Xuất khẩu 3 quý đầu năm: Bứt phá từ nội lực
Các Website khác - 29/09/2005
Xuất khẩu 3 quý đầu năm: Bứt phá từ nội lực
Đình Chúc

Mua bán túi da thời trang tại các
cửa hàng trên đường Hàng Bông
(Hà Nội).

Xét về giá trị tuyệt đối, để tham vọng xuất khẩu (XK) cuối năm đạt được 31,5 tỉ USD, ngành XK cả nước chỉ phải gắng sức hơn năm 2004 có 5 tỉ USD. Nhưng với một xuất phát điểm tăng trưởng XK rất cao của năm 2004 (31,5%), cùng những lực cản bất khả kháng do ngoại cảnh mang lại thì việc 9 tháng qua, XK vẫn tăng trên 21% là do chính những bứt phá từ nội lực.

"Ngoại cản" ngay từ đầu năm
Ngay tại thời điểm cuối năm ngoái, Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển đã dự liệu: Năm 2005, XK nước nhà sẽ phải đối mặt với không ít sóng gió của thị trường thế giới, mà một trong những bức tường thành dựng lên ngay từ ngày đầu năm là ngành dệt may VN sẽ "thân cô thế cô" chịu hạn ngạch.

Và cuộc đấu không cân sức với những người khổng lồ dệt may thế giới được tự do tung hoành, đã khiến ngành này đang từ chỗ tăng trưởng trên 20% năm ngoái xuống còn hơn 4% trong 9 tháng qua. Điều này buộc các nhà quản lý dệt may phải điều chỉnh lại mục tiêu đầy tham vọng từ 5,2 tỉ USD xuống còn 4,7 - 4,8 tỉ USD.

Ngành thuỷ sản cũng bị chững lại và chia sẻ thị phần khi phải hứng chịu hệ lụy từ hai vụ kiện chống bán phá giá cá tra, ba sa và tôm tại nước Mỹ. Đặc biệt, xe đạp - một ngành đang "bon bon" vào EU - đã thụt lùi nghiêm trọng sau cú sốc bị kiện bán phá giá.

Da giày vốn chỉ đứng sau dệt may, cũng bị khựng lại khi chịu chung hàng rào chống bán phá giá tương tự xe đạp. Song bóng đen bao trùm lên toàn bộ bức tranh XK của VN phải kể đến tác động của cơn bão giá dầu thế giới. Hàng loạt nguyên liệu đầu vào tăng giá, cùng với đó là giá cước vận tải tăng chóng mặt, đã "kéo lùi khả năng cạnh tranh (vốn đã yếu) của hàng XK VN thêm yếu hơn" - như chuyên gia kinh tế cao cấp Lê Đăng Doanh nhận xét.

Bứt phá nội lực
Khó là thế, nhưng các nhà XK VN không khoanh tay chịu trói. Ngay cả 3 "đại gia" là dệt may, giày dép và thuỷ sản - tuy không còn sức bật lớn như trước, nhưng vẫn tăng trưởng "dương" khiến không ít đối thủ ngạc nhiên.

Chủ tịch Hiệp hội Dệt may VN Lê Quốc Ân cho rằng, ngay cả việc giữ được mức 4,7 - 4,8 tỉ USD vào cuối năm nay đã là thắng lợi. Còn một lãnh đạo Hiệp hội Da giày VN thì tự tin: Các DN VN sẽ hợp tác tối đa với EC, dù thế nào thì cuối năm vẫn phải đạt mức tăng trưởng xấp xỉ 15%. Riêng thuỷ sản, khó ở thị trường Mỹ, các DN đã lặn lội tìm tòi các thị trường có nhiều tiềm năng như Nhật Bản, Trung Quốc và Tây Âu... và kết cục là "ở hiền gặp lành", khi 9 tháng toàn ngành đạt 1,9 tỉ USD.

Song có một điều phải ghi nhận là lâu nay, trong danh mục các mặt hàng XK thường đưa danh mục "các mặt hàng XK khác" xuống cuối bảng, nhưng 9 tháng qua, tổng kim ngạch của cái gọi là "những mặt hàng khác" này đã ngấp nghé con số 4 tỉ USD - tương đương với kim ngạch của một trong hai đại gia là dầu thô và dệt may. Không bảo thủ - bằng mọi giá lao vào những mặt hàng chủ lực, một khi thị trường chao đảo - các DN VN đã tự mở lối cho riêng mình, đi vào những "khe cửa hẹp" nhưng đầy hiệu quả.

3 tháng và 8 tỉ USD
Để đạt mục tiêu 31,5 tỉ USD vào cuối năm, 3 tháng còn lại, kim ngạch XK phải đạt 8 tỉ USD (trung bình 2,7 tỉ USD/tháng). Theo một chuyên gia Viện Nghiên cứu thương mại, mức này là trong tầm tay vì nó thấp hơn mức đạt được của tháng 9 (2,8 tỉ USD) và càng thấp xa so với tháng 8 (trên 3 tỉ USD).

Tuy nhiên, theo một quan chức Bộ Thương mại là ta không nên chủ quan, bởi một số hàng nông sản vốn là thế mạnh của VN vào những tháng cuối năm đã cạn nguồn như gạo, hạt tiêu, càphê, caosu... Trong khi đó, những mặt hàng đang có thế mạnh như xe đạp, giày dép, tôm, cá... lại bị vướng các hàng rào kỹ thuật do các nước giàu áp đặt.

Tuy nhiên, theo chính các DN XK, khả năng đạt được 8 tỉ USD XK trong 3 tháng tới không mấy khó, vì các DN rất năng động, họ không phấn đấu để đạt mục tiêu lấy thành tích, mà quan trọng hơn chính là hiệu quả từ XK của mỗi DN.

Một số chỉ tiêu đạt được trong XK 9 tháng đầu năm 2005:
Tổng kim ngạch XK: 23,5 tỉ USD, tăng 21,1% so với cùng kỳ. Trong đó, có 19 mặt hàng vượt 100 triệu USD, 7 mặt hàng vượt 500 triệu USD và 5 mặt hàng vượt 1 tỉ USD là dầu thô, dệt may, da giày, thuỷ sản, gạo (dự kiến cả năm sẽ thêm 2 mặt hàng khác là sản phẩm gỗ và điện tử, máy tính). Nguồn: Bộ Thương mại