TPHCM tiếp tục giữ vị trí đầu tàu
Các Website khác - 06/12/2005
Nhân Đại hội lần thứ VIII Đảng bộ TP.Hồ Chí Minh:
Tiếp tục giữ vị trí đầu tàu
Đăng Lân - Trung Phương

Trong 5 năm qua, TPHCM tiếp tục chứng tỏ là một TP năng động, dẫn đầu cả nước về nhiều mặt: Tốc độ tăng trưởng GDP, thu ngân sách, thu nhập bình quân đầu người... Sự năng động, sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP đã trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Khu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè trước
đây nhà ổ chuột lấn ra dòng kênh ô
nhiễm nặng nề, nay đã rất khang
trang.

Hiệu quả đầu tư cao

Trong giai đoạn 2001-2005, thu ngân sách trên địa bàn TPHCM tăng bình quân 16,8%/năm và đã đóng góp 30,6% nguồn thu ngân sách của cả nước. Kế hoạch tổng thu trên địa bàn là 168.127 tỉ đồng, thực tế thu được là 213.870 tỉ, vượt 27,2%. Tỉ trọng nguồn thu nội địa ngày càng tăng.

So với cả nước, mặc dù tỉ lệ đầu tư trên tổng sản phẩm nội địa tại TPHCM thấp hơn, nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế và tăng thu ngân sách lại cao hơn. Điều này cho thấy, hiệu quả sử dụng đồng vốn đầu tư tại TP cao hơn mức bình quân chung của cả nước.

Để đạt được kết quả đó, Đảng bộ và chính quyền TP đã áp dụng nhiều chính sách, nhằm khơi dậy các nguồn lực trong sản xuất kinh doanh.

Việc cải thiện môi trường kinh doanh đã đạt được kết quả khả quan là tỉ trọng vốn đầu tư của khu vực kinh tế dân doanh tăng mạnh. Kinh tế dân doanh thực sự trở thành động lực tăng trưởng chính cho kinh tế TP từ năm 2002 đến nay. Năm 2000, vốn đầu tư khu vực này chỉ chiếm 22%, đến 2005 tăng lên 52%, vốn nhà nước giảm từ 48% xuống còn 36%.

Hoạt động XNK hàng hoá tại
cảng Sài Gòn.
Cơ cấu kinh tế hợp lý
Từ 2001 đến nay, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn đã đạt tốc độ tăng trưởng 15%/năm, cao hơn tốc độ bình quân của cả nước và chiếm tỉ trọng đến 30% giá trị sản xuất công nghiệp của cả nước.

Hiện nay, 3 khu chế xuất, hàng chục khu công nghiệp và cụm công nghiệp tập trung mở ra đã khắc phục dần tình trạng sản xuất manh mún, gây ô nhiễm môi trường, giúp cho các ngành sản xuất tăng nhanh cả về sản lượng và chất lượng hàng hoá.

Các ngành sản xuất có hàm lượng chất xám cao như điện tử, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, cơ khí chế tạo... cũng đã có những bước phát triển nhất định.

Khu vực dịch vụ vẫn có tốc độ phát triển nhanh nhất và chiếm tỉ trọng cao nhất trong cơ cấu kinh tế. Năm 2001, mức tăng trưởng ở khu vực này chỉ đạt 7,4%, thì 2005 đã vượt lên 12,2%. Điều này phù hợp với định hướng của TP về chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo định hướng hiệu quả hơn: Đến 2005, khu vực dịch vụ chiếm tỉ trọng 49,8%, công nghiệp 48,8% và nông nghiệp 1,4%.

* GDP bình quân đầu người của TPHCM năm 2000 là 1.365USD/người/năm; năm 2005 ước 1.920USD.
* Dự kiến trong năm 2005, TP đón trên 2 triệu lượt du khách quốc tế. Tổng doanh thu từ du lịch năm 2004 đạt 10.812 tỉ đồng, chiếm trên 40% doanh thu ngành du lịch cả nước.