Hóa thân để đeo bám đối tượng
Thời điểm Tết Âm lịch 2004, trên thị trường TP Hồ Chí Minh xuất hiện nhiều kim cương nhập lậu. Qua một thời gian truy lùng manh mối, cuối cùng “con mồi” đã lộ dạng: Chen Hsin Hsiung (người Đài Loan, tên tiếng Việt là Trần Sĩ Hùng). Mỗi tháng vài lần, Chen từ Đài Loan nhập cảnh vào Việt Nam, mang theo nhiều kim cương để tiêu thụ tại các cửa hàng vàng bạc.
Do Chen không bao giờ lưu trú lâu dài tại Việt Nam nên rất khó xác định chính xác quy luật đi lại, cách thức giấu kim cương và số lượng kim cương Chen mang vào Việt Nam. Vì thế 7 trinh sát (thuộc Công an quận 5 và Đội 4 Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ) phải thường xuyên thay phiên nhau bám sát mọi hành động của Chen.
Bất ngờ là căn hộ chung cư mà Chen thuê để ở mỗi khi vào Việt Nam lại gần với nhà của trinh sát T. trong nhóm. Mọi người trong chung cư đều biết anh làm nghề gì nên anh không thể lộ mặt theo dõi đối tượng. Thế là anh phải giả vờ xin nghỉ ở nhà, cả ngày tụ tập đánh cờ tướng, chơi cờ cá ngựa ngoài đầu ngõ mới có thể quan sát quy luật đi lại của Chen.
Mấy lần cảnh sát khu vực đến nhắc nhở rằng sao anh là công an mà không biết giữ mình, suốt ngày chơi bời. Mãi đến khi chuyên án phá vụ buôn lậu kim cương lớn nhất từ trước đến nay kết thúc (Chen bị bắt quả tang đang cất giấu trong người và hành lý xách tay 229 viên kim cương vào ngày 14-9-2004, sau đó qua khám xét nhà Chen ở quận 5 phát hiện thêm hơn 2.000 viên kim cương), người cảnh sát khu vực mới biết mình đã trách oan đồng nghiệp của mình.
Hoàn cảnh trớ trêu mà anh T. gặp, đối với các trinh sát không phải là chuyện hiếm. Thông thường, nguồn tin do người dân cung cấp rất mơ hồ, chung chung, các trinh sát của lực lượng phòng chống buôn lậu muốn lần ra đầu mối khó như mò kim đáy bể.
Chưa kể về mặt pháp luật, dù đã bắt quả tang đối tượng vận chuyển, mua bán, tàng trữ hàng lậu nhưng nếu không chứng minh được đó là hàng lậu, không đấu tranh được để đối tượng khai nhận hành vi phạm tội của mình thì bao nhiêu công sức của anh em sẽ “trôi sông”.
Vì vậy hầu như vụ nào các trinh sát cũng phải đeo bám đối tượng để lần ra hoạt động của cả đường dây, thu thập đầy đủ chứng cứ. Nhiều lần, anh em phải ẩn mình trong lùm cây, bụi rậm để theo dõi, nhìn có vẻ lén lút, rất khả nghi khiến người dân xung quanh tưởng là kẻ gian và đi báo với công an địa phương. Những lúc như thế, chỉ còn cách nói nhỏ với đồng nghiệp về nhiệm vụ của mình mới không bị đưa về trụ sở công an.
Đĩa khoai ngon nhất trong đời
Không chỉ bị nghi là kẻ gian, các anh còn phải chịu vất vả, lắng tai căng mắt trong lúc theo sát đối tượng. Tội phạm kinh tế rất khôn ngoan, thường xuyên thay đổi quy luật hoạt động nên nếu không túc trực đeo bám sẽ bị thất bại ngay. Bài học kinh nghiệm trong một lần để mất dấu đối tượng của một trinh sát luôn được anh em nhắc nhau ghi nhớ.
Lần đó, người trinh sát này được giao nhiệm vụ canh chừng, nếu thấy xe của đối tượng chạy ngang qua thì báo cho nhóm phía sau biết. Chờ hoài chưa thấy động tĩnh gì, lại thêm mệt mỏi sau hai - ba đêm thức trắng, anh vào nhà dân xin rửa mặt cho tỉnh ngủ.
Không may đúng vào lúc này, xe của đối tượng chạy ngang qua mà anh không hay biết để thông báo cho đồng đội. Việc để mất dấu ấy khiến mọi người phải tổ chức theo dõi lại từ đầu. Từ đó, dù có mệt đến mấy, các anh cũng không dám lơ là một phút. Với chuyện ăn uống cũng vậy.
Trong lúc đối tượng sung sướng vào nhà hàng kéo ghế thì anh em ở ngoài đứng canh, không dám bỏ đi đâu. Nhưng như vậy còn đỡ vì có thể mua ổ bánh mì hay ly nước uống cầm hơi. Gặp lúc ở khu vực dân cư thưa thớt, không có quán xá thì dù có tiền cũng chịu thua.
Một trinh sát tham gia phá đường dây buôn lậu vải từ Campuchia qua cửa ngõ An Giang vào TP Hồ Chí Minh kể: “Đêm ấy, anh em tụi tui phục kích ở khu vực biên giới. Đến khuya, tất cả đều đói và khát nhưng không biết làm sao vì không còn quán nào mở cửa.
Mang theo được một chai nước thì đã đánh rơi từ lúc bước lên xuồng. May sao có một người dân gần đó thấy tội nghiệp nên mang ra cho một đĩa khoai. Củ nào củ nấy chỉ bằng ngón chân cái nhưng với tụi tui, đó là đĩa khoai ngon nhất trên đời”.
Với các anh, chỉ cần có lệnh là sẵn sàng lên đường với nguyên tắc đặt ra là “Đi báo việc, về báo công”. Bằng nguyên tắc ấy, lực lượng trinh sát phòng chống buôn lậu đã liên tục phá nhiều vụ án lớn. Chỉ tính từ đầu năm 2005 đến nay, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ – Công an TP Hồ Chí Minh phá ba vụ án buôn lậu lớn (buôn lậu vải, buôn lậu ô tô, buôn lậu điện thoại di động), góp phần bảo vệ sự ổn định về kinh tế của thành phố.
|