Bước đầu, buôn lậu tại cửa khẩu Lao Bảo giảm
Các Website khác - 07/11/2005
Gần đây, tình hình buôn lậu và gian lận thương mại tại Quảng Trị, nhất là ở khu vực cửa khẩu Lao Bảo, quốc lộ số 9 và dọc sông Sê Pôn vẫn diễn biến phức tạp, nhưng giảm hẳn về quy mô, không còn công khai và chưa phát hiện thêm đường dây buôn lậu có tổ chức.
Thủ đoạn buôn lậu không mới

Hoạt động kinh doanh tại Khu kinh tế - thương mại Lao Bảo vẫn sôi động, do lượng khách tham quan du lịch trong nước và nước ngoài đến đây tấp nập. Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, hàng giả và và gian lận thương mại trung ương (Ban 127/T.Ư), hoạt động buôn lậu và gian lận thương mại tại khu vực cửa khẩu Lao Bảo, quốc lộ 9 và dọc sông Sê Pôn chủ yếu lợi dụng chính sách khuyến khích đặc biệt với Khu kinh tế - thương mại Lao Bảo. Hàng hóa nhập khẩu vào đây được phép chưa tính thuế, có chênh lệch giá nhiều so với trong nước, nhất là một số mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng lớn như rượu ngoại, đường kính trắng, nước giải khát... Ðối tượng buôn lậu thuê người lao động nghèo (chủ yếu là cư dân dọc biên giới) mua những mặt hàng có thuế suất nhập khẩu cao, kể cả hàng cấm như thuốc lá điếu ngoại... vận chuyển đến gần cổng sau Khu kinh tế - thương mại Lao Bảo (cổng B) chia nhỏ gùi cõng đường rừng qua hai bên cánh gà Trạm kiểm soát liên hợp Tân Hợp, đến điểm tập kết gom lại chuyển sâu vào trong nước theo quốc lộ 9 hoặc đường 14 (đường Hồ Chí Minh). Lợi dụng tiêu chuẩn miễn thuế hàng giá trị 500 nghìn đồng với một khách du lịch để chở hàng hợp pháp qua cổng B vào thị trường trong nước; sử dụng bộ chứng từ bán đấu giá hàng bị tịch thu quay vòng vận chuyển hàng lậu. Lợi dụng chính sách được hưởng thuế suất giá trị gia tăng 0% với hàng sản xuất trong nước khi đưa vào khu Lao Bảo rồi tìm cách quay vòng lại, cạnh tranh không bình đẳng với hàng cùng loại trên thị trường trong nước.

Mấy tháng gần đây, nhất là từ tháng năm đến tháng bảy, do giá xăng, dầu trong nước thấp hơn giá tại một số nước trong khu vực, đã xảy ra tình trạng buôn lậu xăng, dầu qua biên giới, nhưng số lượng không lớn. Xăng, dầu được chia nhỏ thành từng can, gùi cõng theo đường mòn hai bên cánh gà cửa khẩu, tập kết trên bờ sông Sê Pôn rồi vượt sông qua biên giới ban đêm. Ước tính số người mang vác thuê tại Lao Bảo đến hàng chục người.

Kiên quyết chống buôn lậu

Trước tình hình trên, lực lượng chức năng Quảng Trị chủ động triển khai các phương án chống buôn lậu tập trung vào các địa bàn trọng điểm, đánh trúng các đường dây và ổ nhóm buôn lậu và gian lận thương mại, các mặt hàng cấm kinh doanh, các mặt hàng nhập khẩu buôn lậu có chênh lệch giá lớn.

Theo Ban Chỉ đạo 127/Quảng Trị, với mặt hàng rượu ngoại, từ đầu năm 2004, UBND tỉnh có Công văn 17/UB-TM ngày 5-1-2004 về việc tạm ngừng nhập khẩu rượu vào khu Lao Bảo, cho nên lượng hàng vào đây cả năm 2004 là hơn 1,2 triệu USD (hơn 19 tỷ đồng). Ðể tổ chức thực hiện tốt Quyết định số 11/2005/QÐ-TTg ngày 12-1-2005 của Thủ tướng Chính phủ nhằm khắc phục tình trạng lợi dụng chính sách ưu đãi cho khu Lao Bảo để thẩm lậu rượu vào trong nước, UBND tỉnh có Công văn số 400/UB-TM ngày 4-3-2005 yêu cầu cơ quan chức năng tăng cường quản lý kinh doanh rượu.

Chín tháng qua, lượng rượu nhập khẩu vào Lao Bảo trị giá hơn 1,27 triệu USD, trong đó tạm nhập gần 952 nghìn USD nhưng đã tái xuất gần 962 nghìn USD. Ban Quản lý khu Lao Bảo thực hiện phương án trong đó có một số điều kiện bắt buộc hạn chế kinh doanh, cho nên số lượng nhập vào không lớn. Rượu nhập khẩu vào khu Lao Bảo, ngoài số lượng nhỏ thẩm lậu vào trong nước, phần lớn phục vụ nhu cầu khách vãng lai, cả trong nước và nước ngoài đến tham quan du lịch. Năm 2004, lượng người xuất, nhập cảnh qua cửa khẩu Lao Bảo gần 94 nghìn lượt người (có hơn 22 nghìn người nước ngoài). Quý I-2005 con số này là gần 30 nghìn lượt người (có gần sáu nghìn người nước ngoài).

Với xăng, dầu trong tháng 7, UBND tỉnh và Ban 127 địa phương liên tiếp có công văn chỉ đạo chống buôn lậu qua biên giới. Ðặc biệt Công văn số 1529/UB-TM, ngày 13-7-2005, quy định tạm thời việc bán xăng, dầu tại các cây xăng trong khu Lao Bảo, cùng với việc Nhà nước điều chỉnh tăng giá xăng, dầu (làm giảm chênh lệch giá giữa hai bên biên giới) làm giảm hẳn thẩm lậu mặt hàng này. Theo Ban 127 địa phương, từ 15-7 đến 15-8-2005, lượng xăng, dầu thẩm lậu trung bình 300 lít/ngày so với 500 lít/ngày trước đó và đến tháng 9 chấm dứt hẳn.

Một số mặt hàng sản xuất trong nước như bia Huda, thuốc lá hiệu Ngựa Trắng, Bến Thành, sữa cô gái Hà Lan... khi đưa vào tiêu thụ trong khu Lao Bảo được hưởng thuế suất thuế giá trị gia tăng 0%, cho nên có hiện tượng quay vòng về trong nước cạnh tranh không bình đẳng với hàng cùng chủng loại. Ðể hạn chế tình trạng trên, UBND tỉnh áp dụng cơ chế chỉ định doanh nghiệp xuất khẩu đầu mối nội địa và doanh nghiệp nhập khẩu đầu mối tại Lao Bảo, cho nên đã kiểm soát được việc nhập khẩu và tiêu thụ hàng hóa, quay vòng hàng hóa.

Kết quả và kiến nghị

Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, lực lượng hải quan, bộ đội biên phòng phối hợp chặt chẽ cả biên giới đường bộ, đường sông đã hạn chế nhiều việc buôn lậu qua biên giới. Trên tuyến quốc lộ 9, lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn hiệu quả buôn lậu và gian lận thương mại. Trong sâu đất liền, lực lượng công an, quản lý thị trường, kiểm lâm đấu tranh tích cực với buôn lậu và gian lận thương mại, kiểm tra và truy quét các tụ điểm khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép, buôn bán lâm sản và động vật hoang dã. Kết quả trong chín tháng đầu năm lực lượng chức năng bắt giữ, xử lý 1.777 vụ, tịch thu hàng trị giá gần 11,7 tỷ đồng, phạt vi phạm hành chính hơn một tỷ đồng.

Cùng với đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại, chín tháng qua, lực lượng QLTT phối hợp các ngành liên quan tiến hành kiểm tra hơn một nghìn lượt, tập trung vào an toàn vệ sinh thực phẩm, các mặt hàng kinh doanh có điều kiện, chất lượng hàng hóa, hàng giả, hàng nhái...

Cuối tháng 9 vừa qua, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo 127/T.Ư tiến hành kiểm tra Khu kinh tế - thương mại Lao Bảo. Ðoàn ghi nhận những cố gắng của Ban Chỉ đạo 127 địa phương và yêu cầu tiếp tục tổ chức thực hiện tốt các giải pháp chống buôn lậu, gian lận thương mại theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 3123/VPCP-VI ngày 7-6-2005. Ban Chỉ đạo 127/T.Ư lưu ý Ban Chỉ đạo 127 địa phương chấn chỉnh những vấn đề tồn tại như không bán thuốc lá điếu ngoại trong khu Lao Bảo, kiến nghị UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ cho phép đưa Trạm kiểm soát liên hợp Tân Hợp về vị trí thích hợp để ngăn chặn buôn lậu hiệu quả hơn. Yêu cầu lực lượng chức năng địa phương theo dõi sát tình hình để dự báo và có biện pháp phòng ngừa, nhằm phát hiện, đánh trúng các đường dây, ổ nhóm, đầu nậu. Những vi phạm chưa hình thành đường dây thì chú ý kiểm tra, ngăn chặn không để phát triển thành có tổ chức.

PHAN HOÀNG