Trung Quốc với nguy cơ khủng hoảng thừa
Các Website khác - 12/03/2006
Trung Quốc với nguy cơ khủng hoảng thừa

Trong hơn một thập kỷ qua, kinh tế Trung Quốc (TQ) liên tục đạt mức tăng trưởng trên 9%. Sự phát triển mạnh mẽ này đã đưa kinh tế TQ vượt qua Anh, Pháp và Italia để trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trên thế giới. Nhưng TQ cũng đang phải đối mặt với những nguy cơ mới do tăng trưởng quá nóng và đô thị hoá ồ ạt. Đó là nông dân mất đất sản xuất và nạn thất nghiệp trầm trọng...

Đô thị hoá ở các thành phố lớn của
Trung Quốc đang diễn ra với
tốc độ chóng mặt.
Thừa sản phẩm

Bất chấp những biện pháp hạ nhiệt tại những khu vực nóng nhất, năm 2005 kinh tế TQ đã đạt mức tăng trưởng kỷ lục: 9,9%. Những đầu tư siêu tốc đã và đang tạo ra quá nhiều nhà máy, gây dư thừa sản phẩm và có thể dẫn đến một thời kỳ giảm giá, ảnh hưởng đến lợi nhuận và làm giảm đầu tư nước ngoài. Hội chứng tương tự đã từng đẩy Nhật Bản vào một cuộc khủng hoảng kinh tế và thất nghiệp trong suốt 16 năm qua. Những số liệu của chính phủ đang vẽ nên một bức tranh đáng lo ngại cho nền kinh tế TQ. Sản lượng thép đã vượt xa nhu cầu trong nước tới 120 triệu tấn/năm, và theo Uỷ ban Cải cách và Phát triển Quốc gia của Chính phủ, những nhà máy mới có khả năng bổ sung khoảng 70 triệu tấn/năm nữa đang được xây dựng. Trong khi đó, lợi nhuận của những nhà sản xuất ôtô TQ đã suy giảm mạnh trong năm ngoái do xuất hiện các loại xe hơi siêu rẻ ngoài thị trường, cũng như sự phát triển ồ ạt làm sản lượng xe xuất xưởng vượt quá nhu cầu hàng năm trong nước khoảng 2 triệu chiếc... "Khủng hoảng thừa rất nguy hiểm - Li DeShui, nhà thống kê hàng đầu của TQ, phát biểu trước báo chí tại Bắc Kinh - Điều đó sẽ gây ra sự lãng phí lớn, và đặc biệt sẽ tạo ra những món nợ khổng lồ cho các ngân hàng. Đối với một số ngành nghề kinh doanh, nó sẽ gây tổn thất nặng nề, thậm chí phá sản, dẫn đến gia tăng thất nghiệp".

Tuy nhiên, một số người cho rằng những mối lo về việc dư thừa sản phẩm đang bị thổi phồng quá đáng do chưa thấy hết nhu cầu phát triển của đất nước 1,3 tỉ dân này. Theo đánh giá của một số nhà kinh tế, sự khao khát đối với nhà cửa, đường sá và phương tiện giao thông mới cuối cùng sẽ buộc phải mở cửa thêm nhiều nhà máy (thì cần phải tăng trưởng hơn nữa). "Không nên nghi ngờ về sự hiện hữu của các nhu cầu ở nơi đây - Jonathan Anderson, Kế toán trưởng khu vực Châu AÁ của Trung tâm Nghiên cứu đầu tư UBS ở Hồng Kông, nói - Các chính quyền địa phương muốn xây dựng các công viên khoa học, tàu điện ngầm, còn mọi người muốn xây nhà...". Cả Li DeShui cũng tỏ ra "lạc quan một cách thận trọng" về những triển vọng của kinh tế TQ năm nay khi cho rằng, TQ vẫn chưa gặp phải thảm hoạ khủng hoảng thừa khi lạm phát đang ổn định ở mức khá "lành mạnh" 1%.

Thừa lao động

Trong khi những cải cách kinh tế của TQ làm hàng triệu người dân nước này nâng cao mức sống, phần lớn người dân TQ, đặc biệt là nông dân lại phải hứng chịu hậu quả của quá trình chuyển đổi nhanh chóng này.

Thất nghiệp ở các vùng nông thôn hiện đang ở mức báo động. Theo các thống kê của chính phủ, tỉ lệ thất nghiệp và bán thất nghiệp nông thôn khoảng 100-120 triệu người. Trong khi đó 700 triệu nông dân đang đứng trước nguy cơ mất đất canh tác do quá trình đô thị hoá (Trong 20 năm qua, gần 6,5 triệu hécta đất nông nghiệp đã bị các thành phố nuốt chửng). Hiện có khoảng 100-150 triệu nông dân TQ đã rời bỏ làng mạc đến các thành phố kiếm việc làm. Dự báo đến năm 2020, con số này sẽ tăng lên tới 300 triệu người. Đó sẽ là một trong những cuộc di cư lớn nhất trong lịch sử loài người, tạo ra sức ép to lớn cho các thành phố của TQ với vấn đề lao động dôi dư trình độ thấp, trong khi nước này đang hướng tới một nền kinh tế dựa trên cơ sở tri thức và dịch vụ.

Với 744 triệu người trong độ tuổi lao động, trong 10 năm tới, TQ cần tạo thêm 300 triệu việc làm để thu nhận những lao động bị mất đất canh tác, sử dụng lại những lao động từ các Cty sở hữu nhà nước bị giải thể, và cung cấp việc làm cho những lao động mới. Đây là một bài toán nan giải, nhất là khi những người hiện may mắn có được việc làm ở thành phố cũng phải chịu những sức ép khá nặng nề. Hàng triệu công nhân (phần lớn đến từ các vùng nông thôn) làm việc tại các vùng kinh tế đặc biệt có điều kiện làm việc khá tồi tệ. Họ thường làm tới 60-70 giờ/1 tuần, nhưng chỉ nhận được mức lương bèo bọt khoảng 100USD/tháng. Họ cũng không được tiếp cận nhiều phúc lợi xã hội cơ bản, có rất ít khả năng phát triển và không được đảm bảo về việc làm. Hiện 250 triệu người TQ sống dưới mức 1USD/ngày, khoảng 700 triệu người khác (47% dân số) sống dưới mức 2USD/ngày. Hoàng Giang tổng hợp