Cá khô biến hóa thành ngà voi và vẩy đồi mồi
Nguyễn Văn Thịnh sinh năm 1961, trú tại 7/40 ngõ Thống Nhất, Đại La, Hà Nội, là Giám đốc Công ty Cổ phần XNK Đức Minh. Công ty này được Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội cấp giấy phép kinh doanh từ năm 2002 và nhiều ngành nghề cả trong lĩnh vực cơ khí lẫn xây dựng, buôn bán tư liệu sản xuất, kinh doanh nông sản, thủy sản... Trong quá trình sản xuất kinh doanh, Công ty Đức Minh đã ký kết hợp đồng xuất nhập khẩu khiến loại hàng hóa và Nguyễn Văn Thịnh được đánh giá là một người có kinh nghiệm làm xuất nhập khẩu. Ngày 27-9-2004, Nguyễn Văn Thịnh đại diện cho Công ty Đức Minh ký hợp đồng số APS-DM/01- 2004 bán 4.000 kg cá khô ướp muối cho Cửa hàng Cung ứng sản phẩm Aquatic địa chỉ tại Yue Dong, Thui Dong, Diện Bai, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, do ông Ou Dang là đại diện với giá thỏa thuận là 5.880 USD.
Nguyễn Văn Thịnh.
| Sau đó, Nguyễn Văn Thịnh tiếp tục ký hợp đồng số JGS- DM/01-2004 với Công ty TNHH Jema Genaral Store (T) có trụ sở tại góc đường Temple, khu phố số 154, tòa nhà T chợ thành phố Mwanza nước Cộng hòa Tanzania, Đông Phi, đại diện là ông F.D.Colonely để nhập 4.000kg cá khô ướp muối với giá 3.920 USD.
Hai tháng sau, ngày 26-11-2004, lô hàng 4.000 kg cá khô ướp muối chứa trong container mã số MSHU 2206660 được vận chuyển bằng đường biển từ Tanzania về Việt Nam, cập cảng Hải Phòng. Nguyễn Văn Thịnh đã mở tờ khai xin đăng ký kiểm tra hàng hóa tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Hải Phòng khu vực II. Do mặt hàng cá muối khô có thuế suất cao (45%) nên lãnh đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu Hải Phòng đã quyết định kiểm tra toàn bộ 100% đối với lô hàng hóa của Công ty Đức Minh. Việc kiểm tra được giao cho 2 cán bộ kiểm hóa thuộc Đội Kiểm tra hàng hóa là Lê Trung Thu và Lê Xuân Trường. Ngày 2-12-2004, hai cán bộ kiểm hóa này đã tiến hành kiểm tra lô hàng và ghi kết quả trên tờ khai như sau: "Số lượng 100 bao, trọng lượng mỗi bao 40kg, chủng loại cá muối khô" và kết luận: "Đúng số lượng, đúng chủng loại như chủ hàng khai". Sau đó, hai kiểm hóa viên Lê Trung Thu và Lê Xuân Trường tiến hành kẹp chì hải quan container giao cho Nguyễn Văn Thịnh để chờ tái xuất sang Trung Quốc.
Nhưng lô hàng đã không được tái xuất sang Trung Quốc như hợp đồng Thịnh đã ký mà ngay ngày hôm sau (3-12) lại được Thịnh thuê xe chở về Hà Nội. Đến bãi cát công trường xây dựng của Công ty TNHH Thành Đô ở Khu công nghiệp Phú Thị, Gia Lâm, Nguyễn Văn Thịnh đã thuê người phá kẹp chì hải quan, dỡ hàng. Và, bên trong container không chỉ toàn cá khô như hai nhân viên cán bộ kiêm hóa nọ của Chi cục Hải quan hải Phòng kết luận mà còn có 245 chiếc... ngà voi các loài và 40 bao tải vảy đồi mồi mỗi bao nặng 10 kg.
Kết quả giám định của Trung tâm Nghiên cứu tài nguyên và môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết:
1 - Các tấm sừng trên là vẩy của đồi mồi. Loài này phân bố ở nhiều vùng biển khác nhau trên thế giới, trong đó có phân bố ở cả vùng biển Việt Nam.
2- Tất cả các ngà và mẫu ngà đều là ngà voi. Số ngà voi trên có nguồn gốc từ châu Phi.
Theo Nghị định số 11/2002/NĐ-CP ngày 23-11-2002 của Chính phủ về việc quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu và quá cảnh các loài động vật, thực vật hoang dã, loại đồi mồi và ngà voi đều thuộc phụ lục 1 của Công ước CLTES. Vì vậy, hành vi của Nguyễn Văn Thịnh đã đủ yếu tố cấu thành tội "sản xuất, tàng trừ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm" được quy định tại điều 155, Bộ luật Hình sự trong đó Thịnh có hành vi vận chuyển, tàng trữ hàng cấm.
Ai đã chuyển ngà voi và vẩy đồi mồi về Việt Nam
Tại Cơ quan Điều tra, Nguyễn Văn Thịnh trước sau cũng chỉ một mực khai nhận: Chị gái Thịnh có một người con rể người Trung Quốc tên là A Xuân. Thông qua giới thiệu của A Xuân, Thịnh có mối quan hệ với một người Trung Quốc tên là A Giang.
Khoảng đầu tháng 9-2004, A Giang có nhờ Thịnh đại diện cho công ty của Thịnh đứng tên hợp đồng nhập cá muối khô từ Tanzania về Việt Nam rồi tái xuất sang Trung Quốc cho A Giang. A Giang thỏa thuận cứ mỗi một hợp đồng nhờ đứng tên hộ như vậy sẽ trả công cho Thịnh từ 1.000 đến 1.500 USD. Thịnh đồng ý và đã cung cấp cho A Giang những thông tin cấn thiết về Công ty XNK Đức Minh.
Khoảng cuối tháng 9-2004 Thịnh nhận được bản hợp đồng bằng tiếng Anh từ Tanzania chuyển về Công ty Đức Minh bằng đường fax. Thịnh đã cho nhân viên dưới quyền điền vào chỗ trống trong bản hợp đồng phần trách nhiệm của Công ty Đức Minh và fax trở lại phía đối tác. Khoảng một tuần sau, Thịnh nhận được một bản hợp đồng hoàn chỉnh từ Tanzania.
Cuối tháng 11-2004, Thịnh nhận được giấy báo của hãng tàu biển thông báo hàng đã về cảng Hải Phòng. Lập tức, Thịnh đến cho A Giang chuyển giấy tờ để Thịnh làm thủ tục nhận hàng. Ngày 1-12, A Giang đã sang Việt Nam và đi cùng Thịnh xuống Hải Phòng để nhận hàng. Theo lời khai của Thịnh thì sau khi làm thủ tục hải quan xong, chính A Giang là người đề nghị Thịnh thuê ô-tô chở container về Hà Nội dỡ hàng để lấy ra một số cá khô kém phẩm chất bán tại Việt Nam. Vì thế, Thịnh đã thuê xe ô-tô chở container về Khu công nghiệp Phú Thị, thuê bốc vác dỡ hàng cho vào bao tải sau đó chở về công ty của Thịnh. Thịnh khai rằng, Thịnh không trực tiếp dỡ hàng cũng như đóng hàng vào bao tải nên không biết bên trong container khi dỡ ra lại là ngà voi. Cho đến khi sự việc vỡ lở, Cơ quan Công an bắt giữ, A Giang mới diện thoại báo cho Thịnh và lúc đó Thịnh mới biết bên trong container đó có chứa ngà voi.
Lời khai của Thịnh về một ngưu Trung Quốc nào đó tên là A Giang không có cơ sở tin cậy. Đây dường như là một nhân vật không có thực đã được Thịnh nại ra để đổ vấy tội lỗi của mình và cố tình che giấu ngọn nguồn của số ngà voi nói trên. Cơ quan Điều tra đã tiến hành xác minh tại Chi cục Hải quan Hải Phòng và kết quả cho thấy không có cơ sở khẳng định A Giang là người đã đi cùng Thịnh xuống Hải Phòng nhận hàng như Thịnh đã khai.
Tiếp tục xác minh tại Tanzania, Công ty Jema Genaral Store là công ty đang hoạt động nhưng người đại diện giao dịch ký bản hợp đồng số JDS - DM/01 -2004 với công ty này để mua 4.000 kg cá muối khô sang Trung Quốc lại không phải là Nguyễn Văn Thịnh mà là một người phụ nữ Trung Quốc tên là Ann Nhen Hong @ Wang. Phí thanh toán vận chuyển 4.000 kg cá khô được thực hiện thông qua tài khoản số 402000140 của Chi nhánh Ngân hàng Mwanza thuộc Ngân hàng Công thương Kenya.
Công ty XNK Đức Minh của Thịnh đã phải trả cho Công ty Jema General Store 120 USD tiền phí làm thủ tục giấy tờ vận chuyển hàng. Nhưng khi Cơ quan Điều tra đã xác minh các khoản tiền dện qua Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội năm 2004 của Công ty Đức Minh thì lại không thấy có khoản nào chuyển cho Công ty Jema General Store qua số tài khoản nói trên(!).
Như vậy, cho đến nay, khi cuộc điều tra đã kết thúc nhưng câu hỏi ai là người đã chuyển số ngà voi trên từ Tanzania về Việt Nam cho Nguyễn Văn Thịnh vẫn còn là một uẩn khúc, chưa tìm ra câu trả lời. Điều đó do sự khai báo thiếu thành khẩn của Nguyễn Văn Thịnh. Phải chăng, Thịnh cố tình không khai báo sự thật để không có thêm ai nữa cùng phải đứng trước vành móng ngựa với anh ta. Ngay cả đối với hai cán bộ kiểm hóa, những người đã để lọt một lượng hàng cấm lớn vào Việt Nam cho đến nay Cơ quan Điều tra cũng chưa phát hiện thấy có sự thông đồng, móc nối tiêu cực giữa họ và chủ hàng Nguyễn Văn Thịnh.
Hai cán bộ kiểm hóa Lê Trung Thu và Lê Xuân Trường chỉ khai rằng, khi mở container hàng ra để kiểm tra, mùi hôi thối của cá bốc ra gây khó chịu do đó họ chỉ đếm đủ số lượng bao và dùng tay vạch một số đầu bao ra xem thấy có cá muối khô nên tin rằng toàn bộ lô hàng là cá muối khô như chủ hàng khai báo. Hai cán bộ hải quan này vì thế chỉ bị khởi tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Và, như thế, có nghĩa là chỉ có một mình Nguyễn Văn Thịnh phải chịu trách nhiệm về lô hàng này.
|