Người tiến hành tố tụng cần được pháp luật bảo vệ một cách đặc biệt
Các Website khác - 18/08/2005
Trả lời phỏng vấn sau một số vụ việc "trả thù" người tiến hành tố tụng gần đây, Phó Cục trưởng Cục Điều tra (Viện KSNDTC) Phạm Huy Thận cho rằng, người tiến hành tố tụng cần được pháp luật bảo vệ bằng một số điều khoản về việc giữ bí mật danh tính, địa chỉ nhà riêng... và khi gặp rủi ro, phải được hưởng chế độ như chế độ dành cho các lực lượng vũ trang.
Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ án nghiêm trọng, trả thù những người làm việc trong các cơ quan tiến hành tố tụng. Đó là vụ "dằn mặt" ông Phạm Văn Cương, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Thanh Hóa bằng cách ôm bộc phá "đột nhập" vào nhà riêng và gần đây nhất là vụ tạt axít gây bỏng nặng cho thẩm phán dân sự Nguyễn Thị Kim Loan (TAND quận Đống Đa, Hà Nội). Những hành động trả thù liều lĩnh, dã man đó đang gây bất bình, bức xúc và lo lắng cho nhiều người làm công việc, phải đối mặt với nguy hiểm từng ngày này. Ở các nước phương Tây, mọi biện pháp bảo vệ cho các công tố viên, thẩm phán, nhân chứng... đều được quy định rất chặt chẽ, cụ thể. Còn tại Việt Nam thì sao? Về vấn đề này phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Huy Thận, Phó Cục trưởng Cục Điều tra - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

PV: Là một người từng làm công tác kiểm sát lâu năm lại giữ cương vị lãnh đạo của cơ quan điều tra các loại tội phạm, ông đã bao giờ bị đương sự hay người nhà của họ đe dọa "khủng bố" chưa ?

Ông Phạm Huy Thận: Tôi cũng đã từng nhiều lần bị đe dọa, khủng bố về tinh thần. Như gần đây, tôi vào Gia Lai giải quyết một vụ án đã qua nhiều cấp và đều khẳng định là tôi đã làm đúng. Nhưng, đương sự vẫn liên tục gọi điện, khiếu nại, tố cáo tôi làm sai lệch hồ sơ. Những điều như thế dù không có thực nhưng cũng đã làm ảnh hưởng đến uy tín, tinh thần cho tôi và gia đình, cũng như hoạt động bình thường của các cơ quan tiến hành tố tụng.

PV: Qua một số sự việc xảy ra nêu trên, xin ông cho biết việc bảo vệ điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán... sẽ phải làm như thế nào?

Ông Phạm Huy Thận: Theo tôi, đây có thể được coi là nghề nguy hiểm, sự nguy hiểm luôn rình rập quanh họ và cả những người thân của họ. Những cán bộ này được đào tạo, được giao trọng trách để làm những công việc đặc biệt, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ quyền lợi, tài sản, tính mạng cho nhân dân nhưng đồng thời cũng phải "tước đoạt" một số quyền lợi của một số công dân khác. Nhất là trong các vụ án kinh tế, ma túy, trật tự xã hội, đối tượng phạm tội có thể còn bị tước đoạt tính mạng, tài sản, chức vụ vì những hành vi phạm tội của mình nên người phạm tội, người thân của họ luôn tìm mọi cách để vô hiệu các cơ quan bảo vệ pháp luật kể cả việc mua chuộc, tống tiền, đe dọa ám sát, khủng bố. Dù ít hay nhiều, từ nhiều phía, nhiều phương diện, những việc làm trên sẽ ảnh hưởng đến tinh thần, uy tín, cuộc sống của những cán bộ này. Nhưng, hiện nay trong các văn bản pháp luật có liên quan đến hoạt động của những người tiến hành tố tụng chưa có quy định cụ thể, đầy đủ các biện pháp bảo vệ họ. Trong Pháp lệnh Kiểm sát viên, VKSND, Pháp lệnh thẩm phán, TAND... chỉ quy định về các mức phụ cấp. Vì vậy, Nhà nước nên sửa đổi, bổ sung, một số điều khoản về việc giữ bí mật danh tính, địa chỉ nhà riêng... của những người làm việc trong các cơ quan tiến hành tố tụng. Trong các vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, báo chí cũng không nên đưa tên tuổi cụ thể của những cán bộ này.

PV: Như vậy, pháp luật cần có những quy định gì để những người tham gia tố tụng có đủ bản lĩnh, dũng khí để kiên quyết đấu tranh với các loại tội phạm, thưa ông?

Ông Phạm Huy Thận: Trong một chừng mực nào đấy, như hai vụ án nghiêm trọng trên, những người tiến hành tố tụng cũng cần được pháp luật bảo vệ một cách đặc biệt để tránh đến mức thấp nhất những "rủi ro" nghề nghiệp có thể xảy ra. Bên cạnh đó cũng phải có những quy định cụ thể về chế độ như chế độ dành cho thương binh, liệt sĩ, các lực lượng vũ trang. Nói một cách khác, họ cũng là một lực lượng bảo vệ chế độ, giữ gìn sự nghiêm minh, công bằng của pháp luật.

PV: Bên cạnh đó, cũng không thể không kể đến nhiều vụ tiêu cực có liên quan đến một số điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán trong thời gian gần đây... tạo ra nhiều bức xúc, ức chế cho đương sự. Điều đó có nghĩa là vấn đề đạo đức nghề nghiệp trong lĩnh vực này cũng cần phải được đề cao, thưa ông?

Ông Phạm Huy Thận: Trong quá trình tiến hành tố tụng, có một số trường hợp cá biệt "có thể" gắn với động cơ cá nhân, hoặc do năng lực hạn chế, do những tác động "nhạy cảm" từ nhiều phía dẫn đến những việc làm không minh bạch, khách quan, làm tổn hại đến những quyền lợi hợp pháp của đương sự, gây tâm lý ức chế cho họ. Chính điều đó cũng có thể làm phát sinh những hành động mang tính trả thù, đe dọa, xúc phạm đến những người tiến hành tố tụng. Vì vậy, càng ở những cương vị đặc biệt này, vấn đề đạo đức nghề nghiệp càng phải đặt lên hàng đầu.

PV: Xin cảm ơn ông.

Theo Đời sống và pháp luật