Tốn hàng nghìn tỷ đồng nuôi thuê bao di động ảo
Các Website khác - 02/09/2005
Luôn có sự dịch chuyển thuê bao giữa các mạng.

Tốc độ phát triển thuê bao tăng nhanh chóng mỗi khi các nhà cung cấp dịch vụ điện thoại di động tung ra chiêu khuyến mãi mới, nhưng khi chương trình kết thúc, cũng ngần ấy khách hàng lại rời mạng ra đi. Chỉ chiếm 7-10% ở mỗi mạng, song số tiền bỏ ra để duy trì những thuê bao đó ngốn tới hàng tỷ đồng.

Đối đầu với con số thuê bao đang lũ lượt rời mạng, từ đầu năm đến nay, các nhà cung cấp dịch vụ di động liên tục tung ra các chương trình khuyến mãi rầm rộ để thu hút khách với các phần quà trị giá hàng trăm triệu đồng. Với các gói cước giá rẻ kèm theo các chương trình hậu mãi mà các doanh nghiệp tung ra, thị trường viễn thông đang lên cơn sốt bởi hiện tượng di chuyển ồ ạt của các thuê bao. Nếu như trước đây, điện thoại di động được coi là vật xa xỉ của những người nhiều tiền thì nay nó đã trở lên bình dân và không ít người đang sở hữu trong tay ít nhất 2 số sim khác nhau.

Cuối tháng 8, Viettel tung ra chương trình đổi thẻ sim lấy vỏ thẻ cào với thể lệ cuộc chơi là cứ 10 vỏ sim thì đổi được một thẻ cào có mệnh giá 50.000 đồng và 15 vỏ thì được một thẻ cào trị giá 100.000 đồng. Chương trình này được tung ra ngay sau khi Viettel công bố khách hàng thứ 888.888 với giải thưởng là 50 triệu đồng và phát động chương trình khuyến mại cho thuê bao thứ 1 triệu với phần thưởng trị giá 98 triệu đồng. Điều này khiến không ít người đặt câu hỏi vậy tốc độ phát triển và số lượng thuê bao hiện có của nhà cung cấp này là thật hay là con số ảo. Liệu có phải là do chương trình khuyến mại hấp dẫn này đã khiến nhiều người thực hiện việc kích hoạt hàng loạt sim để chờ giải thưởng.

Trao đổi với VnExpress, Giám đốc Công ty Viettel Mobile Tống Viết Trung khẳng định khả năng một khách hàng nào đó kích hoạt hàng loạt sim để chờ giải thưởng là rất khó xảy ra. "Đành rằng, giá sim hiện nay rất rẻ nhưng không khách hàng nào lại có ý tưởng điên rồ ấy cả". Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận nếu chuyện này có thật thì quả là một việc làm gây lãng phí tiền của cho chính bản thân khách hàng. Bởi với những thuê bao kích hoạt mà không sử dụng Viettel phải xếp vào diện không phát sinh cước và sẽ bị xóa khỏi hệ thống sau đó 6 tháng.

Ông Trung cho biết, trong tổng số 940.000 thuê bao thì có khoảng 7% số thuê bao di chuyển giữa các mạng không phát sinh cước. Các thuê bao này dù đã bị khóa 2 chiều nhưng vẫn được giữ số trên mạng. "Việc các thuê bao di chuyển giữa các mạng là chuyện bình thường mà các nước trên thế giới cũng gặp phải khi có nhiều người cùng cày trên một mảnh đất. Hiện nay ở VN tỷ lệ này dao động trong khoảng 7-10% trong khi ở các nước khác thường trên dưới 20%. Tỷ lệ này ở VN có nguy cơ tăng lên khi sắp tới có thêm 2 doanh nghiệp khác tham gia thị trường là Hanoi Telecom và VP Telecom", ông Trung nhận xét.

Cả nước hiện có gần 8 triệu thuê bao, trong đó VinaPhone đứng đầu bảng với 3,7 triệu thuê bao (gồm 700.000 thuê bao trả trước, 2,4 triệu thuê bao trả sau và 600.000 thuê bao ảo). Tiếp đó là Công ty MobiFone với 3 triệu thuê bao trong số đó, số thuê bao bị khóa 2 chiều cũng chiếm khoảng 10%.

Theo quy định của các nhà cung cấp, đối với thuê bao trả sau bị khóa 1 chiều, khách hàng được nghe thêm khoảng 1 tháng sau đó sẽ bị liệt vào danh sách thuê bao bị khóa 2 chiều và được giữ số trong vòng 6 tháng nữa. Đối với thuê bao trả trước cũng vậy, nếu bị khóa 2 chiều cũng sẽ được giữ số trên mạng trong vòng 60 ngày. Hiện nay, duy chỉ có các thuê bao trả sau là có gắn bó ràng buộc với nhà cung cấp dịch vụ bởi hợp đồng. Còn thuê bao trả trước, thuê bao ngày... nhà cung cấp chưa có chính sách hay điều kiện kèm theo để níu kéo chân họ.

Cách thức quản lý như thế nào đối với các thuê bao "ảo" cũng đang là bài toán khó giải của các nhà cung cấp dịch vụ. Tính sơ sơ, chi phí bỏ ra để duy trì bảo dưỡng những thuê bao bị khóa 2 chiều này mỗi năm ngốn hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Ông Phạm Quang Hảo, Phó giám đốc VinaPhone dự tính chi phí đầu tư ban đầu đối với mỗi thuê bao vào khoảng 30-50 USD đó là chưa kể các khoản chi phí phát sinh khác như máy móc thiết bị, chi phí bảo dưỡng... Do vậy, việc kích thích các thuê bao khóa 2 chiều hoạt động trở lại đang là chiến lược đặt ra cho các nhà cung cấp trong mỗi chương trình khuyến mãi. Nếu để con số "ảo" này trên mạng, nhà cung cấp vẫn phải bỏ chi phí để duy trì hoạt động trong khi nguồn thu về lại không có.

Ông Trần Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc VNPT nhận xét, hiện hiện tượng các thuê bao di chuyển giữa các mạng hoàn toàn là bình thường khi thị trường có nhiều nhà cung cấp. "Khi Viettel mới ra mắt với mức cước hấp dẫn đã có hàng loạt khách hàng của VNPT rời mạng để sang mạng 098 nhưng sau đó số này lại đang tìm về với nhà cung cấp cũ", ông nói.

Hồng Anh