Theo đánh giá của nhiều LS, nếu được thông qua (theo dự kiến, trong kỳ họp Quốc hội sắp tới, dự thảo Luật LS sẽ được đưa ra thảo luận và lấy ý kiến), sẽ đặt ra cho giới LS một bài toán rất khó khi hành nghề!
Luật không điều chỉnh LS tập sự?
"Phát hiện" của LS Nguyễn Huy Thiệp - khiến nhiều người giật mình. Theo quy định tại Điều 1 của Dự thảo Luật (DT) thì đối tượng và phạm vi điều chỉnh của luật này là LS. Nhưng theo giải thích tại Điều 2, LS phải "là người có Chứng chỉ hành nghề LS và được ghi tên vào danh sách LS của một Đoàn LS để hành nghề". Và Điều 7 "chốt" lại người muốn được hành nghề LS phải có Chứng chỉ hành nghề LS! Quy định như trên chẳng khác nào cấm LS tập sự hành nghề bởi theo LS Thiệp - đã gọi là LS "tập sự" thì lấy đâu ra Chứng chỉ hành nghề LS? Vậy LS tập sự sẽ do luật nào điều chỉnh? Theo nhận xét của LS Lê Thu Hương - sau khi đã tốt nghiệp khóa đào tạo nghề LS, LS tập sự phải được thực hiện các công việc "như của LS" thì mới có kinh nghiệm thực tế và như thế, hết thời gian tập sự, LS mới có thể chính thức hành nghề được. Để đảm bảo cho một LS có đầy đủ kỹ năng cũng như chuyên môn cần thiết thì Luật phải cho họ có điều kiện cũng như quyền được tham gia tất cả các công việc của LS. LS Hằng Nga - đề xuất nên mở rộng quyền của LS tập sự hơn bằng cách cho phép họ được tư vấn và tham gia tranh tụng ở cấp sơ thẩm (chứ không nên hạn chế ở cấp quận, huyện như quy định hiện hành) với điều kiện phải có LS chính thức hướng dẫn. Có như thế thì mới phát huy được sự năng động của các LS tập sự cũng như tạo điều kiện giúp họ trưởng thành nhanh hơn!
Luật sư công: Không nên!
Phải mất một thời gian khá dài chúng ta mới xóa bỏ được chế độ kiêm nhiệm trong đội ngũ LS nay DT Luật lại đưa vấn đề LS làm việc cho cơ quan Nhà nước theo chế độ công chức. Theo các nhà làm luật, chế định LS công "không trái với quy định của pháp luật về cán bộ, công chức" bởi lẽ các LS đó chỉ được thực hiện dịch vụ pháp lý theo sự phân công của cơ quan, tổ chức đó, không được nhận vụ việc của khách hàng khác. Tuy nhiên, theo nhận xét của LS Hằng Nga thì bản chất của nghề LS là nghề tự do, còn LS công hành nghề dưới sự chỉ đạo của thủ trưởng thì làm sao mà khách quan, vô tư được?
LS cần được gặp riêng người bị tạm giữ và bị can
Về hoạt động tham gia tố tụng của LS, khoản 2 Điều 21 DT quy định “LS được tham gia tố tụng theo yêu cầu của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo,... hoặc người đại diện hợp pháp của họ", Trưởng VPLS Đức Thu cho rằng nên thay cụm từ "người đại diện hợp pháp" bằng "thân nhân của bị can, bị cáo" để tránh tình trạng cơ quan điều tra "hạch" tại sao không phải là bố, mẹ mà là anh, chị, em ruột của bị can, bị cáo đi mời LS! Việc đào tạo LS, LS Thu nêu ý kiến không nên để Học viện Tư pháp "độc quyền" đào tạo LS như hiện nay mà nên để Liên đoàn LS, cơ quan đại diện cho các Đoàn LS trong cả nước, đứng ra tổ chức việc đào tạo. Hầu hết các LS đều nhất trí với quy định tại khoản 5 Điều 22 nhưng đều muốn được "gặp riêng" người bị tạm giữ, bị can, bị cáo đang tạm giam, bởi theo LS Nguyễn Chiến (Trưởng VPLS Nguyễn Chiến) thì chỉ có bị can, bị cáo và LS mới biết cần phải trao đổi những gì và trao đổi vào thời điểm nào. Đây cũng là một trong những biện pháp để nâng cao vai trò của LS giai đoạn điều tra và hạn chế việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Trưởng VPLS Hoàng Minh cho rằng quyền của LS trong Luật LS chưa "tương xứng" với nghĩa vụ của các cơ quan tiến hành tố tụng, hay nói một cách khác Luật chưa có cơ chế đảm bảo quyền cho LS. Theo LS Thiệp, nghĩa vụ của cơ quan tiến hành tố tụng là thông báo cho bị can, bị cáo quyền mời LS của họ. Và để nghề LS được xã hội tôn trọng thì LS phải có trang phục riêng, vị trí riêng trong các phiên tòa (chí ít cũng phải ngồi ngang với đại diện VKS!)trưởng VPLS Đào Ngọc Lý nhấn mạnh.
Mở là đúng nhưng đến mức nào thì vừa?
Việt Nam sắp gia nhập WTO, do đó việc mở cửa cho các LS nước ngoài được hành nghề tại Việt Nam là điều cần thiết. Vấn đề là ở chỗ "mở" ra sao và "mở" đến mức nào? Theo DT, VPLS Việt Nam có quyền hợp tác với tổ chức LS nước ngoài dưới hình thức công ty luật hợp danh (Điều 45, 48). Vậy tại sao Luật không cho phép VPLS Việt Nam được hợp tác với nhau theo hình thức trên? LS Bích Lan nêu thắc mắc.
Trưởng VPLS Hồng Đức cho rằng phải cân nhắc thật kỹ việc quy định cho tổ chức hành nghề LS nước ngoài tại Việt Nam được phép tư vấn pháp luật Việt Nam, được cử LS Việt Nam đang hành nghề trong tổ chức mình tham gia tranh tụng tại Tòa án Việt Nam. Ngay các nước có nền kinh tế phát triển mạnh như Thái-lan, Singapore cũng không cho phép LS nước ngoài được tư vấn pháp luật nước họ. Vậy thì mình có nên quy định "thoáng" hơn họ không? Nếu DT Luật được thông qua, LS Việt Nam sẽ phải chịu một sức ép rất lớn bởi xuất phát điểm của LS Việt Nam với LS nước ngoài rất khác nhau, LS Đức cảnh báo.
Hiện nay, Đoàn LS Hà Nội có tất cả 137 VPLS với hơn 800 LS gồm cả LS chính thức và LS tập sự |
|