Ngân hàng, quỹ tín dụng, bưu chính viễn thông - tội phạm tinh vi và có xu hướng gia tăng
Đánh giá mới nhất của lực lượng Cảnh sát Điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (C15 - Bộ Công an), trong năm 2005, tình hình vi phạm và tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng, quỹ tín dụng, bảo hiểm với thủ đoạn tinh vi và có xu hướng gia tăng về số vụ, nghiêm trọng về mức độ thiệt hại, gây thất thoát lớn cho ngân sách nhà nước. Một số đối tượng thoái hoá biến chất trong ngành ngân hàng quỹ tín dụng bảo hiểm dùng mọi thủ đoạn rút tiền quỹ để đánh bạc, chơi số đề, cá độ bóng đá dưới nhiều hình thức; một số đối tượng khác còn móc nối với các doanh nghiệp (nhất là các doanh nghiệp ngoài quốc doanh) lập các dự án "ma" về đầu tư xây dựng, mua sắm vật tư thiết bị để rút một khoản tiền lớn của Nhà nước rồi bỏ trốn...
Phương thức hoạt động chủ yếu của các đối tượng là lợi dụng những sơ hở trong công tác quản lý của ngành ngân hàng, lợi dụng phương tiện kỹ thuật hiện đại, bằng các thao tác nghiệp vụ sẵn có để rút tiền tham ô. Điển hình phải kể đến chiến công của lực lượng CSĐT tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (PC15) Công an tỉnh Điện Biên đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ba đối tượng nguyên là cán bộ của Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT Điện Biên bằng phương thức và thủ đoạn nêu trên đã chiếm hơn 4,1 tỷ đồng. PC15 Công an tỉnh Phú Thọ khởi tố vụ án làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan nhà nước, khởi tố 8 bị can (trong đó có 5 giám đốc Công ty TNHH) lập hồ sơ vay gần 8 tỷ đồng của ngân hàng không có khả năng thanh toán...
Một dạng tội phạm khác cũng được cảnh báo sẽ diễn biến phức tạp và gây hậu quả khó lường, đó là tội phạm lợi dụng công nghệ thông tin và việc triển khai áp dụng công nghệ thông tin hỗ trợ hoạt động nghiệp vụ của các ngành để lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn đột nhập vào hệ thống thanh toán, tạo ra các lệnh chuyển tiền khống từ tài khoản của khách hàng hoặc tạo ra các lệnh chuyển tiền vãng lai để chiếm đoạt tiền của ngân hàng.
Đơn cử, tháng 7-2005, Công an thị xã Ninh Bình bắt giữ Đỗ Giang Nam, Giám đốc Công ty TNHH tin học Phương Nam và đồng bọn đột nhập vào hệ thống thanh toán của Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam, phát ra sáu lệnh gửi tiền "ảo" từ chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT Hải Phòng đến chi nhánh tại các tỉnh Ninh Bình, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa để rút 1.432 triệu đồng chiếm đoạt.
Về tiêu cực tham ô trong ngành Bưu chính viễn thông, lực lượng cảnh sát kinh tế nhận định là "tình hình vi phạm nghiêm trọng trong nhiều khâu, liên quan đến công tác quản lý và kinh doanh". C15 khám phá vụ cố ý làm trái, tham ô xảy ra tại Bưu điện tỉnh Hà Tây, Nghệ An trong việc in danh bạ điện thoại và một số ấn phẩm khác. Trong đó một số đối tượng ngoài xã hội móc nối với nhân viên trong ngành Bưu chính viễn thông tại nhiều tỉnh, thành phố nâng khống giá trị hợp đồng in ấn, gây thiệt hại khoảng 15 tỷ đồng. Vụ lắp đặt thiết bị camera, biển quảng cáo cho bưu điện 29 tỉnh, thành phố gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng.
Mua bán sử dụng trái phép hóa đơn thuế GTGT - "ma trận"
Tình trạng mua bán, sử dụng trái phép hóa đơn thuế GTGT của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân tuy có giảm, nhưng vẫn diễn ra phức tạp, gây thiệt hại lớn cho ngân sách nhà nước. Các đối tượng vẫn lợi dụng sự thông thoáng của Luật Doanh nghiệp, thành lập doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH, công ty cổ phần không hoạt động kinh doanh mà chủ yếu để mua bán hoá đơn thuế GTGT để kiếm lời rồi bỏ trốn.
Đấu tranh trên lĩnh vực này, Đội CSĐT tội phạm kinh tế, Công an quận Cái Răng, TP Cần Thơ triệt phá đường dây doanh nghiệp "ma" liên tỉnh, bắt giữ 5 đối tượng mua bán, sử dụng trái phép hoá đơn thuế GTGT, chiếm hưởng hơn 4 tỷ đồng trên doanh số tính thuế khoảng 460 tỷ đồng. C15 chuyển PC15 Công an tỉnh Hưng Yên khởi tố vụ án, khởi tố bắt giam Đoàn Minh Tiến - chủ DN tư nhân 1972 Văn Lâm - Hưng Yên; Đào Hồng Phong - Trạm trưởng Trạm vật tư xăng dầu Phố Nối và 9 bị can đã mua bán 1.569 tờ hóa đơn thuế GTGT, lập hồ sơ khống.
Bên cạnh những vi phạm về mua bán, sử dụng trái phép hóa đơn thuế GTGT, C15 cũng nhận định: Tình hình lợi dụng quy định về thời gian ân hạn nộp thuế xuất nhập khẩu xảy ra từ lâu, nhưng nay mới được phát hiện, trong đó nhiều doanh nghiệp ngoài quốc doanh nhập khẩu ồ ạt một khối lượng lớn hàng hóa (đặc biệt là những mặt hàng có thuế suất nhập khẩu cao) tại một hoặc nhiều cửa khẩu khác nhau, sau đó tổ chức tiêu thụ nhanh rồi giải thể công ty hoặc bỏ trốn.
Theo thông báo của cơ quan chức năng, hiện có 352 DN còn nợ 2.900 tỷ đồng khó có khả năng thu hồi. C15 đã xác lập tám chuyên án trong lĩnh vực này, trong đó đã phá chuyên án xảy ra tại Công ty TNHH Phương Nam và Hưng Thịnh (Hà Nội), đã bắt, khám xét ba đối tượng lợi dụng nhập ủy thác 72 xe ô-tô cho một số công ty, sau khi hoàn thành thủ tục nhập khẩu đã nhận 12 tỷ đồng tiền nộp thuế của các doanh nghiệp, nhưng sử dụng cho mục đích cá nhân như mua nhà, đất và trốn khỏi nơi cư trú...
Nhận định chung về tình hình tội phạm kinh tế năm 2006, C15 cho rằng, tham nhũng trong lĩnh vực đầu tư xây dựng tiếp tục diễn biến phức tạp; tham nhũng trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng với các thủ đoạn ngày càng tinh vi; vi phạm và tội phạm trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai sẽ tiếp tục xảy ra; các đối tượng cũng sẽ triệt để lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin để thực hiện hành vi phạm tội...
Để thực hiện nghiêm túc có hiệu quả các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước, trong đó có Luật Phòng, chống tham nhũng, năm 2006, C15 hoạch định một số mặt công tác trọng tâm, trong đó sẽ phát huy những kết quả đạt được trong năm 2005, tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng, kiên quyết khắc phục những tồn tại, hạn chế; xây dựng đội ngũ cán bộ CSĐT tội phạm kinh tế có phẩm chất chính trị vững vàng, đáp ứng đòi hỏi của cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng trong tình hình mới; đồng thời đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án đã khởi tố chuyển VKS các cấp đề nghị truy tố, hạn chế thấp nhất oan sai, không để lọt tội phạm.
|