Nhà đầu tư có thêm cơ hội. |
Phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hôm 21/9 đã ban hành Quyết định số 230 về việc thí điểm cổ phần hóa Ngân hàng Ngoại thương (VCB), một động lực quan trọng thúc đẩy tiến trình sắp xếp lại nhà băng quan trọng này sau 14 tháng chuẩn bị.
Ngân hàng Ngoại thương được phép thuê tư vấn quốc tế thực hiện quá trình cổ phần hóa. Thời điểm xác định trị giá VCB được chính thức ấn định vào 31/12. Phương pháp xác định giá trị sẽ do Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Tài chính quyết định trên cơ sở đề nghị của tổ chức tư vấn quốc tế và quy định hiện hành của pháp luật.
Quyết định 230 có hiệu lực từ ngày ký, trong đó nhấn mạnh yêu cầu giữ nguyên vốn Nhà nước hiện có tại Ngân hàng Ngoại thương VN theo hướng Nhà nước sở hữu cổ phần chi phối. Dự kiến trong 2006, VCB sẽ bán cổ phần theo nhiều đợt, mỗi đợt không quá 10% vốn điều lệ, để tăng vốn và phải đảm bảo tỷ lệ vốn Nhà nước không thấp hơn 70% vốn điều lệ. Trong giai đoạn 2007-2010, Ngân hàng Ngoại thương VN tiếp tục bán cổ phần để tăng vốn điều lệ nhưng phải đảm bảo tỷ lệ Nhà nước sở hữu vốn điều lệ không thấp hơn 51%.
Các nhà đầu tư trong nước đều được mua cổ phần VCB theo quy định của pháp luật. Mỗi pháp nhân sở hữu không quá 10%, mỗi cá nhân sở hữu không quá 5% vốn điều lệ của ngân hàng. Quy định về "room" hiện hành đối với các nhà đầu tư nước ngoài sẽ được áp dụng tương tự khi bán cổ phần VCB. Mỗi nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu không quá 10% vốn điều lệ và tổng số cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài chiếm tỷ lệ không quá 30% vốn điều lệ VCB.
Trong thời gian tới, Ngân hàng Ngoại thương sẽ phải trình Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính quyết định thuê tư vấn quốc tế, đồng thời thực hiện các nội dung, trình tự cổ phần hóa toàn bộ Ngân hàng Ngoại thương theo quy định hiện hành của Chính phủ về chuyển công ty nhà nước thành công ty cổ phần. Bộ Tài chính sẽ quyết định mức chi phí thuê tổ chức tư vấn quốc tế.
Chủ tương cổ phần hóa VCB được Thủ tướng Phan Văn Khải tuyên bố từ tháng 7/2004. Trước khi cổ phần hóa chính thức, VCB sẽ phát hành trái phiếu chuyển đổi để tăng thêm vốn. Dự kiến, ngân hàng sẽ phát hành gần 1.500 tỷ đồng loại trái phiếu đặc biệt này vào cuối năm nay, đối tượng mua chỉ là các nhà đầu tư trong nước. Người mua trái phiếu có quyền trở thành cổ đông khi ngân hàng thực hiện phát hành cổ phiếu ra công chúng.
Ngoài VCB và Ngân hàng Phát triển nhà ĐBSCL, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cùng Ngân hàng Công thương đều sẵn sàng cho quá trình đổi mới doanh nghiệp.
BIDV đã chủ động đăng ký với Chính phủ thực hiện cổ phần hóa. Tổng giám đốc Trần Bắc Hà cho hay ngân hàng này sẽ tiến hành cổ phần hóa một bước, tức là phát hành luôn cổ phiếu phổ thông chứ không thực hiện bán trái phiếu chuyển đổi trước như Ngân hàng Ngoại thương.
Cổ phiếu của BIDV sẽ được bán rộng rãi, trong đó ưu tiên cho các cổ đông chiến lược (các tập đoàn tài chính toàn cầu). Hình thức phát hành có thể thực hiện thông qua đấu giá tại 2 trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội và TP HCM. Cuối năm nay ngân hàng sẽ trình phương án cụ thể để năm 2006 bắt đầu thực hiện lộ trình này.
Ông Hà cho hay, việc định giá thương hiệu BIDV sẽ do một công ty tài chính quốc tế đảm nhiệm. Hiện ngân hàng chưa có dự kiến về mệnh giá cổ phiếu. Trên thị trường không chính thức, cổ phiếu của một số ngân hàng có giá khá cao, chẳng hạn ngân hàng Đông Á giá 4.250.000 đồng; Eximbank 1.450.000 đồng; Ngân hàng Quân đội 1.650.000 đồng; ACB 4.800.000 đồng.
Sau khi cổ phần hóa, BIDV sẽ tham gia thị trường chứng khoán. Bước đầu tiên tiếp cận với thị trường này là xúc tiến thành lập quỹ đầu tư trong nước. Đến thời điểm này, quỹ đã nhận được cam kết góp vốn từ các tổng công ty trong nước với hơn 80 triệu USD, ngân hàng này sẽ tiếp tục vận động để nhận được thêm 20 triệu USD nữa. Ngày 15/10, các thủ tục pháp lý đăng ký thành lập quỹ đầu tư trên sẽ hoàn tất. Đây sẽ là một trong các quỹ đầu tư lớn nhất VN.
Song Linh - Việt Phong
▪ Phú Yên: Cá mú giống xuất hiện dày đặc ven biển (23/09/2005)
▪ 6 chủ tàu xa bờ viết đơn xin trả lại tàu để bán thu hồi nợ (23/09/2005)
▪ 13 ngân hàng VN phải ứng dụng dịch vụ đánh giá và kiểm tra an ninh mạng (23/09/2005)
▪ Tháng 11: Hội chợ quốc tế nữ trang Việt Nam (23/09/2005)
▪ Sẽ ký Hiệp định vận tải đường bộ giữa VN và Campuchia (23/09/2005)
▪ Viettel có phạm "luật chơi"? (23/09/2005)
▪ "Mẹ - con": Phải thực sự cần nhau (23/09/2005)
▪ Vàng tăng giá kỷ lục trong vòng 18 năm qua (23/09/2005)
▪ Sợ mất... độc quyền? (23/09/2005)
▪ Viettel chỉ khuyến mãi cuộc gọi nội mạng (23/09/2005)