Bài học lớn! Tô Phán
Trên mặt báo, ngoài độ nóng bỏng của vụ tiêu cực ở PMU18 cũng xuất hiện "độ nóng" khác về vụ sai phạm của Cty Thiên Nam (một Cty tư nhân) trong việc tận thu than ở Quảng Ninh. Tính chất của 2 vụ hoàn toàn khác nhau, nhưng lại có một điểm giống nhau cơ bản là trách nhiệm quản lý nhà nước có... "vấn đề" - tức là sự buông lỏng quản lý và có biểu hiện bắt tay nhau cùng sai phạm. Vụ PMU18 thì đã quá rõ. Ở đây chỉ xin nói về vụ Cty Thiên Nam:
Cty Thiên Nam tận thu than kiểu như vậy rõ ràng là sai rồi (so với quy định của Nhà nước cũng như so với lợi ích quốc gia trong quản lý tài nguyên). Nhưng trớ trêu là việc vi phạm này lại "được phép" bởi hàng loạt cán bộ lãnh đạo từ Tập đoàn Than VN, UBND tỉnh Quảng Ninh, Cty than Mông Dương, UBND thị xã Cẩm Phả, cho đến lãnh đạo một vụ chức năng ở Bộ CN đặt bút ký văn bản "cho phép" hoặc "không phản đối" (Báo Lao Động đã có loạt bài về vấn đề này). Điều này có nghĩa là gì đây? Có mấy điểm không thể không nói:
Thứ nhất, đây có thể là một cuộc bắt tay nhau vì lợi ích cục bộ, và vì lợi ích cá nhân. Cty Thiên Nam chỉ nhìn thấy lợi nhuận mà cố tình xin được những văn bản cho phép của các cơ quan chức năng chứ không muốn thấy và không thấy những thiệt hại ở tầm quốc gia về môi trường, về quản lý tài nguyên. Doanh nghiệp luôn tìm cách lách luật để có lợi nhuận. Nhưng sự lách luật của Cty Thiên Nam lại được tiếp sức bởi những cán bộ lãnh đạo các cơ quan nhà nước ban hành những văn bản cũng lách luật không kém ngoạn mục. Có một số ít văn bản cho phép Thiên Nam làm sai là do người ký yếu kém hiểu biết về pháp luật, nhưng phần lớn là do cố tình. Vì vậy cũng dễ lý giải tại sao khi các cơ quan chức năng đình chỉ việc "tận thu" than, Cty Thiên Nam lại phản ứng mạnh như vậy!
Thứ hai, khi cái sai đã rõ rồi nhưng các cơ quan chức năng lại không chịu nhận mình sai. Việc quyết định chấm dứt quyền sử dụng đất và chấm dứt quyền tận thu than của Cty Thiên Nam là việc buộc phải làm. Nhưng điều lạ là không ai trong những người đặt bút ký những văn bản "cho phép"... sai tự thấy lỗi thuộc về mình. Điều này cũng có nghĩa là cái sai của các cơ quan chức năng trong vụ việc này mang tính hệ thống.
Thứ ba, việc một văn bản giả xuất hiện mà cả bộ máy từ lãnh đạo cao nhất của tỉnh không nhận ra mà cứ sốt sắng làm theo, và rồi việc xử lý cái sai lại bộc lộ sự lúng túng không thể chấp nhận được ở cơ quan quyền lực cấp tỉnh, đã cho thấy sự yếu kém của cả một hệ thống quản lý nhà nước ở địa phương.
Thứ tư, cơ quan chức năng Quảng Ninh "cãi" văn bản của một vụ trưởng chức năng ở Bộ CN đã thể hiện sự thiếu thống nhất, thậm chí ngược nhau giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong cùng lĩnh vực. Tính thiếu thống nhất trong quản lý nhà nước là kẽ hở để nhiều DN lách nhằm đạt lợi ích cục bộ. Đây cũng vấn đề đáng lo ngại về những hệ lụy.
Thứ năm, một vụ việc nhỏ về quy mô nhưng quá nhiều cơ quan chức năng phải vào cuộc, và cuối cùng là Chính phủ phải có ý kiến chỉ đạo xử lý, chứng minh rằng chất lượng hệ thống quản lý nhà nước cũng như chất lượng cán bộ cấp cơ sở đang rất đáng lo ngại.
Vụ việc Cty Thiên Nam sai phạm trong việc tận thu than là một bài học rất lớn trong quản lý nhà nước! |