WTO hôm nay và ngày mai
Các Website khác - 16/01/2006
WTO hôm nay và ngày mai
GS Hà Tôn Vinh

Hôm nay (16.1) tại Hà Nội, cuộc đàm phán song phương Việt Nam - Hoa Kỳ tiếp tục đàm phán các vấn đề liên quan đến việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Ngành thuỷ sản sẽ gặp khó khăn
khi VN vào WTO.
Nỗ lực gia nhập WTO

Trong các vòng đàm phán với Hoa Kỳ từ trước đến nay, vấn đề gây trở ngại chủ yếu xoay quanh trợ cấp nông nghiệp, việc mở rộng các dịch vụ viễn thông, các kênh phân phối và nhập khẩu, việc trợ cấp xuất khẩu và vấn đề tiếp cận thị trường của các công ty dịch vụ Hoa Kỳ trong các ngành như ngân hàng v.v...

Ngoài ra còn có vấn đề cam kết của Việt Nam về vấn đề vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và bản quyền, in ấn sách báo và băng đĩa lậu. Nếu các khó khăn trên không được giải quyết thoả đáng, Việt Nam khó có thể kết thúc các vòng đàm phán và gia nhập WTO trong năm 2006 này.

Thêm vào đó, Việt Nam phải đợi kết quả của việc Quốc hội Hoa Kỳ bỏ phiếu chấp thuận cho Việt Nam hưởng Quy chế Quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn (Permanent Normal Trade Relations - PNTR) - đây là một thủ tục cần thiết cho hồ sơ gia nhập WTO của Việt Nam.

Sau Hoa Kỳ, Việt Nam sẽ còn phải đàm phán với một số quốc gia khác như: Australia, New Zealand, Mexico, v.v...

Ngoài các cơ hội và ích lợi của việc gia nhập WTO, vấn đề hiện nay là Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn và thách thức sau khi tham gia, đặc biệt là nhu cầu thay đổi và điều chỉnh luật pháp cho phù hợp với các quy định và tiêu chuẩn của WTO.

Ngoài các luật mới cần được soạn thảo và ban hành, Việt Nam hiện còn gần 100 bộ luật cần được điều chỉnh hoặc thay thế và với thủ tục soạn thảo và phê chuẩn hiện tại, số lượng nói trên vượt quá khả năng và thời giờ của Quốc hội.

Việc gia nhập WTO sẽ đem đến nhiều cuộc cạnh tranh khốc liệt trong thương mại và dịch vụ hàng hoá, đặc biệt trong ngành nông nghiệp sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều do việc Chính phủ phải bãi bỏ mọi trợ giá cho nông phẩm, các rào cản về thuế nhập khẩu, v.v...

Nếu không có gì trở ngại, Việt Nam sẽ trở thành hội viên của WTO vào cuối năm 2006 hoặc đầu năm 2007.

Chuẩn bị thời "hậu" WTO
Việc gia nhập WTO là một cơ hội và thách thức cho Chính phủ trong việc điều chỉnh và phát triển các chính sách về nông thôn và nông nghiệp. Với hơn 75% dân số sống ở nông thôn và tham gia vào nông nghiệp, mọi ảnh hưởng đến cuộc sống và sản phẩm của họ sẽ tác động mạnh đến vấn đề an ninh lương thực quốc gia, gia tăng việc nông dân di dời về thành phố gây mất quân bình sản xuất và làm tăng khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị.

Vấn đề gia nhập vào WTO hiện nay không phải là trách nhiệm và vấn đề đơn lẻ của Chính phủ, mà còn là trách nhiệm của lãnh đạo các DN nhà nước cũng như tư nhân. Gia nhập WTO chỉ còn là vấn đề thời gian, nhưng hội nhập và phát triển kinh tế hậu WTO là một thách thức và nhu cầu dài hạn.

Mức độ phát triển kinh tế (8,4%) và lạm phát (8,4%) trong năm 2005 cho thấy Chính phủ cần nhìn lại nhu cầu và chính sách phát triển kinh tế hiện tại. Ảnh hưởng của WTO chắc chắn sẽ gây thêm nhiều khó khăn cho khu vực nông nghiệp, nhất là khi nông dân hiện đang dần dần mất đất canh tác, thiếu thông tin về thị trường nông phẩm, bị ép buộc bán nông phẩm qua các kênh trung gian và chưa được nhiều sự hỗ trợ trong việc chế biến nông phẩm.

Kinh nghiệm 50 năm vừa qua tại các nước và vùng lãnh thổ Châu Á như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan và Trung Quốc có nền kinh tế nông nghiệp như Việt Nam đã cho thấy sự phát triển kinh tế bền vững của các quốc gia này đã được xây dựng trên cơ sở sự chia sẻ đồng đều các lợi ích của nền kinh tế thị trường cho các khu vực kinh tế nông nghiệp, tư nhân và phi chính phủ. Sự phát triển kinh tế bền vững của Việt Nam sẽ không phải là một trường hợp ngoại lệ.