Quy định mới có tạo thuận lợi cho nhân dân đăng ký hộ khẩu?
Các Website khác - 07/11/2005
Công an hướng dẫn làm hồ sơ
đăng ký nhập hộ khẩu.
Có hiệu lực từ 31-10-2005, Thông tư 11/2005/TT-BCA-C11 của Bộ Công an hướng dẫn thực hiện Nghị định 108 (NÐ108) về đăng ký và quản lý hộ khẩu có nhiều điểm mới thông thoáng hơn trước, hy vọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công dân đăng ký hộ khẩu ở thành phố, thị xã.

Mới hơn, thông thoáng hơn

Ðăng ký hộ khẩu là một biện pháp để quản lý xã hội. Nhưng trước đây, nhiều địa phương, nhất là các thành phố, thị xã, khu đô thị, coi quản lý đăng ký hộ khẩu (QLÐKHK) như là một biện pháp để ngăn chặn người các địa phương khác đổ dồn về sinh sống. Cách làm này rõ ràng không hiệu quả, vì họ vẫn dồn về đây để mưu sinh mà không đặt vấn đề có hay không có hộ khẩu. Nếu có tiền, họ mua nhà đất để ở, nếu không thì thuê nhà. Cơ quan chức năng không có lý do gì đuổi họ ra khỏi chỗ đang ở, Nhà nước thì không thu được thuế chuyển nhượng nhà, đất, thuế thu nhập, không quản lý được về mặt hành chính.

Một số địa phương xảy ra tình trạng muốn ÐKHK, trước hết đòi phải có nhà ở; bên cơ quan nhà đất thì đòi phải có hộ khẩu trước mới cho làm thủ tục sở hữu nhà, tình trạng ấy khiến biết bao người bị ách tắc về các thủ tục hành chính, gây khó khăn cho cuộc sống người dân và cho chính cơ quan quản lý nhà nước.

Kể về hành trình để ÐKHK về Hà Nội của mình, anh Thạch Hãn, cán bộ một cơ quan trung ương bức xúc: "Tôi là một cán bộ ở một tỉnh miền trung, năm 1998 chuyển công tác về Hà Nội. Sáu năm trời, tôi đã nhiều lần đến công an phường và quận xin làm thủ tục nhập hộ khẩu về nhà người họ hàng. Theo yêu cầu, tôi chuẩn bị bộ hồ sơ gồm các thủ tục trình cơ quan chức năng. Tuy nhiên, tại trụ sở cơ quan công an quận, khi tôi trình văn bản quyết định tuyển dụng vào cơ quan mới (tại Hà Nội, do thủ trưởng cơ quan ngang bộ ký), cán bộ công an nói rằng, vì là cơ quan thuộc Ðảng, "dấu vuông", phải có bản danh sách xác nhận về chỉ tiêu đối với việc tuyển dụng cán bộ, công chức hằng năm do Ban Tổ chức Trung ương xác nhận. Trở về hỏi bộ phận tổ chức cán bộ của cơ quan: không có bản danh sách về chỉ tiêu đó.

Chỉ vì thế mà suốt sáu năm liền, từ khi xin nhập hộ khẩu vào nhà họ hàng, đến nhập về ngôi nhà tôi bỏ tiền ra mua, tôi vẫn chưa được làm hộ khẩu. Tôi buộc phải sống "tạm trú, tạm vắng" ngay trong chính ngôi nhà của mình!

Buồn và nản lòng, bản thân cứ tự hỏi "mình có công việc ổn định trong cơ quan Nhà nước đã hơn sáu năm, có quyết định cấp Bộ trưởng ký hẳn hoi", mà vẫn chưa "đủ thủ tục" là làm sao?

Ðó chỉ là một trong muôn vàn trường hợp "ách tắc" về ÐKHK thành phố!

Ðể giải quyết tình trạng này, ngày 19-8-2005, Chính phủ đã ban hành NÐ 108 về đăng ký và quản lý hộ khẩu, sửa đổi, bổ sung một số điều của NÐ 51 về công tác này. NÐ 108 có nhiều điểm đổi mới, thông thoáng hơn trong việc tạo điều kiện cho công dân có nhu cầu ÐKHK, nhất là ở các thành phố, khu đô thị. Và để hướng dẫn thi hành nghị định này, Bộ Công an ban hành Thông tư 11 nói trên.

Về nhà ở hợp pháp để ÐKHK tại nơi mới đến, Thông tư này hướng dẫn cụ thể các loại nhà chuyển đến được ÐKHK thường trú. Ðó là các loại nhà ở có giấy tờ hợp lệ theo quy định của pháp luật; nhà ở, đất ở đang sử dụng ổn định, không có tranh chấp, không lấn chiếm, không trong quy hoạch đã thông báo thời gian di dời; nhà cho thuê hoặc cho ở nhờ... (có xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn nơi có nhà ở, đất ở). Thời gian giải quyết rút ngắn xuống còn 10 ngày (ngày làm việc) đối với thành phố, thị xã và 15 ngày đối với địa bàn khác. Trong trường hợp vướng mắc, phát sinh trong quá trình giải quyết, thì được kéo dài thời gian, nhưng tối đa không quá thêm 10 ngày.

Hãy mạnh dạn bỏ đặc quyền, đặc lợi đi theo hộ khẩu

Lâu nay, khái niệm thế nào là "nhà ở hợp pháp" vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Vì chưa rõ ràng, nên có lúc, có nơi người thực thi dễ tùy tiện, cán bộ tiếp nhận bảo "hợp pháp" thì là "nhà hợp pháp", nhà nào họ bảo "không" thì là "không hợp pháp". Khái niệm "nhà hợp pháp" trong Thông tư này được quy định rõ và chi tiết, được áp dụng trong việc làm hộ khẩu (khái niệm này chưa thể áp dụng được cho tất cả các lĩnh vực khác). Theo đó, hiểu đơn giản "nhà ở hợp pháp" là nhà có giấy tờ hợp lệ. Thí dụ như nhà được thừa kế, dù chưa hoàn thành thủ tục thừa kế, nhưng có đủ các thủ tục giấy tờ chứng minh là đúng, thì được coi là nhà hợp pháp để ÐKHK.

Ðiểm mới thứ hai, là sự cụ thể hóa và mở rộng thành phần những người được ÐKHK thường trú tại thành phố, thị xã (xem điều 12 NÐ 108). Trước đây điều 12 NÐ 51 chỉ đề cập rất chung chung. Làm rõ các điều kiện như vậy giúp người dân có thể đối chiếu điều kiện của mình, đồng thời giám sát được cán bộ cơ quan chức năng làm đúng hay chưa.

Tuy nhiên, theo ông Trần Thất, Vụ trưởng Pháp luật hành chính (Bộ Tư pháp), vẫn có điểm hạn chế. Những đối tượng thuộc thành phần chuyển đến được ÐKHK, nhiều trường hợp vẫn cần thêm giấy tờ để chứng minh. Thí dụ trường hợp "Cán bộ, công chức đang công tác ngoài tỉnh, thành phố thường xuyên về với vợ, chồng, con hoặc bố mẹ (nếu chưa có vợ, chồng)". Như vậy, để chứng minh thế nào là "thường xuyên về với vợ, chồng", lại phải cần thêm một loại giấy tờ chứng nhận nữa... Người chuyển đến thành phố, thị xã được ÐKHK thường trú, chủ yếu vẫn giới hạn trong cán bộ, công chức làm việc tại các cơ quan nhà nước, hoặc các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội.

Riêng thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, và tới đây một số thành phố lớn khác như Ðà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, do mật độ dân số đông, trong khi hạ tầng cơ sở chưa đáp ứng, cho nên hiện nay vẫn nên có những quy định đặc thù hạn chế ÐKHK. Nhưng, hạn chế không nên theo kiểu rào cản hành chính, mà nếu có đặt ra tiêu chuẩn riêng, nên bằng những tiêu chuẩn hiện đại như tiêu chuẩn về văn minh, về trình độ, về lao động chất xám,...

Ông Trần Thất cho biết, trên thế giới trước đây cũng có nhiều quốc gia quy định tương tự. Có bang ở nước Mỹ còn đòi hỏi muốn xin cư trú phải có giấy phép lái xe ô-tô. Còn ở Pháp, một trong những điều kiện muốn nhập cư vào thủ đô Paris, người làm đơn phải đạt một trình độ văn hóa, văn minh nhất định.

Có ý kiến đề nghị bỏ cách quản lý con người bằng hộ khẩu. Song, theo ông Trần Thất, trước mắt chưa bỏ được, vì ngành công an đang phải giữ công cụ này để tiếp tục quản lý hành chính về trật tự xã hội. Vấn đề ở chỗ cho đến nay, và thời gian tới, vẫn còn rất nhiều cơ quan dân sự lạm dụng hộ khẩu để phục vụ công việc quản lý của mình. Ðấy chính là điều gây khó khăn cho người dân. "Ông" đất đai cũng lấy hộ khẩu làm tiêu chí. "Ông" thuế, "ông" y tế, giáo dục cũng yêu cầu hộ khẩu làm điều kiện. Vậy là vô tình đã làm hạn chế rất nhiều quyền dân sự của người dân, như quyền được có nhà ở, quyền được tự do kinh doanh, quyền được học hành, v.v. Những vấn đề đó cần sớm khắc phục; cần "bóc tách" vấn đề hộ khẩu ra. Một khi đã tách các quyền lợi dân sự ấy khỏi hộ khẩu rồi, chẳng ai phải đi "chạy chọt" hộ khẩu làm gì nữa. Quan trọng hơn, chúng ta hãy bỏ những đặc quyền, đặc lợi gắn liền với hộ khẩu.

Ðể quy định của pháp luật vào cuộc sống

Ngày 31-10 là ngày Thông tư 11 của Bộ Công an về đăng ký và quản lý hộ khẩu có hiệu lực. Tuy vậy, tại các điểm hướng dẫn làm thủ tục ÐKHK ở TP Hà Nội, công việc vẫn diễn ra bình thường như mọi ngày, không có gì thay đổi.

9 giờ sáng 1-11, tại phòng ÐKHK Công an quận Ðống Ða, đã có hơn 20 người ngồi chờ làm thủ tục. Bác Trần Văn Nhị, nguyên cán bộ cấp cao Tổng cục Thống kê, đang sống cùng gia đình ở phường Láng Thượng, từ sáng sớm đã đến chờ xin tách hộ khẩu cho người thân trong gia đình. Sau gần 30 phút chờ đợi, bác Nhị đã xin được mẫu đơn cho Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu của Công an Hà Nội. Bác Nhị tỏ ra băn khoăn với những thông tin yêu cầu kê khai trên phiếu. Rất tiếc, khi ra về bác vẫn chưa được giải đáp những thắc mắc đó. Người đến làm thủ tục quá đông, trong khi chỉ có hai cán bộ hướng dẫn ở hai bàn tiếp dân cho các phường Ô Chợ Dừa, Thổ Quan, Khâm Thiên, Trung Phụng... Còn hai bàn 1 và 2 gần đó, người dân ở các khu vực Nam Ðồng, Khâm Thiên, Phương Mai, Trung Tự; Láng Thượng, Láng Hạ, Thịnh Quang, Ngã Tư Sở, Khương Thượng, buộc phải ngồi chờ, vì cán bộ chưa tới...

Qua trao đổi ý kiến, nhiều người dân tỏ ra ngạc nhiên khi được biết thông tin về những điểm mới trong NÐ 108. Bởi lẽ, ngay tại phòng làm thủ tục, các văn bản, hướng dẫn thủ tục vẫn như cũ. Ðó vẫn là các bảng thông báo trên tường về thu lệ phí ÐKHK của cơ quan thuế Hà Nội; về tiêu chuẩn ÐKHK vào Hà Nội theo NÐ 51/CP; thủ tục ÐKHK chuyển đến theo Thông tư 06 của Bộ Nội vụ (cũ). Nhiều người dân không giấu nỗi bức xúc trong chuyện làm thủ tục hành chính này.

Bác Trần Văn Nhị cho rằng: Mọi người phấn khởi khi nghe nói có NÐ 108 sửa đổi, bổ sung NÐ 51, theo hướng cụ thể hơn, rõ hơn, thuận tiện hơn cho nhân dân. Bác Nhị thẳng thắn cho rằng, những năm qua trong lĩnh vực hành chính, Chính phủ ban hành rất nhiều nghị định, rồi hàng loạt thông tư hướng dẫn của bộ, ngành. Tuy vậy, vấn đề là làm sao để Nghị định đi vào cuộc sống thiết thân của người dân. Ðiều quan trọng nữa là có cơ chế giám sát, kiểm tra thường xuyên việc thực hiện; và người dân cũng được tham gia giám sát quá trình đó. "Lâu nay, chúng tôi muốn tìm hiểu đầy đủ những giấy tờ liên quan ÐKHK không biết tìm ở đâu!". - Bác Nhị giãi bày.

Ðể tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và nhiều địa phương yên tâm sinh sống, học tập, lao động, cống hiến nhiều hơn nữa, ngoài cơ quan công an, các bộ, ngành và chính quyền các cấp cần sớm xem xét, điều chỉnh các quy định, văn bản ban hành. Ðừng để câu chuyện ÐKHK luôn là mối ám ảnh, mối lo nghĩ đau đầu thường trực đối với người dân và tiếp tục trở thành vấn đề gay gắt tại kỳ họp Quốc hội trong những phiên họp tới.

LÊ HOÀNG và VĂN CHÚC