồng cỏ bàng, làm cho việc quản lý vùng lõi của DA thêm khó khăn. Việc đào kênh còn ảnh hưởng đến cam kết của chính quyền địa phương với phía đầu tư nước ngoài về việc thực hiện DA" - tiến sĩ Triết nói.

Tiến sĩ Triết có một đề nghị duy nhất: UBND tỉnh Kiên Giang sớm chỉ đạo dừng ngay việc đào kênh ở vị trí hiện nay và yêu cầu việc đào kênh được thực hiện ở vị trí cách kênh Hồ nước 70m đúng theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh trong Thông báo số 152/TB-VP. Việc đào kênh trong vùng DA như đang diễn ra hiện nay là một việc đáng tiếc, làm tổn thương rất nhiều đến môi trường tự nhiên của khu vực DA cũng như niềm tin của các nhà đầu tư.