Hỏi: Tôi định làm di chúc thừa kế nhà đất cho hai người con của tôi. Khi lập di chúc, tôi có phải lấy chữ ký (đồng tình) của các con tôi không ?
Trả lời: Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Người lập di chúc phải có đủ các điều kiện sau: Có di sản được để lại cho người thừa kế; phải là người đã thành niên tức đủ 18 tuổi trở lên; người lập di chúc phải là người không mắc bệnh tâm thần hoặc mắc các bệnh khác mà không thể nhận thức và làm chủ hành vi của mình.
Hình thức di chúc: Di chúc phải được lập thành văn bản bao gồm: Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng; di chúc bằng văn bản có người làm chứng; di chúc bằng văn bản có chứng thực của UBND xã, phường, thị trấn; di chúc bằng văn bản có chứng nhận của công chứng nhà nước (điều 649, 650, 652, 653 Bộ luật Dân sự).
Di chúc được coi là hợp pháp: Người lập di chúc phải minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc không bị lừa dối hoặc đe dọa cưỡng ép. Nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội, hình thức di chúc không trái quy định của pháp luật. Di chúc phải ghi rõ: Ngày, tháng, năm lập di chúc; họ, tên nơi cư trú của người lập di chúc; họ, tên của người được hưởng di sản; di sản để lại và nơi có di sản, việc chỉ định người thực hiện nghĩa vụ và nội dung của nghĩa vụ (điều 655, 656 Bộ luật Dân sự).
Người lập di chúc có quyền định đoạt về di sản của mình mà không cần phải có sự đồng tình của người thừa kế, cho nên người thừa kế không phải ký vào di chúc. Như vậy theo quy định của pháp luật nêu trên, bạn có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình.
............................................
Thực hiện nghĩa vụ quân sự
Hỏi: Đề nghị cho biết độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự và thời hạn phục vụ tại ngũ. Trường hợp nào người trong độ tuổi được hoãn, miễn thực hiện nghĩa vụ quân sự ?
Trả lời: Theo Điều 12 Luật Nghĩa vụ quân sự (đã được sửa đổi, bổ sung), công dân nam đủ 18 tuổi được gọi nhập ngũ; độ tuổi gọi nhập ngũ trong thời bình từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi.
Thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan và binh sĩ là 18 tháng; của hạ sĩ quan chỉ huy, hạ sĩ quan và binh sĩ chuyên môn kỹ thuật do quân đội đào tạo, hạ sĩ quan và binh sĩ trên tàu hải quân là 24 tháng.
* Những nam công dân trong độ tuổi nêu trên, trong thời bình, được tạm hoãn gọi nhập ngũ khi ở một trong những trường hợp sau:
- Chưa đủ sức khỏe phục vụ tại ngũ theo kết luận của Hội đồng khám sức khỏe.
- Là lao động duy nhất phải trực tiếp nuôi người khác trong gia đình không còn sức lao động hoặc chưa đến tuổi lao động.
- Có anh, chị hoặc em ruột là hạ sĩ quan, binh sĩ đang phục vụ tại ngũ.
- Giáo viên, nhân viên y tế, thanh niên xung phong đang làm việc ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn; cán bộ, công chức, viên chức được điều động đến làm việc ở những vùng này.
- Đang nghiên cứu công trình khoa học cấp Nhà nước được Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ hoặc người có chức vụ tương đương chứng nhận.
- Đang học ở các trường phổ thông, trường dạy nghề, trường trung cấp chuyên nghiệp, trường cao đẳng, trường đại học.
- Đi xây dựng vùng kinh tế mới trong 3 năm đầu.
Hằng năm, sau khi kiểm tra, nếu không còn lý do tạm hoãn, những trường hợp nêu trên được gọi nhập ngũ.
* Những trường hợp sau, nam công dân trong độ tuổi được miễn thực hiện nghĩa vụ quân sự trong thời bình:
- Con của liệt sĩ, con của thương binh hạng một, con của bệnh binh hạng một.
- Một người anh hoặc em trai của liệt sĩ.
- Một con trai của thương binh hạng hai.
- Giáo viên, nhân viên y tế, thanh niên xung phong đang làm việc ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn; cán bộ, công chức, viên chức được điều động đến làm việc ở những vùng này đã phục vụ từ 24 tháng trở lên.
Tuy nhiên, những công dân thuộc diện tạm hoãn hoặc miễn gọi nhập ngũ nêu trên nếu tình nguyện thực hiện nghĩa vụ quân sự thì có thể được tuyển chọn, gọi nhập ngũ.
............................................
Có thể chia tài sản chung của vợ chồng được không, trong trường hợp nào?
Hỏi: Xin cho biết, vợ chồng có thể chia tài sản chung để giải quyết một số việc riêng của gia đình mỗi bên được không? Pháp luật không công nhận việc chia tài sản chung của vợ chồng trong những trường hợp nào?
Trả lời: Nghị định số 70/2001/NĐ-CP của Chính phủ (ngày 3-10- 2001) quy định chi tiết thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000. Theo đó, vợ chồng hoàn toàn có thể chia tài sản chung (trong thời kỳ hôn nhân hoặc khi ly hôn) để giải quyết các công việc của riêng mình hoặc của gia đình mình.
Việc chia tài sản chung của vợ chồng (trong thời kỳ hôn nhân hoặc khi ly hôn) chỉ bị coi là vô hiệu, nếu việc chia tài sản đó là nhằm trốn tránh thực hiện các nghĩa vụ về tài sản sau đây:
- Nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng người khác;
- Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại;
- Nghĩa vụ thanh toán khi bị Tòa án tuyên bố phá sản doanh nghiệp;
- Nghĩa vụ nộp thuế và nghĩa vụ tài chính khác đối với Nhà nước;
- Các nghĩa vụ khác về tài sản theo quy định của pháp luật.
Như vậy, khi việc chia tài sản chung của vợ chồng không nhằm các mục đích trên thì có thể thực hiện, trên cơ sở thỏa thuận giữa vợ chồng. Pháp luật bảo vệ việc chia và sử dụng tài sản được chia đó.
............................................
Người chưa thành niên bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn trong trường hợp nào?
Hỏi: Xin quỹ báo cho biết trong những trường hợp nào thì người chưa thành niên bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn? Ai có quyền quyết định việc áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với đối tượng này?
Trả lời: Điều 23 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và điều 2 Nghị định l63/2003/NĐ-CP của Chính phủ ngày 19-12-2003 quy định chi tiết thi hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn quy định biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn được áp dụng đối với người chưa thành niên trong những trường hợp sau:
- Người từ đủ 12 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật Hình sự năm 1999.
- Người từ đủ 12 tuổi trở lên nhiều lần có hành vi trộm cắp vặt, lừa đảo nhỏ, đánh bạc nhỏ, gây rối trật tự công cộng;
- Người bán dâm có tính chất thường xuyên từ đủ 14 tuổi trở lên.
- Người có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau đây từ hai lần vi phạm trở lên trong một năm, nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
- Xâm phạm sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của công dân, của người nước ngoài.
- Xâm phạm tài sản của tổ chức, cá nhân trong nước hoặc nước ngoài.
- Chống người thi hành công vụ.
Lợi dụng quyền tự do dân chủ, tự do tín ngưỡng để lôi kéo, kích động người khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
- Tổ chức cưỡng ép, lôi kéo, dụ dỗ người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép.
Chủ tịch UBND cấp xã là người có quyền quyết định biện pháp giáo dục tại xã, phuờng, thị trấn và thời hạn áp dụng biện pháp này, căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, độ tuổi, hoàn cảnh kinh tế và quan hệ xã hội của người đó.
|