Đề án thuê tổng giám đốc còn xa vời
Các Website khác - 07/12/2005

Có chủ trương từ 3 năm trước song đến nay câu chuyện thuê tổng giám đốc cho 5 tổng công ty nhà nước vẫn còn dang dở. Tổng công ty công nghiệp ôtô VN (Vinamotor) trình Bộ Giao thông Vận tải quy chế cách đây một tháng, song đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời.

Ông Từ Văn Hùng, Phó tổng giám đốc Vinamotor - người trực tiếp soạn thảo quy chế - cho biết 4-5 cuộc hội thảo đã được tổ chức để lấy ý kiến đóng góp, riêng chữ "thuê" cũng tranh cãi cả một buổi mà vẫn chưa ngã ngũ. Có ý kiến đề nghị không gọi là thuê mà nên "mềm hóa" đi là hợp đồng thí điểm giữa hội đồng quản trị và tổng giám đốc.

Đề án của Tổng công ty Thiết bị kỹ thuật điện (VEEC) đã viết đi viết lại đến lần thứ 8, Bộ Công nghiệp vẫn yêu cầu xem xét lại. Dự kiến trong tuần này lãnh đạo bộ sẽ có buổi thẩm định tiếp. Bộ trưởng Hoàng Trung Hải cho hay sẽ cố gắng xem xét để đẩy nhanh việc phê duyệt, nhưng cũng không dám chắc vì còn rất nhiều điểm chưa xuôi.

Ngay cả Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy (Vinashin), dù đã được Chính phủ phê duyệt đề án từ tháng 10, nay vẫn chưa có quy chế trình Bộ chủ quản. Chậm như vậy, nên phần lớn lãnh đạo các tổng công ty đều từ chối đưa ra thời điểm thực hiện việc thuê tổng giám đốc.

Doanh nghiệp ngại dùng từ "thuê" tổng giám đốc. Ảnh: Anh Tuấn

Vướng mắc đầu tiên vẫn được các tổng công ty nhắc lại là chuyện lương bổng. Theo quy chế của Vinamotor, ứng viên cho ghế tổng giám đốc phải có ít nhất 3 năm kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp trong lĩnh vực cơ khí, ôtô với quy mô doanh thu hơn 1.000 tỷ đồng/năm. Người nước ngoài phải biết tiếng Việt còn người Việt phải đọc thông viết thạo một ngoại ngữ thông dụng. Với tiêu chuẩn như vậy, lương dành cho tổng giám đốc người VN ít nhất 30-40 triệu đồng, người nước ngoài 50-60 triệu đồng. Tính vậy song ông Hùng cho hay thực tế có thể sẽ khác, vì giám đốc VN, Malaysia hay châu Âu mỗi người lại có đòi hỏi khác nhau. Với người Việt lương như vậy có thể chấp nhận được, nhưng với một giám đốc đến từ châu Âu thì số tiền đó quá thấp.

VEEC thì đang do dự lương tổng giám đốc không thấp hơn 300 triệu đồng/năm. Ngoài lương, các tổng giám đốc còn được thưởng 2-5% lợi nhuận sau thuế, phần vượt thêm so với năm trước.

Ngay cả khi có đủ ngân sách để trả lương thì vẫn còn hàng loạt những vấn đề phải giải quyết. Bộ trưởng Đào Đình Bình khi trao đổi với VnExpress cũng rất băn khoăn lương tổng giám đốc (thuê) tới 60-70 triệu mỗi tháng, trong khi lương các phó tổng giám đốc (không thuê) chỉ mấy triệu đồng sẽ tính sao để không tạo ra sự so bì.

Rồi chuyện thế chấp, quản lý một doanh nghiệp vốn vài nghìn tỷ đồng của Nhà nước không thể tay trắng, nhưng bao nhiêu là đủ, hay chỉ đề ra để lấy lệ. Vinamotor đưa ra quy định ứng viên người nước ngoài có thế chấp 5 tỷ đồng, người VN 1 tỷ đồng. Bộ trưởng Công nghiệp Hoàng Trung Hải lại cho rằng hợp đồng giữa hội đồng quản trị và tổng giám đốc đơn thuần là hợp đồng kinh tế vì thế khoản thế chấp sẽ do hai bên thỏa thuận chứ không nhất thiết đặt ra một mức cụ thể.

Vướng mắc lớn nhất khi soạn thảo quy chế thuê tổng giám đốc theo nhận xét của các tổng công ty là quyền đề bạt nhân sự. Theo cơ chế của Việt Nam hiện nay, các bộ, ngành bổ nhiệm hội đồng quản trị các tổng công ty. Sau đó, hội đồng quản trị lại bổ nhiệm tổng giám đốc, kế toán trưởng, các phó tổng giám đốc, giám đốc các công ty thành viên... Bên cạnh đó, trong mọi trường hợp đều phải có ý kiến Đảng, đoàn thể, người lao động.

Trên thực tế muốn làm được việc, tổng giám đốc phải có bộ máy ăn ý của mình, ông Từ Văn Hùng cho rằng nếu không có quyền bổ nhiệm cán bộ thì "quân" còn coi tổng giám đốc ra gì. Thế nhưng các bản quy chế vẫn không thể thoát khỏi ràng buộc hiện tại, mà chỉ dám mạnh dạn quy định tổng giám đốc có quyền giới thiệu các giám đốc thành viên, các phó tổng giám đốc tổng công ty, kế toán trưởng tổng công ty, quyết định mức lương... còn quyền phê duyệt vẫn thuộc về hội đồng quản trị.

Về công tác điều hành, trên danh nghĩa các đề án đều viết rằng tổng giám đốc có toàn quyền đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh của tổng công ty, nhưng thực tế triển khai một dự án đầu tư không chỉ có hội đồng quản trị tham gia mà còn phải lấy cả ý kiến của các bộ ngành liên quan. Do vậy Vinamotor quy định tổng giám đốc chỉ được hội đồng quản trị uỷ nhiệm là đại diện pháp lý cho tổng công ty trong một số trường hợp.

Theo yêu cầu của Thủ tướng, sẽ thí điểm mô hình thuê tổng giám đốc tại 5 tổng công ty gồm Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam, Công nghiệp ô tô Việt Nam, Thiết bị kỹ thuật điện, Thủy tinh và gốm xây dựng, Xây dựng Sông Hồng, ngay trong quý I năm 2005, các doanh nghiệp và bộ chủ quản phải hoàn tất đề án chi tiết trình Thủ tướng.

Phong Lan

Theo dòng sự kiện:
Thuê giám đốc ngoại phải sòng phẳng như... Tây (15/10)
Phê duyệt đề án thuê tổng giám đốc nước ngoài của Vinashin (12/10)
Thuê tổng giám đốc vướng mắc đủ đường (03/05)
Thuê tổng giám đốc: 7 lần dự thảo vẫn chưa xong (22/04)
'Thuê Tổng giám đốc, hợp đồng phải thật chặt' (27/01)
Xem tiếp»