"Xẻ thịt" đất di tích lịch sử quốc gia
Xã Hy Cương, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ là nơi có di tích lịch sử quốc gia đền Hùng (thờ tự 18 vị đức tổ vương triều thời Hùng Vương). Năm 2000, Chính phủ đã phê duyệt xây dựng khu di tích quốc gia đền Hùng với tổng diện tích lên đến 1.631 ha. Từ đó, mảnh đất vườn đồi chung quanh khu di tích bắt đầu có giá.
Theo quy định cũng như quy hoạch của Chính phủ, đất đai nằm trong khu di tích lịch sử quốc gia đền Hùng, kể cả khu vực vành đai 3 đều không được cấp cho các hộ dân, trừ trường hợp nhà dân đã ở từ trước và đang trong diện di dời, giải tỏa. Khi chúng tôi đưa ra những tài liệu minh chứng cách làm trái với quy định này, ông Triệu Đình Đạo, Chủ tịch UBND xã Hy Cương thừa nhận là "do sơ suất của Địa chính xã và nhiều lý do khác nhau, đất đai ở khu vực quy hoạch, cụ thể và chủ yếu là ở vành đai 3, vẫn được cấp cho một số hộ dân".
Dư luận nhân dân xã Hy Cương cho rằng, phải chạy chọt kiếm mảnh đất đồi cằn cỗi bấy lâu nay là để không ở được thì nay mai cũng sẽ được hưởng một khoản bồi thường của Nhà nước. Kết quả, xã làm hồ sơ gửi lên huyện, huyện xét duyệt và cứ thế cấp đất di tích quốc gia cho dân. Hàng trăm mảnh đất đã được cấp như thế.
Tuy không có điều kiện để xác minh cụ thể hàng trăm mảnh đất nhưng chúng tôi đã có một số hồ sơ đất được cấp theo kiểu "phù phép" từ đất vườn đồi thành đất thổ cư. Bằng cách này, dĩ nhiên là phải được sự thống nhất trong khâu hồ sơ giữa chủ đất và cán bộ liên quan, nếu không có sự chung chi thì chắc người dân phải đợi đến dài cổ.
Trong buổi làm việc ngày 5-1-2006 có ông Phan Văn Thảo - Trưởng phòng tài nguyên - môi trường huyện Lâm Thao - cùng dự, ông Triệu Đình Đạo vẫn khăng khăng khẳng định lâu nay xã không làm hồ sơ chuyển nhượng đất cho bất cứ hộ dân nào trong khu vực di tích đền Hùng. Ông Đạo nói "có mà gọt đầu tôi cũng không dám làm chuyện đó", thế nhưng khi chúng tôi đưa ra ba hồ sơ chuyển nhượng đất mà ông mới ký cách đó một tuần thì ông im lặng. Các hồ sơ chuyển nhượng đất này ghi rất rõ "đất nằm trong vùng quy hoạch đền Hùng - vùng 3".
Muốn có giấy thì bỏ tiền ra
Ngày 15-11-2004, Chủ tịch UBND huyện Lâm Thao có ký duyệt cấp 461 "sổ đỏ" cho 461 hộ dân xã Hy Cương. Đây phần lớn là những hộ nằm trong chủ trương đẩy nhanh tiến độ giao đất cho người dân thực hiện các quyền và nghĩa vụ trên mảnh đất mà Nhà nước giao cho họ quản lý một việc làm bình thường như bao địa phương khác. Tuy nhiên, ngoài số hộ có quan hệ ruột thịt với cán bộ trong bộ máy chính quyền xã Hy Cương được nhận "sổ đỏ” ngay, còn hàng trăm hộ khác muốn nhận "sổ đỏ" thì phải bỏ ra một khoản tiền lớn, tùy theo mảnh đất đó có giá trị ra sao.
Khoản tiền không nhỏ này được lãnh đạo UBND xã giải thích là "tiền ủng hộ tự nguyện cho ngân sách xã". Hộ nhiều lên đến gần 100 triệu đồng, hộ ít cũng 30 triệu đồng. Tổng thu của loạt cấp "sổ đỏ" này, xã Hy Cương đã thu của dân khoảng 3,94 tỷ đồng, dân còn nợ xã 1,45 tỷ đồng. Vấn đề bắt đầu bùng phát ở chỗ, gần 100 hộ bị "giam" sổ đỏ tại UBND xã đều là những hộ nghèo, không có tiền nộp cho xã và đã có đơn khiếu nại lên trên.
Trước tình hình đó, ngày 10-1-2005, ông Hà Kế San (khi đó đang là Chủ tịch UBND huyện Lâm Thao) sau khi kiểm tra xác minh đã có công văn chỉ đạo "cấm thu thêm các khoản thu ngoài quy định của pháp luật liên quan đến việc cấp đất ở". Công văn ghi rõ: "...Trên thực tế là buộc người được giao đặt phải nộp một khoản tiền cao hơn so với giá đất của Nhà nước, thậm chí cao hơn nhiều lần so với giá đất mà UBND tỉnh quy định. UBND huyện nghiêm cấm mọi hình thức thu thêm các khoản thu liên quan tới việc cấp đất, giao đất cho nhân dân, kể cả dưới dạng ủng hộ tự nguyện. Công văn này sau đó được gửi cho xã Hy Cương và một số xã khác trên địa bàn huyện Lâm Thao.
Mặc dù Chủ tịch UBND huyện Lâm Thao đã có văn bản rõ ràng như vậy nhưng lãnh đạo xã Hy Cương vẫn phớt lờ. Người dân lại đội đơn lên cơ quan báo chí. Khi chúng tôi về Hy Cương xác minh đơn thư, đã chẵn một năm sau ngày chủ tịch huyện nghiêm cấm thu thêm các khoản thu liên quan đến cấp đất, giao đất cho dân, nhưng tại trụ sở UBND xã vẫn còn 35 hộ chưa được nhận sổ đỏ vì... chưa nộp tiền cho xã!
Trong quá trình điều tra, chúng tôi nhận thấy ngay cả chính quyền huyện Lâm Thao cũng chưa thật sự sâu sát những vấn đề nóng bỏng về đất đai tại xã Hy Cương. Bởi vậy, chưa có những biện pháp rốt ráo chỉ đạo thực hiện nghiêm túc. Và cứ đà này, khu di tích lịch sử quốc gia đền Hùng có còn nguyên vẹn nữa không?
|