Một cửa hàng giảm giá thu hút người mua |
Chưa đầy 20 phút, Hương có mặt tại nhà tôi và hồ hởi: “Theo tớ, bọn mình lượn một vòng Sài Gòn shopping (mua sắm) hàng sale off (giảm giá) đi!ù”…
“Lùng” hàng hiệu mùa giảm giá
Trên đường đi, Hương láu táu: “Tất cả các mặt hàng tại Mango đang giảm giá tới 50%. Chúng ta đến đó trước, tớ có “nghía” vài bộ ở đó nhưng còn đợi “down” giá…”. Thông thường hàng năm, khoảng thời gian này Hương đang lang thang ở Singapore, Malaysia hay Hồng Công để chờ shopping mùa giảm giá cuối năm.
Nhưng năm nay cô ở lại Việt Nam vì theo cô lý giải thì “Sài Gòn giờ khác rồi, những loại đồ thuộc hàng hiệu nhưng đến thời điểm giảm giá cuối mùa thì phải bán chứ không phải hàng tồn kho hay hàng lỗi. Năm nay “lùng” thử hàng này ở đây xem sao”.
Đến cửa hàng MNG trên đường Mạc Thị Bưởi, chỗ gửi xe đã chật kín. Riêng Hương được anh bảo vệ ưu ái cho để chiếc xe mé trên lề đường. Trả lời ánh mắt tò mò của tôi, Hương nheo mắt: “khách hàng thân thiết mà!”. Mở cửa bước vào, tôi muốn “dội” vì không gian cửa hàng khoảng chừng hơn 30m2 nhưng người đông không thể tả! Hương trấn an tôi: “Nên chịu khó “lăn xả” một tí mới có hàng độc. Tớ lựa kiểu và kích cỡ, cậu lên lầu xếp hàng để giành phòng thử”.
Tôi chưa kịp phản ứng, Hương đã hòa vào dòng người và bắt đầu cuộc “săn lùng” của mình. Liếc một vòng mới thấy Hương nói đúng. Tất cả các mặt hàng đều giảm giá từ 30% - 50%, không kể mới cũ. Trong lúc đứng xếp hàng đợi lấy số để… thử đồ, chị Quỳnh Giang - làm tại một công ty PR ở Hà Nội, người đứng thứ 7 (tôi là người thứ 6) với một đống đồ hơn cả chục món áo, váy trên tay … “giao lưu”: Chị chọn được nhiều không? Thích quá, không ngờ Sài Gòn cũng có được mùa giảm giá hàng hiệu, em mua được một đống đồ mùa thu để năm sau mặc…
Sau gần 3 tiếng chọn, thử đồ và hơn 40 phút xếp hàng để tính tiền với hóa đơn 160 USD cho 6 món đồ gồm váy, áo và dây thắt lưng, khuôn mặt Hương vẫn tươi tỉnh, trong khi đó khuôn mặt của chị nhân viên lộ vẻ mệt mỏi. Thường thì cửa hàng đóng cửa vào 21 giờ nhưng do khách quá đông nên nhân viên phải phục vụ thêm giờ. Nhìn đằng sau, nối đuôi chúng tôi còn khoảng hơn một chục khách đang xếp hàng. Chúng tôi bước ra khỏi cửa hàng khi kim giờ đồng hồ đang nhích sang số 11 tức 23g đêm.
Đủ giá, đủ loại chất lượng
Không chỉ các loại hàng hiệu đắt tiền, đến hẹn lại lên, cứ vào thời điểm này, nhiều cửa hàng thời trang tại TPHCM như Nino Maxx, Tony Blue Jeans (Việt Nam), AIIZ (Thái Lan), Forus, YiShion (Đài Loan), Etam (Trung Quốc)... bung ra đẩy nốt những hàng tồn kho trước khi năm cũ kết thúc. Các mặt hàng được các cửa hàng này đem ra bán do hàng đã “đề mốt” hoặc không còn đủ kích cỡ.
Những kích cỡ trung bình như S, M đã được bán hết, chỉ còn các cỡ loại lớn và cực lớn như XL, XXL. Khá nhiều người luôn chờ mùa giảm giá để “săn” hàng tốt, giá rẻ. Chị Phương Nhu, công tác tại Khu công nghiệp Tân Bình vui vẻ cho biết: Em “kiếm” được một chiếc váy Jeans và áo thun không tay hiệu Nino Max chỉ với giá 90.000 đồng, trong khi giá cũ cho 2 món này phải hơn 200.000 đồng..
Các khu phố thời trang trên đường Nguyễn Đình Chiểu, Cao Thắng, Nguyễn Trãi, Hai Bà Trưng… đâu đâu cũng treo các bảng hiệu “sale off”, “clearance”, “big sale”… Tuy nhiên, bán hàng giảm giá chỉ là chiêu thu hút khách hàng của các nhà kinh doanh. Những bảng hiệu giảm giá thường có sức hút rất mãnh liệt khiến nhiều người dù không có ý định mua sắm nhưng cũng “ghé vào coi cho biết”.
Và rồi khách hàng “coi thử” bị các mặt hàng giá rẻ đến bất ngờ quyến rũ lúc nào không hay. Cửa hàng K.A treo bảng “giảm giá toàn bộ đồ Úc” thật lớn trên đường Cao Thắng. Trong tiệm có đủ loại mặt hàng, đa số là hàng thường. Một số áo thun, sơ mi, giày dép đủ loại đựng trong chiếc thùng cạc-tông được giảm giá 60% - 70% nhưng mẫu mã thì dưới cả “thường thường bậc trung”, còn chất lượng thì… tiền nào của nấy.
Khi được hỏi hàng Úc ở đâu thì cô nhân viên bán hàng chỉ vào trong với khoảng gần 20 sản phẩm, đa phần là những chiếc quần chỉ còn cỡ XS (bé nhất) hoặc những chiếc áo cỡ XL (bự nhất). Khi hỏi đến màu sắc và cỡ khác thì được trả lời “vì hàng nhập giảm giá từ Úc về nên chỉ có vậy.
Một chiếc dây chuyền kiểu, đính đá màu xanh được giảm giá đến 60%. Cô chủ tiệm “đưa đẩy”: “Chiếc dây chuyền xinh thế kia mà giá còn 50.000 đồng là quá rẻ, chỉ có hàng giảm giá mới rẻ được như thế, chị mua đi”. Định trả tiền nhưng sau khi phát hiện một trong những hột đá đã bị bể, tôi không mua nữa. Cô chủ tiệm giả lả: “Thì có như thế mới 50.000 đồng”…
Thực tế, không phải ai đi mua hàng giảm giá cũng có thể chọn được một vài món hàng vừa ý. Đứng giữa “mê hồn trận…” cơ man nào là giảm giá, khuyến mãi… khách hàng dễ bị hoa mắt bởi đủ chủng loại quần áo có nhiều lỗi như ngả màu, ố, rách, mất nút… Nếu không chọn kỹ bạn sẽ đem về nhà những món đồ không thể sử dụng được.
“Sành hàng” và có kinh nghiệm là thế nhưng cô bạn tôi cũng phải điên tiết lên vì chiếc quần bò Diesel mà cô mua tại tiệm OLL trên đường Cao Thắng đã được giảm giá 50% (800 ngàn) tuần trước, lại nằm chễm chệ trong một cửa hàng ở Trung tâm mua sắm Saigon Square với giá chưa được phân nửa cái giá cô phải mất công săn lùng.
Không phủ nhận mua hàng giảm giá một số sản phẩm của các thương hiệu thời trang nổi tiếng (hay còn gọi là đồ hiệu) là một cái thú và là cách để… tiết kiệm. Thay vì phải bỏ vài triệu bạc ra mua một đôi giày hoặc bộ cánh của Levi’s hay Tommy thì bạn trẻ có thể sở hữu nó với giá phân nửa hoặc ít hơn. Thế nhưng, không phải lúc nào mua hàng giảm giá cũng có thể tiết kiệm hiệu quả vì một số cửa hàng đã “trộn” một vài thứ hàng “linh tinh vớ vẩn” vào.
Chính vì thế, các “tín đồ” của hàng giảm giá đã rút ra kinh nghiệm “xương máu”: “phải có trái tim “nóng” (để lùng sục hàng khắp nơi không mệt mỏi) và một cái đầu “lạnh” (để không choáng ngợp giữa “trận đồ” kiểu dáng mẫu mã mà không để ý đến chất lượng). Hơn nữa, với tâm lý “ham rẻ”, không ít người dễ dàng lãng phí số tiền không nhỏ khi “mềm lòng” tha hàng về… rồi để đó vì chưa thật sự cần hoặc không có dịp nào đụng đến
Theo Sài Gòn Giải Phóng
▪ Giá gas cao nhất trong 11 năm (02/01/2006)
▪ Viettel giảm cước di động (31/12/2005)
▪ Rót tấn than thương phẩm thứ 30 triệu (31/12/2005)
▪ Đề xuất thành lập 130 điểm kinh doanh gia cầm có tủ bảo ôn (31/12/2005)
▪ Diễn biến tiền tệ năm 2005: Quá bất ngờ (31/12/2005)
▪ Dưa hấu, điều và bông vải... mất mùa! (31/12/2005)
▪ Tập trung quyết liệt thúc đẩy kinh tế (31/12/2005)
▪ Bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ tàu (31/12/2005)
▪ TPHCM: Giá gas đầu năm 2006 tiếp tục tăng cao (31/12/2005)
▪ Thị trường nhà đất năm 2005: Khủng hoảng lên đến đỉnh điểm (31/12/2005)