Học sinh thuộc diện nào thì được hưởng hỗ trợ thực hiện phổ cập giáo dục THCS?
Các Website khác - 07/11/2005
* Bộ Giáo dục và Ðào tạo: Ðối tượng được hưởng hỗ trợ thực hiện phổ cập giáo dục THCS:

+ Học sinh là người tàn tật không phân biệt nguồn gốc gây ra tàn tật, khiếm khuyết một hay nhiều bộ phận cơ thể hoặc chức năng biểu hiện dưới những dạng tật khác nhau, làm suy giảm khả năng hoạt động khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp nhiều khó khăn thì được giảm tối thiểu 50% học phí và các khoản đóng góp xây dựng trường. Trường hợp học sinh bị tàn tật thuộc diện hộ nghèo thì được miễn 100% học phí, các khoản đóng góp xây dựng trường và được cấp một lần tối thiểu là 120 nghìn đồng/năm/học sinh để mua sách, vở và đồ dùng học tập.

+ Học sinh mồ côi cả cha và mẹ; mồ côi cha hoặc mẹ (những người còn lại là mẹ hoặc cha bị mất tích hoặc không đủ khả năng nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật hiện hành); bị bỏ rơi, bị mất nguồn nuôi dưỡng và không còn người thân thích để nương tựa thì được miễn 100% học phí, các khoản đóng góp xây dựng trường và được cấp một lần tối thiểu là 120 nghìn đồng/năm/học sinh để mua sách vở và đồ dùng học tập.

+ Học sinh thuộc diện hộ nghèo theo quy định của pháp luật hiện hành thì được giảm tối thiểu 50% học phí và các khoản đóng góp xây dựng trường.

* Công chức cấp xã tốt nghiệp cao đẳng phù hợp chuyên môn của chức danh đang đảm nhiệm thì xếp lương mới thế nào?

Bộ Nội vụ: Công chức cấp xã tốt nghiệp cao đẳng phù hợp với chuyên môn của chức danh hiện đảm nhiệm, thì kể từ ngày Thông tư liên tịch số 82/2005 ngày 10-8-2005 của liên bộ Nội vụ - Tài chính có hiệu lực thi hành, được chuyển xếp lại lương mới vào công chức loại A0. Cách chuyển xếp vào hệ số lương mới của công chức loại A0 thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 80/2005/TT-BNV ngày 10-8-2005 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện chuyển xếp lương đối với cán bộ, công chức, viên chức có trình độ cao đẳng phù hợp với chuyên môn đang làm.

* Quy định mới về đăng ký tạm trú?

Bộ Công an: Ðối tượng đăng ký tạm trú: Những người từ 15 tuổi trở lên (kể cả quân nhân và công an nhân dân khi ra ngoài doanh trại về việc riêng), mỗi lần đi ra ngoài phạm vi xã, phường, thị trấn nơi đăng ký hộ khẩu thường trú của mình, ở lại qua đêm, đều phải đăng ký tạm trú. Trường hợp cha, mẹ, vợ, chồng, con thường xuyên tạm trú ở nhà nhau thì chỉ khai báo lần đầu trong năm. Thủ tục đăng ký tạm trú như sau: Ðại diện hộ gia đình, nhà ở tập thể, cơ sở cho thuê lưu trú có người đến tạm trú hoặc người tạm trú phải đến đăng ký tạm trú tại các điểm đăng ký tạm trú, tạm vắng của công an xã, phường, thị trấn hoặc đồn, trạm công an sở tại trước 23 giờ. Nếu có người đến tạm trú sau 23 giờ thì đăng ký tạm trú vào sáng hôm sau.

* Thủ tục viết đơn xin nhận nuôi con nuôi?

Bộ Tư pháp: Ðơn xin nhận nuôi con nuôi phải có xác nhận của cơ quan, đơn vị nơi người nhận nuôi công tác (đối với cán bộ, công chức, người lao động, lực lượng vũ trang nhân dân) hoặc UBND cấp xã nơi cư trú (đối với nhân dân) của người nhận nuôi về việc người đó có tư cách đạo đức tốt và có đủ điều kiện khác để nuôi con nuôi theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình. Trong đơn phải có cam kết của người xin nhận nuôi con nuôi về việc chăm sóc, giáo dục trẻ em. Nếu người nhận nuôi con nuôi có vợ hoặc chồng, thì đơn phải có chữ ký của cả vợ và chồng.

* Mức xử phạt vi phạm quy định về kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy?

Bộ Công an: Xử phạt vi phạm quy định về kiểm tra an toàn phòng cháy và chữa cháy:

- Phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi không xuất trình đầy đủ hồ sơ, tài liệu phục vụ cho kiểm tra hoặc không cử người có trách nhiệm để tham gia đoàn kiểm tra an toàn phòng cháy và chữa cháy theo quy định.

- Phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với hành vi không tổ chức kiểm tra an toàn phòng cháy và chữa cháy theo quy định.