Thông tin mới nhất về chính sách quản lý lao động nước ngoài tại Malaysia
Các Website khác - 30/12/2005
Gia đình 27 lao động ở Bến Tre
khiếu nại việc con em họ không
được Chi nhánh Công ty Enlexco
tại TP Hồ Chí Minh bố trí công việc
đúng hợp đồng tại Malaysia.
Bộ Nội vụ Malaysia vừa áp dụng chính sách mới về quản lý lao động nước ngoài bằng việc cấp giấy phép sử dụng lao động nước ngoài cho các đại lý lao động (thường gọi là công ty môi giới lao động) Malaysia. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lao động (XKLĐ) cho rằng, việc cấp giấy phép này sẽ gây nhiều khó khăn cho XKLĐ của Việt Nam...
Doanh nghiệp khó bảo đảm việc làm cho lao động

Số liệu chưa đầy đủ cho biết trong quý 4-2005, đã có 27 công ty MGLĐ của Malaysia được cấp loại giấy phép này và dự kiến sẽ tăng lên 40 công ty vào quý 1-2006. Đặc điểm của giấy phép này là Bộ Nội vụ Malaysia cấp chỉ tiêu tuyển dụng lao động nước ngoài trực tiếp cho các công ty MGLĐ mà không cấp cho chủ sử dụng lao động của nước sở tại như trước đây. Một điểm đáng chú ý khác là việc sử dụng, quản lý lao động nước ngoài cũng được giao cho các công ty MGLĐ, chứ không phải chủ sử dụng lao động.

Thông tin trên được ông Trịnh Vĩnh Hội - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Châu Hưng - cho biết sau khi vừa trở về từ Malaysia. Hàng loạt các khó khăn mà ông Trịnh Vĩnh Hội đặt ra, đó là nếu các công ty MGLĐ Malaysia được trực tiếp cấp chỉ tiêu và giao quyền quản lý, thì việc thuyên chuyển công nhân trong thời hạn hợp đồng từ nhà máy này sang nhà máy khác là khó tránh khỏi. Lao động Việt Nam chưa chuẩn bị tư tưởng cho việc này và trong trường hợp bị chuyển đổi chỗ làm, họ sẽ cho là doanh nghiệp XKLĐ của Việt Nam vi phạm hợp đồng, thậm chí quy kết doanh nghiệp tội lừa đảo, bán họ cho chủ khác hoặc “đem con bỏ chợ”...

Thực tế cho thấy, phần lớn các vụ tranh chấp thời gian qua giữa các doanh nghiệp XKLĐ và lao động Việt Nam làm việc ở Malaysia đều xuất phát từ những bất đồng về thực hiện cam kết việc làm theo hợp đồng. Theo đó, khi bị đưa về nước trước hạn và thanh lý hợp đồng, người lao động thường đổ lỗi cho doanh nghiệp vi phạm hợp đồng, không bố trí đúng việc làm, làm đúng nhà máy như cam kết. Điển hình như vụ tranh chấp giữa 27 lao động ở Bến Tre và Enlexco tại TP Hồ Chí Minh mới đây. Chỉ vì chủ sử dụng lao động bố trí công việc khác với hợp đồng (mặc dù bảo đảm giờ làm việc và thu nhập) nhưng 27 lao động nói trên và thân nhân gia đình phản ứng quyết liệt, làm đơn tố cáo Enlexco TP Hồ Chí Minh tội lừa đảo...

Do vậy, theo giới chuyên môn, với việc Malaysia áp dụng chính sách cấp phép sử dụng lao động nước ngoài cho công ty MGLĐ, trong trường hợp xảy ra rủi ro (như bị chuyển chỗ làm, tiền lương không đúng hợp đồng...) thì tranh chấp giữa doanh nghiệp và người lao động càng có nguy cơ xảy ra nhiều hơn và bất lợi thuộc về cả hai.

Lợi dụng tăng phí môi giới, có hay không?

Nhiều doanh nghiệp XKLĐ của Việt Nam hiện chưa nắm bắt chính thức thông tin, nhưng đều bày tỏ lo ngại về những bất lợi nếu Malaysia áp dụng chính sách mới về cấp phép sử dụng lao động nước ngoài. Một trong những bất lợi cần phải đề cập thêm, theo các doanh nghiệp đó là không có gì bảo đảm sẽ không có việc công ty MGLĐ Malaysia lợi dụng giấy phép này để tăng phí môi giới (?)...

Chiều 28-12, ông Vũ Đình Toàn - Cục phó Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - cho biết cục đã nắm bắt thông tin nói trên và đã chỉ đạo Ban Quản lý lao động và chuyên gia Việt Nam tại Malaysia tìm hiểu, báo cáo cụ thể. Trên cơ sở đó mới có biện pháp phù hợp để giải quyết những khó khăn, bất lợi - nếu có.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân An, Tổng Thư ký kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội XKLĐ Việt Nam, nói việc cấp giấy phép theo quy định mới là có, nhưng sẽ không tác động xấu cũng như có sự thay đổi gì lớn về hợp tác lao động giữa hai nước. Cụ thể, về phí môi giới, đã có khung quy định cụ thể (350 USD/người) nên khó có tình trạng công ty MGLĐ Malaysia lợi dụng để tăng phí. Về thực hiện hợp đồng cũng tương tự, bởi từ trước đến nay, hầu hết các doanh nghiệp XKLĐ của Việt Nam đều ký hợp đồng với các công ty môi giới chứ không trực tiếp ký với các chủ sử dụng lao động.

Riêng về những rủi ro mà dư luận quan tâm như lao động Việt Nam có thể bị thuyên chuyển chỗ làm, theo ông Nguyễn Xuân An, cũng không quá lo ngại, bởi trên thực tế, công ty MGLĐ không có quyền lợi gì nếu thuyên chuyển lao động đang làm việc ổn định ở một nhà máy... Tuy nhiên, cũng theo ông An, hiệp hội cũng mới nắm bắt thông tin sơ bộ, sẽ tìm hiểu kỹ trước khi bàn các biện pháp tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp thành viên.

Theo (Người Lao động)