4 số phận lao đao vì 2 phích nước bị mất cắp
Các Website khác - 18/08/2005

Do sự tắc trách của các cơ quan tố tụng, 4 công dân bị bắt và kết án sai trong một vụ án 20 năm trước đã không được minh oan. Họ buộc phải sống với nhiều nỗi đắng cay, thiệt thòi...

Anh Phạm Thanh Xuân xách xe ra khỏi nhà đi đòi công lý.

Mới ở tuổi ngoài 40, nhưng Phạm Thanh Xuân, xã Cao Xá, huyện Lâm Thao (Phong Châu cũ), tỉnh Phú Thọ, nhìn như một ông lão. Lưng gù, vẻ thiếu tự tin, giọng trầm buồn, anh Xuân kể lại chuyện xảy ra với anh và ba người bạn đồng niên cùng xã, 20 năm về trước.

Đêm 4/7/1984, nhà ông Tuần ở trong xã bị mất trộm 2 cái phích nước. Ngày ấy, phích nước còn là vật dụng đắt tiền trong nhà. Công an huyện Phong Châu lập tức về điều tra và nhanh chóng bắt Cao Quang Chung - mới xuất ngũ về địa phương.

Chung bị “nhắm” là nghi can vì hồi thiếu niên vẫn có tật “táy máy trộm vặt”. Dân làng thán phục khen ngợi những người phá án nhanh chóng. Sau đó, Phạm Thanh Xuân và hai người bạn thân là Hoàng Mạnh Tấn, Tạ Gia Tĩnh cũng bị bắt. Công an nói, Chung đã khai 3 người này là đồng phạm.

Phiên tòa sơ thẩm ở huyện Phong Châu ngày 16/11/1984 đã phạt họ tổng cộng 57 tháng tù giam (bản án số 04ST-HS). 4 bị cáo kêu oan, họ bị ép cung.

Thời gian chờ xử phúc thẩm, ngày 20/4/1985, 4 người bỗng nhận lệnh tạm tha. Họ vui mừng vì được thả về. Mãi sau, họ mới hay thủ phạm thực sự của vụ trộm 2 phích nước đã được tìm thấy. Tháng 3/1985 trong một vụ án khác, công an huyện Phong Châu bắt Nguyễn Văn Tiến ở xã Sơn Vi.

Tiến còn khai đã ăn trộm 2 cái phích nọ của nhà ông Tuần. Để kiểm chứng, Tiến được dẫn giải về xã Cao Xá để chỉ ngôi nhà đã thực hiện vụ trộm. Đúng là nhà ông Tuần. Sau vụ này, Tiến bị tòa phạt tù 24 tháng, cho hưởng án treo.

Tuy nhiên, phiên phúc thẩm xét xử 4 bị cáo Chung - Xuân - Tấn - Tĩnh vẫn được TAND tỉnh Vĩnh Phú mở ngày 16/11/1985. Kết thúc tòa, HĐXX chẳng tuyên ai có tội hay không, mà chỉ là: “Chưa đủ căn cứ để kết tội các bị cáo như bản án sơ thẩm số 04 ngày 16/11/1984 đã quy kết. Hủy toàn bộ bản án hình sự sơ thẩm, giao cho TAND huyện Phong Châu xét xử lại theo trình tự tố tụng sơ thẩm về hình sự từ giai đoạn điều tra với thành phần của HĐXX mới”.

Vẫn găm trong mình lệnh tạm tha, 4 người nặng nề lê bước về quê. Họ chờ ngày được minh oan, khỏi mang tiếng tù tội với gia đình, hàng xóm.

Hơn 20 năm qua, cuộc sống của bốn số phận ấy thay đổi rất nhiều, nhưng “Lệnh tạm tha” từ vụ án kia vẫn… còn đó. Ra tù, Tấn và Tĩnh được cơ quan cũ nhận trở lại. Xuân và Chung bị làng xóm dè bỉu, chẳng ai muốn chơi, muốn gần “thằng đi tù về”.

Xuân lang thang ở thành phố Việt Trì, tình cờ quen cô công nhân nhà máy Dệt. Hồi ấy anh giấu chuyện đi tù, thế là may mắn có vợ, rồi rời quê xuống khu tập thể nhà máy “ở rể” cho khuất mắt người làng.

Còn Chung vẫn ở quê trong căn nhà ông bà để lại. Niềm vui lớn của nhà anh là đứa con trai đầu học rất giỏi và thi đỗ vào Học viện Quân y. “Nó bảo tôi, nhà trường chưa thể xét kết nạp Đảng cho nó vì lý lịch của bố “có vấn đề”... Bao năm rồi, xã có cho tôi vào Hội cựu chiến binh đâu? Đứa con gái thứ hai làm thợ may ở thành phố mới gửi về chiếc xe máy mới. Nhưng tôi đâu dám đi vì không có chứng minh thư để làm bằng lái", anh tâm sự.

Mấy năm qua, nhiều lần 4 người làm đơn kêu oan, TAND tỉnh Phú Thọ hỏi xuống tòa huyện Phù Ninh (huyện Phong Châu cũ) về vụ án, thì được trả lời: "Những người xét xử vụ án ngày ấy giờ đã về hưu hoặc chết".

Ông Lê Hữu Thể (Viện trưởng VKSND tỉnh Phú Thọ) cho biết: “Lật lại án văn vụ này thì đúng là hồ sơ sau phiên xử phúc thẩm đã chuyển đi tòa cấp dưới, còn nó đến nơi chưa thì… không rõ. Có thể bị thất lạc trên quãng đường từ tòa tỉnh về tòa huyện, hoặc một nguyên nhân nào khác”.

Nhiều tháng nay, anh Xuân rong ruổi mỏi mệt đến các cơ quan Tỉnh ủy, UBND, VKSND và TAND tỉnh Phú Thọ đề nghị xem xét lại vụ án. Ngày 22/4, ông Tạ Gia Lương (Chánh tòa hình sự TAND tỉnh) đã tiếp anh. Ông Lương “ủy quyền cho anh Xuân đi đến các cơ quan đề nghị xét xử lại vụ án”, và hứa "sẽ báo cáo lãnh đạo để trả lời những khiếu nại”.

Anh Xuân nói: “Vị thẩm phán xử phiên phúc thẩm ngày xưa, giờ đã là Chánh án TAND tỉnh, còn vị cán bộ điều tra xét hỏi ở Công an huyện Phong Châu ngày ấy, giờ đã là một Phó phòng PC16 Công an tỉnh. Bọn tôi cũng nản vì các ông ấy làm chức to, nay vướng lắm!”.

“Mong một lần được minh oan để có lại quyền công dân. Con cái giờ khôn lớn, chúng tôi phải có trách nhiệm xóa đi mặc cảm của chúng trước bạn bè và xã hội, cũng là để chúng tôi được sống thanh thản đến già chứ…”, Xuân tâm sự.

Mới đây, Tỉnh ủy Phú Thọ đã giao cho TAND tỉnh báo cáo lên TAND Tối cao, xin ý kiến chỉ đạo giải quyết vụ việc. TAND tỉnh cho biết đang khẩn trương nghiên cứu để báo cáo lên trên, sớm có cách giải quyết, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

(Theo Tiền Phong)