Bài học kinh nghiệm rút ra từ 10 vụ án kinh tế điển hình năm 2005
Các Website khác - 12/01/2006
Vụ điện kế điện tử sẽ mãi là
nỗi ám ảnh của người dân.
Nhìn lại kết quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, buôn lậu trong năm 2005, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã đánh giá và lựa chọn 10 vụ án kinh tế điển hình, để tổ chức rút kinh nghiệm từ thực tiễn làm tiền đề cho công tác năm 2006.
Trong năm 2005, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (Bộ Công an) đã phát hiện 1.051 vụ tham nhũng, làm thiệt hại 2.310 tỷ đồng của Nhà nước và nhân dân, thu hồi 750 tỷ đồng; bắt giữ 10.083 vụ buôn lậu, buôn bán hàng cấm và tội phạm kinh tế khác, thu giữ hàng hóa trị giá 818 tỷ đồng, truy thu thuế 235 tỷ đồng. Đã khởi tố 1.384 vụ tham nhũng, buôn lậu với hàng chục nghìn đối tượng. Trong đó có 10 vụ án kinh tế điển hình được đánh giá và lựa chọn, đó là:

Vụ cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế và buôn bán hàng giả, gây thiệt hại khoảng 185 tỷ đồng, xảy ra tại Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh trong việc đấu thầu nhập khẩu linh kiện và thiết bị điện giữa Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh và Công ty thiết bị điện Linkton (Singapore). Kết quả điều tra xác định, nội dung hợp đồng là nhập khẩu điện kế điện tử nguyên chiếc, nhưng thực tế là nhập linh kiện dạng rời và lắp ráp trong nước. Đã khởi tố 16, bắt tạm giam 9 bị can (một bị can bỏ trốn đã ra Lệnh truy nã); thu giữ 220 triệu đồng, 1.000 USD, 4 tờ cổ phiếu mệnh giá 45 triệu đồng và kê biên nhà, đất của các đối tượng.


Nguyễn Đức Chi (bên trái) đang nghe đọc lệnh bắt.

Vụ Nguyễn Đức Chi cùng đồng bọn lừa đảo, chiếm đoạt hơn 100 tỷ đồng thông qua việc lập công ty "ma", ký hợp đồng mua bán giao, trả chậm với Công ty Lương thực Trà Vinh và đầu tư vào Dự án Rus - Invest - Tur tại Nha Trang ( Khánh Hòa). Đã khởi tố vụ án, khởi tố 2 bị can để tiếp tục điều tra mở rộng.

Vụ cố ý làm trái, tham ô xảy ra tại Bưu điện tỉnh Hà Tây, Nghệ An trong việc in danh bạ điện thoại và một số ấn phẩm khác. Một số đối tượng ngoài xã hội móc nối với Giám đốc ngành bưu điện tại một số tỉnh, thành nâng khống giá trị hợp đồng in ấn danh bạ điện thoại và một số ấn phẩm, gây thiệt hại khoảng 16 tỷ đồng. Đã khởi tố vụ án, khởi tố 8, bắt tạm giam 5 bị can; thu hồi 9 tỷ đồng.

Vụ Đào Tiến Dũng, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Phát triển nhà và đô thị (Bộ Xây dựng); Lê Anh Tuấn và đồng bọn tham ô 17 tỷ đồng thông qua việc chuyển nhượng quyền sử dụng 8.092m2 đất thuộc Dự án khu đô thị mới Mỹ Đình II (Từ Liêm, Hà Nội ) cho Công ty Thăng Long 9. Đã khởi tố vụ án, khởi tố 4 bị can, thu hồi 916 triệu đồng, 4.000 USD và kê biên 4 biệt thự tại khu đô thị Mỹ Đình của Đào Tiến Dũng.


Ba giám đốc: Lê Thanh Hùng, Nguyễn Tiến Dũng,
Nguyễn Lâm Thái.

Vụ Nguyễn Lâm Thái cùng đồng bọn móc nối với 36 bưu điện các tỉnh, thành phố nâng giá lắp đặt camera và một số thiết bị viễn thông khác... chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng. Thủ đoạn chính của Thái và đồng bọn là lập ra các công ty con, mua bán hóa đơn lòng vòng với nhau để hợp thức hóa đầu ra, đầu vào đối với các thiết bị bưu chính viễn thông, làm hồ sơ, giấy tờ giả, nâng khống giá bán thiết bị. Đã khởi tố 11 bị can, thu hồi 300 triệu đồng.

Vụ Đỗ Tố, nguyên Chủ tịch UBND huyện, Lê Minh Dũng, nguyên Phó chủ tịch UBND huyện Phú Quốc (Kiên Giang) cùng đồng bọn lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao, cố ý làm trái trong việc quản lý, sử dụng đất đai. Kết quả điều tra đã xác định Tố, Dũng đã cố ý làm trái Luật Đất đai và chỉ đạo của UBND tỉnh Kiên Giang, chia bán đất không đúng quy định 700.000 m2 đất, trong đó hưởng lợi cá nhân 200.000m2 . Tòa Phúc thẩm, TANDTC đã xử và tuyên phạt Đỗ Tố 11 năm tù giam, Lê Minh Dũng 10 năm tù giam, 6 bị cáo khác từ 2 năm tù đến 6 năm tù.


TGĐ PJICO Trần Nghĩa Vinh
bị bắt vì tội nhận hối lộ.

Vụ án Trần Nghĩa Vinh, Tổng giám đốc Công ty PJICO và Hồ Mạnh Quân, Phó tổng giám đốc Công ty PJICO cùng đồng bọn cố ý làm trái, tham ô 3,8 tỷ đồng, trong đó đưa và nhận hối lộ 1,9 tỷ đồng trong vụ bồi thường bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu của Công ty TNHH Việt Thái Phong - TP. Hồ Chí Minh. Đã thu hồi 2,4 tỷ đồng và kết thúc điều tra chuyển hồ sơ sang Viện KSNDTC đề nghị truy tố 6 bị can.

Vụ Huỳnh Quốc Ngọc cùng đồng bọn thành lập 34 công ty TNHH, doanh nghiệp tư nhân tại TP Cần Thơ để bán 7.600 hóa đơn thuế GTGT với doanh số 1.940 tỷ đồng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khác hoàn thuế và khấu trừ thuế 100 tỷ đồng. Đã khởi tố 11 bị can.

Vụ Công ty YTECO (Công ty cổ phần XNK y tế thành phố Hồ Chí Minh) buôn lậu thuốc tân dược bằng thủ đoạn cạo sửa các chứng từ nhập khẩu, nhập lậu một lượng lớn thuốc tân dược trị giá 12 tỷ đồng. Đã khởi tố 13 bị can.

Vụ lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Công ty Hợp tác lao động nước ngoài - Tổng công ty Dệt may Việt Nam. Kết quả điều tra xác định các đối tượng đã thu 400.000 USD của những người đi tu nghiệp tại Nhật Bản không theo quy định, để ngoài sổ sách chia nhau. Đã khởi tố 5 bị can, trong đó bắt tạm giam 3 bị can; thu giữ 125.700 USD và 257.175.000 đồng.

Năm qua, tình hình tội phạm kinh tế, tham nhũng diễn biến phức tạp trong một số ngành, lĩnh vực chủ yếu như đầu tư xây dựng cơ bản, tài chính, ngân hàng, quản lý, sử dụng đất đai.... Các đối tượng tham nhũng dùng nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, có sự liên kết giữa doanh nghiệp ngoài quốc doanh với doanh nghiệp Nhà nước, thậm chí câu kết với các đối tượng nước ngoài và với một bộ phận cán bộ, công chức thoái hóa, biến chất để thực hiện hành vi tham nhũng. Bài học kinh nghiệm rút ra từ những vụ án tham nhũng điển hình nói trên là công tác điều tra cơ bản của lực lượng Cảnh sát kinh tế phải có chiều sâu tại các tuyến, địa bàn, lĩnh vực trọng điểm; chủ động phối hợp các bộ, ngành, địa phương và các tầng lớp nhân dân trong đấu tranh, phòng, chống tham nhũng; kiên quyết xử lý các trường hợp tham nhũng, tiêu cực. Lãnh đạo Bộ Công an, Tổng cục Cảnh sát và các đơn vị chức năng tập trung chỉ đạo công tác đấu tranh chống tham nhũng theo chuyên đề, chú ý các chuyên án lớn và chú trọng công tác phát hiện, điều tra, xử lý các loại tội phạm mới, tội phạm có tổ chức, tội phạm có tính quốc tế và tội phạm sử dụng công nghệ cao..., nhằm góp phần tạo môi trường lành mạnh cho phát triển kinh tế, giữ gìn trật tự an toàn xã hội và thực hiện hiệu quả Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vừa được QH thông qua và có hiệu lực trong năm nay.

HOÀNG THANH BÌNH