Tháng Tết không khí làm việc uể oải, thời gian ngắn, khối lượng sản xuất không nhiều mà lại phải ưu tiên phục vụ tiêu dùng nội địa. Kim ngạch xuất khẩu tháng này ước chừng đạt 2,8 tỷ USD, chỉ tăng 16% so với tháng 1/2005, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng bình quân của năm ngoái.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê công bố sáng nay, trong tổng số 2,8 tỷ USD xuất khẩu tháng đầu năm, khu vực kinh tế trong nước đóng góp 1,2 tỷ USD, xuất khẩu dầu thô 640 triệu USD, xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài không kể dầu thô 960 triệu USD. Ngoài những yếu tố kể trên, xuất khẩu tháng 1 còn chịu ảnh hưởng bởi nhu cầu của khách hàng Trung Quốc. Các đơn hàng từ thị trường này đang gián đoạn vào dịp Tết.
![]() |
Dệt may kỳ vọng một năm khởi sắc. Ảnh: Anh Tuấn |
Tuy nhiên, tất cả các mặt hàng xuất khẩu chủ lực vẫn đạt kim ngạch 100 triệu USD trở lên và tăng so với cùng kỳ năm trước. Dệt may xuất được 370 triệu USD, tăng 3,4%; giày dép 300 triệu USD, tăng 7,4%; thủy sản 220 triệu USD, tăng 16,4%; sản phẩm gỗ 120 triệu USD, tăng 22%; cà phê 110 triệu USD, tăng 37,6%.
Xuất khẩu gạo tháng 1 ước tính đạt 200.000 tấn, tương đương 50 triệu USD, giảm 19,5% về lượng và giảm 21,6% về kim ngạch so với tháng 1 năm trước. Xuất khẩu gạo đã ký được hợp đồng với Indonesia và một số nước khác, tuy nhiên, để đảm bảo an ninh lương thực trong nước nên mức xuất khẩu chưa cao.
Sản xuất công nghiệp nói chung chững lại trong tháng Tết. Song, xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp nhẹ như xe đạp, đồ chơi, dầu thực vật đã tăng đáng kể sau nhiều tháng cuối năm 2005 liên tục giảm. Xe đạp và phụ tùng xe đạp tăng 11,7%; dầu mỡ động thực vật tăng 89,6%; đồ chơi trẻ em tăng 9,2%.
Nhập khẩu tháng 1 ước đạt 3,15 tỷ USD, tăng 10,8% so với tháng 1/2005 và bằng 7,4% kế hoạch năm 2006. Trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập khẩu 2,02 tỷ USD, tăng 6,8% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 1,13 tỷ USD, tăng 18,7%. Như vậy, ngay từ đầu năm tốc độ nhập khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đã gia tăng đáng kể so với mức tăng của khu vực kinh tế trong nước.
Kim ngạch nhập khẩu hầu hết các mặt hàng, cả máy móc, thiết bị và nguyên, nhiên, vật liệu đều đều tăng so với tháng 1/2005. Nhập khẩu của nhiều mặt hàng tăng, chủ yếu do tăng giá. Nhập xăng dầu đạt 440 triệu USD, tương đương 950 triệu tấn, tăng 48,7% về kim ngạch nhưng lượng chỉ tăng 1,8%; chất dẻo 109 triệu USD, tương đương 80.000 tấn, tăng 13,2% về kim ngạch, lượng chỉ tăng 3%; nhập khẩu phân bón tăng 37% về kim ngạch, lượng tăng 21,7%; giấy các loại kim ngạch tăng 35,4%, lượng tăng 3,5%...
Riêng đối với các mặt hàng như ôtô nguyên chiếc, xe máy nguyên chiếc, sắt thép, do giá trên thị trường thế giới có dấu hiệu giảm, nên mặc dù lượng nhập tăng, nhưng kim ngạch giảm hoặc tăng thấp so với tháng 1/2005.
Nhập khẩu tăng chậm góp phần kiềm chế nhập siêu ở mức 350 triệu USD, bằng 12,5% kim ngạch xuất khẩu. Tháng 1/2005, nhập siêu của Việt Nam là 430 triệu USD, bằng 17,8% kim ngạch xuất khẩu.
Năm ngoái, tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước đạt 32,23 tỷ USD, tăng 21,6% so với 2004. Trong khi đó, giá trị nhập khẩu đạt 36,88 tỷ USD, tăng 15,4%.
Kiều Giang
▪ Bánh kẹo nội "lên ngôi" (23/01/2006)
▪ Phải mất từ 30-60 phút để thanh toán tiền mua hàng trong siêu thị (23/01/2006)
▪ Tin kinh tế ngày 23.1 (23/01/2006)
▪ Ngừng xét các dự án đầu tư mới sản xuất lắp ráp ôtô (23/01/2006)
▪ Làm chưa đúng luật (23/01/2006)
▪ Chưa tìm được tiếng nói chung (23/01/2006)
▪ Được kinh doanh vàng ở nước ngoài (23/01/2006)
▪ Ngày 9/2 Thủ tướng sẽ gặp doanh nghiệp (23/01/2006)
▪ Kiện vi phạm sở hữu trí tuệ là chuyện thường (23/01/2006)
▪ Thị trường tăng nhiệt sau khi Táo quân về trời (23/01/2006)