55 năm với sự nghiệp "giáo hóa" con người ở các trại giam
Các Website khác - 07/11/2005
Lớp học xóa mù chữ cho phạm nhân
trại Phú Sơn 4 (Thái Nguyên).
Ngày 7-11-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 150/SL về "Tổ chức các trại giam". Ðây là văn bản pháp lý đầu tiên của Nhà nước Việt Nam về công tác quản lý trại giam. Hơn nửa thế kỷ qua, lực lượng Cảnh sát trại giam đã quản lý, giáo dục hàng chục vạn người phạm tội, giúp họ tái hòa nhập cộng đồng, trở thành người lương thiện.

Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, trại giam và lực lượng quản lý trại giam ra đời, có nhiệm vụ quản lý, giáo dục, cải tạo những người phạm tội, những kẻ chống phá chính quyền cách mạng và những đối tượng gây rối trật tự công cộng. Ở Bắc Bộ có phòng Quản trị trại giam; Trung Bộ có bộ phận trại giam thuộc phòng trinh sát; Nam Bộ có trại giáo hóa thuộc Quốc gia tự vệ của tỉnh.

Trong hoàn cảnh khó khăn gian khổ của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, các trại giam phải di chuyển nhiều lần, có trại giam bị máy bay địch ném bom bắn phá; có nơi, vì phải di chuyển nhiều nên nhà giam không kiên cố, chủ yếu là nhà tạm bằng tranh, tre, nứa lá, có nơi phải nhờ đình làng, nhà dân hoặc đóng ở nông thôn, vùng núi... Cán bộ, chiến sĩ lực lượng quản lý trại giam đã vượt lên gian khổ, tận tụy, sáng tạo, hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Tại Sắc lệnh số 150/SL ngày 7-11-1950 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành về tổ chức các trại giam, đã quy định rõ "Phạm nhân phải được giam giữ trong các trại giam để trừng trị và giáo hóa". Từ đó đến nay, "trừng trị và giáo hóa" người phạm tội trong các trại giam đã trở thành nhiệm vụ cơ bản của công tác quản lý trại giam, thể hiện tinh thần nhân đạo, khoan dung, vị tha của pháp luật. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, các trại giam đã khẩn trương chuyển hướng tổ chức giam giữ, giáo dục cải tạo phạm nhân cho phù hợp tình hình thời chiến. Mặc dù cán bộ, chiến sĩ ngày đêm phải đối phó với bom đạn, nhưng nhiệm vụ chủ yếu của trại giam là giáo dục cải tạo phạm nhân vẫn được giữ vững, thông qua giáo dục chính trị, giáo dục lao động, giáo dục văn hóa, thực hiện tốt chính sách và đối xử nhân đạo với phạm nhân. Ðiều đó càng làm cho họ thêm tin tưởng vào chính sách của Ðảng, Nhà nước, ăn năn hối cải, quyết tâm cải tạo tiến bộ.

Sau ngày miền nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, nhân dân cả nước bắt tay vào công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng lại đất nước. Ðể đáp ứng yêu cầu của tình hình, nhiệm vụ trong giai đoạn mới, lực lượng Cảnh sát quản lý trại giam đã có chuyển biến mạnh mẽ, phục vụ kịp thời cuộc đấu tranh chống bọn phản cách mạng và các loại tội phạm khác trên phạm vi cả nước; trực tiếp làm nhiệm vụ quản lý cải tạo số ngụy quân, ngụy quyền chế độ cũ có nhiều tội ác, nợ máu với nhân dân, bọn gián điệp, phản động, phun-rô, tạo cho họ niềm tin vào chế độ mới, khai báo nhiều thông tin tài liệu quan trọng về các tổ chức, đảng phái phản động, tố giác những tên còn lẩn trốn, giúp ta đấu tranh phát hiện những tên nội gián, làm trong sạch nội bộ, đấu tranh làm tan rã kế hoạch hậu chiến của các thế lực phản động.

Những năm đầu thực hiện công cuộc đổi mới do Ðảng khởi xướng và lãnh đạo, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ðảng ủy Công an T.Ư và Bộ Công an, công tác trại giam tiếp tục được củng cố, chấn chỉnh, khắc phục khuyết điểm trong chấp hành chính sách, pháp luật, tạo chuyển biến tiến bộ trên nhiều mặt. Ở nhiều trại, tình trạng phạm nhân bỏ trốn, nạn "đầu gấu", "đại bàng", trấn lột, chèn ép lẫn nhau trong phạm nhân đã cơ bản bị loại bỏ. Từ cuối năm 1989, nhận thức đầy đủ ý nghĩa chính trị, kinh tế - xã hội của công tác giáo dục, cải tạo phạm nhân, vị trí, tính chất phức tạp của công tác quản lý trại giam trong tình hình mới, ngày 22-11-1989, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) quyết định chuyển Cục cảnh sát quản lý và cải tạo phạm nhân thuộc Tổng cục Cảnh sát về đặt trực thuộc Bộ trưởng. Ðây là mốc quan trọng đánh dấu sự phát triển của lực lượng quản lý trại giam.

Thực chất công tác quản lý trại giam là một loại hoạt động tư pháp mà nhiệm vụ chủ yếu là giam giữ, giáo dục, cải tạo phạm nhân thông qua việc giáo dục pháp luật, giáo dục công dân, dạy văn hóa, dạy nghề và tổ chức lao động sản xuất. Các trại từng bước kết hợp giáo dục với dạy nghề và tổ chức lao động sản xuất làm ra của cải vật chất, cải thiện điều kiện giam giữ để cảm hóa, cải tạo phạm nhân. Cùng với việc dạy học xoá mù chữ, nâng cao trình độ văn hóa cho hàng nghìn phạm nhân, các trại đã liên tục phát động, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, thông tin thời sự kịp thời và tiến hành giáo dục về chính sách, pháp luật, đạo đức... để phạm nhân có nhận thức đúng, thấy rõ tội lỗi và sự cần thiết phải tự rèn luyện cải tạo để trở thành người có ích cho bản thân, gia đình và xã hội. Rất nhiều người cải tạo tiến bộ, hằng năm được xét giảm thời gian chấp hành hình phạt tù theo quy định của pháp luật.

Từ năm 1990 đến nay, Chủ tịch nước quyết định đặc xá tha tù trước thời hạn cho hơn 70 nghìn phạm nhân, trong đó đặc xá năm 2000 và đặc xá năm 2004-2005 là những đợt đặc xá có quy mô lớn nhất từ trước tới nay, được nhân dân đồng tình ủng hộ, dư luận quốc tế đánh giá cao. Hằng năm, có hàng nghìn lượt phạm nhân, trại viên, học sinh cải tạo tiến bộ được giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù, giảm thời hạn chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính.

Ðiều đó đã khẳng định công tác quản lý, giáo dục cải tạo phạm nhân có nhiều đổi mới, hiệu quả, nhiều người đủ điều kiện được hưởng lượng khoan hồng của Nhà nước; mặt khác, phản ánh tình hình đất nước ngày càng phát triển và ổn định. Mặc dù số lượng phạm nhân được đặc xá lớn như vậy, nhưng không làm phức tạp tình hình xã hội, bản thân người được đặc xá phấn khởi quyết làm lại cuộc đời; còn những phạm nhân chưa được đặc xá thì cố gắng phấn đấu rèn luyện, cải tạo tiến bộ, để được hưởng đặc xá.

Người phạm tội bị pháp luật trừng trị, phải thi hành án phạt tù. Song, khi vào trại giam chấp hành bản án, trách nhiệm của người cán bộ quản lý trại giam là phải vừa quản lý vừa "giáo hóa" họ. Mà một trong những biện pháp để giáo dục và cảm hóa là thông qua lao động. Không chỉ lao động làm ra của cải để cải thiện đời sống cho chính phạm nhân, mà còn hướng nghiệp dạy nghề để sau này khi mãn hạn tù, họ có thể kiếm được việc làm, sống lương thiện, nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng xã hội, hạn chế tái phạm.

Các đơn vị đã huy động hàng triệu ngày công đào đắp hàng triệu m3 đất đá để xây dựng cơ sở hạ tầng như khu nhà giam, nhà làm việc, nhà ở, cầu đường, cải tạo đồng ruộng và triển khai các dự án trồng rừng, trồng cây công nghiệp, trồng lúa và dạy nghề thủ công nghiệp, với giá trị hàng trăm tỷ đồng; và đầu tư cải thiện điều kiện ăn, ở, sinh hoạt, chữa bệnh cho phạm nhân mỗi năm hàng chục tỷ đồng. Hiện nay, Cục V26 có 43 trung tâm xúc tiến việc làm do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đầu tư để dạy nghề cho phạm nhân, trại viên, học sinh. Các trại giam, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng đã chủ động mời giáo viên dạy nghề ở địa phương đến dạy. Hàng nghìn phạm nhân, trại viên, học sinh được học nghề, đó là vốn quý cho mỗi người khi được trở về gia đình, xã hội.

Công tác trại giam là một dạng hoạt động đầy khó khăn, gian khổ và có nhiều nét đặc thù. Cán bộ, chiến sĩ phải thường xuyên va chạm tiếp xúc với những mặt trái của xã hội, với những tội phạm, những người đã hoặc đang mang trong mình những mầm ác. Nếu cán bộ, chiến sĩ không có đạo đức tốt và lập trường quan điểm vững vàng, thì rất dễ bị sa ngã hoặc bị những yếu tố tiêu cực chi phối. Do đó, Bộ Công an coi trọng công tác giáo dục, rèn luyện để bảo đảm có một đội ngũ quản lý trại giam vững vàng kiên định, chí công vô tư và đầy lòng nhân ái vị tha.

Người cán bộ cảnh sát trại giam luôn phấn đấu trở thành những tấm gương sáng; và thực tế, phạm nhân ở các trại đều gọi họ là những người thầy. Việc cảm hóa giáo dục người phạm tội, giúp họ nhận rõ lỗi lầm, ăn năn hối cải và cải tạo tiến bộ, là việc làm hết sức khó khăn, phức tạp, là cả một quá trình tác động nhiều mặt tích cực vào một con người từng gây ra tội lỗi, để chuyển biến họ. Càng khó khăn hơn khi số phạm nhân vào trại nghiện ma túy, nhiễm HIV/AIDS và các bệnh nguy hiểm khác ngày càng gia tăng. Riêng phạm nhân nhiễm HIV hiện đã có tới 12.000, nhiều người đã chuyển sang giai đoạn AIDS. Cán bộ quản giáo ở các trại giam vẫn phải hằng ngày, hằng giờ chăm sóc họ, và không ít đồng chí vì thế đã bị phơi nhiễm HIV.

Những việc làm thấm đậm tình người của các cán bộ, chiến sĩ cảnh sát trại giam là một minh chứng sống động về bản chất tốt đẹp của chế độ XHCN của chúng ta.

Thiếu tướng PHẠM ÐỨC CHẤN
(Cục trưởng Cục V26, Bộ Công an)