Chính phủ vừa có văn bản chính thức cho phép Công ty Điện thoại di động Viettel Mobile được tiến hành cổ phần hóa, trong đó, Nhà nước chiếm 51% cổ phần không chế. Như vậy, sau MobiFone, VinaPhone, đây là doanh nghiệp kinh doanh di động thứ 3 được phép cổ phần hóa.
![]() |
Đăng ký sử dụng thuê bao di động. Ảnh: A.T. |
Viettel Mobile chính thức được thành lập từ giữa năm 2005. Đây là một trong những đơn vị thành viên hạch toán phụ thuộc của Tổng công ty Viễn thông Quân đội (Viettel).
Theo một quan chức Viettel Mobile, do là doanh nghiệp mới, bộ máy chưa cồng kềnh nên việc xác định giá trị tài sản khi cổ phần hóa sẽ không quá khó. Tuy nhiên, điểm khiến ông băn khoăn là cơ chế quản lý tập trung có thể lại là trở ngại khi tiến hành cổ phần hóa từng bộ phận.
Ông Lê Ngọc Minh, Giám đốc Công ty Thông tin di động VMS - đơn vị chủ quản mạng di động MobiFone cũng thừa nhận, kinh doanh di động là loại hình khá nhạy cảm nên việc cổ phần hóa sẽ không đơn giản.
Viettel Mobile chính thức ra mắt dịch vụ di động 098 vào tháng 10/2004. Sau hơn 1 năm triển khai, nhà cung cấp này đã có gần 2,5 triệu thuê bao và trở thành mạng di động có tốc độ phát triển nhanh nhất năm 2005. Việt Nam được coi là thị trường viễn thông phát triển nhanh thứ hai thế giới sau Trung Quốc. Hiện nay, tổng số thuê bao trên toàn mạng đã gần đạt con số 12 triệu. |
Bản thân MobiFone, trầy trật hơn một năm, vẫn chưa hoàn tất việc thanh lý hợp đồng hợp tác (BCC) với Tập đoàn Comvik của Thụy Điển. Theo ông Minh, nhanh nhất cũng phải đến tháng 6, việc thanh lý này mới xong và nếu hoàn thành xong các thủ tục tư vấn, xác định tài sản, cổ phần hóa từng phần thì phải đến giữa năm 2007, MobiFone mới chính thức được hoạt động theo mô hình cổ phần hóa.
Theo đánh giá của giới phân tích, cổ phiếu các doanh nghiệp viễn thông vẫn đang là điểm nóng thu hút các nhà đầu tư nước ngoài và đông đảo công chúng. Trao đổi với VnExpress, ông Lê Ngọc Minh cũng cho biết, thời gian qua, không ít doanh nghiệp nước ngoài, giới đầu tư đã đặt vấn đề mua số lượng lớn cổ phiếu của MobiFone. "Tuy nhiên, chúng tôi đã từ chối", ông Minh nói.
Ông Minh khẳng định, sẽ tìm mọi cách để "kéo công chúng" lên sàn bằng các quy trình đấu giá công khai, minh bạch và được giám sát chặt chẽ. Bên cạnh đó, nhà cung cấp này đang đề nghị Chính phủ cho phép được áp dụng một số nguyên tắc riêng của công ty bên cạnh các quy định của Bộ Tài chính.
Theo các chuyên gia viễn thông, nếu MobiFone chính thức "ra ở riêng", tách khỏi VNPT thì thị phần giữa 3 nhà cung cấp di động Viettel, VinaPhone và MobiFone sẽ tương đương nhau với khoảng 30%. Khi ấy, cạnh tranh giữa các doanh nghiệp sẽ công bằng bởi cả 3 doanh nghiệp đều có thị phần không chế và đều bị quản lý về chất lượng cũng như giá cả. Hiện tại, VinaPhone đang có trong tay trên 4 triệu thuê bao, MobiFone gần 4,7 triệu thuê bao, Viettel Mobile gần 2,5 triệu thuê bao. |
Hồng Anh
▪ Thoả thuận giá mua hạt điều trong tháng 3 (09/03/2006)
▪ Sắp có một thị trường thuốc chung của ASEAN (09/03/2006)
▪ Lâm Đồng: Xây dựng đường bằng tiền đóng góp của nhân dân Hà Nội (09/03/2006)
▪ TP.Hồ Chí Minh: Bán đấu giá cổ phần 6 chi nhánh cấp nước (09/03/2006)
▪ APEC 2006: Cơ hội xúc tiến thương mại, du lịch... (09/03/2006)
▪ Phú Yên: "Treo" chợ mới, tiểu thương lao đao (09/03/2006)
▪ Đoàn doanh nghiệp Hoa Kỳ tìm hiểu cơ hội đầu tư tại TPHCM (09/03/2006)
▪ TP HCM cùng Kiên Giang mời đầu tư vào Phú Quốc (09/03/2006)
▪ 5 tỷ đồng lịch bloc 2006 thành giấy vụn (09/03/2006)
▪ Vàng tiếp tục giảm giá (09/03/2006)