Hỏi: Đề nghị cho biết việc giao lại nhà ở mà Nhà nước đã trưng dụng có thời hạn của hộ gia đình, cá nhân quy định tại điều 7 của Nghị định số 127 được thực hiện như thế nào?
Trả lời: Thông tư số 19/2005/TT - BXD ngày 1-12-2005, quy định như sau:
Người thuộc diện được giao lại nhà ở (không phụ thuộc vào nơi đang cư trú) có trách nhiệm lập và nộp hồ sơ đề nghị giao lại nhà ở tại cơ quan quản lý nhà cấp tỉnh nơi có nhà đất mà Nhà nước đã trưng dụng trước đây.
Căn cứ vào hồ sơ đề nghị giao lại nhà ở, cơ quan quản lý nhà cấp tỉnh phối hợp với UBND xã, phường, thị trấn (gọi chung là UBND cấp xã) hoặc cơ quan, tổ chức đang quản lý sử dụng nhà đất để kiểm tra, xác minh hiện trạng và mục đích sử dụng nhà ở thuộc diện được giao lại, đối chiếu hồ sơ gốc về nhà ở mà Nhà nước đã trưng dụng với các điều kiện giao lại nhà ở quy định tại điều 7 của Nghị quyết số 755/2005/NQ - UBTVQH 11 và điều 7 của NĐ số 127/2005/NĐ-CP. Trong trường hợp đủ điều kiện để giao lại thì cơ quan quản lý nhà cấp tỉnh trình chủ tịch UBND cấp tỉnh ra quyết định giao lại nhà ở cho chủ sở hữu.
Trường hợp nhà ở không giao lại được theo quy định tại khoản 3, điều 7 của NĐ số 127/2005/NĐ-CP thì UBND tỉnh chỉ đạo lập phương án bồi thường theo quy định hiện hành để bồi thường cho người thuộc diện được giao lại nhà ở. Trong trường hợp phải bồi thường bằng tiền từ nguồn ngân sách nhà nước mà địa phương không đủ kinh phí để thanh toán thì UBND cấp tỉnh phải lập báo cáo giải trình cụ thể, kèm danh sách tổng hợp theo mẫu quy định gửi Bộ Xây dựng và Bộ Tài chính tổng hợp để báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Người được giao lại nhà ở hoặc được bồi thường bằng nhà ở, đất ở phải làm thủ tục để được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở theo quy định của pháp luật.
.........................................................
Khi đất ruộng nằm trong diện quy hoạch
Hỏi: "Năm 1997 gia đình tôi được hợp tác xã nông nghiệp cấp cho 1.300m2 đất ruộng để canh tác trong thời hạn 20 năm và gia đình tôi đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với phần đất trên. Do trồng lúa không đạt kết quả nên gia đình tôi đã chuyển sang trồng rau xanh. Vừa qua gia đình tôi được biết toàn bộ phần đất ruộng của gia đình tôi nằm trong khu quy hoạch dân cư. Vậy đề nghị cho biết việc chính quyền địa phương đưa phần đất trong thời hạn sử dụng vào diện quy hoạch dân cư như vậy có đúng không và gia đình tôi có xin được cấp một lô đất trên phần đất ruộng này không?".
Trả lời: Việc quy hoạch đất ở từng địa phương căn cứ vào sự phát triển kinh tế và quy hoạch cụ thể, chi tiết của mỗi địa phương, do đó trường hợp gia đình bạn được giao đất nông nghiệp và toàn bộ phần đất này nằm trong diện quy hoạch khu dân cư là phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đúng pháp luật. Tuy nhiên khi phần đất của gia đình bạn bị thu hồi để quy hoạch làm khu dân cư thì theo quy định tại Điều 8 Nghị định 197/2004/NĐ-CP ngày 3-12-2004 của Chính phủ thì gia đình bạn sẽ được bồi thường theo tổng số diện tích đất bị thu hồi cùng các hoa màu có trên đất.
Cũng theo quy định tại Điều 10 của Nghị định này thì về nguyên tắc hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp khi nhà nước thu hồi được bồi thường bằng đất có cùng mục đích sử dụng; nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền tính theo giá đất cùng mục đích sử dụng. Do đó trường hợp gia đình bạn muốn có một lô đất ở trên phần đất ruộng sau khi đã được quy hoạch thì gia đình bạn cần liên hệ với Ban dự án để hỏi thủ tục và có thể được xem xét giải quyết căn cứ vào điều kiện, tình hình cụ thể.
.........................................................
Xử phạt hành vi vi phạm quy định về nếp sống văn minh
Hỏi: Mức phạt cụ thể đối với hành vi vi phạm quy định về nếp sống văn minh như thế nào?
Trả lời: Theo Nghị định số 150/2005/NĐ-CP ngày 12-12-2005 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội thì việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về nếp sống văn minh được áp dụng như sau:
- Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 60.000 đồng đến 100.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Không mặc quần, áo hoặc mặc quần áo lót ở nơi hội họp đông người, các địa điểm văn hóa, tín ngưỡng, nơi làm việc của các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội; không có vé mà vào những nơi quy định phải có vé; có lời nói hoặc cử chỉ thô thiển, tục tĩu, thiếu văn hóa ở nơi công cộng; làm hoen bẩn, vẽ, viết, dán quảng cáo, tranh ảnh vào các biển hiệu, biển quảng cáo, panô, áp phích, cây, cột điện, tường nhà, hàng rào, trụ sở của cơ quan, tổ chức, trường học, bệnh viện, khu dân cư hoặc những nơi khác mà không được phép.
- Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng sự mê tín của người khác để trục lợi bất chính hoặc làm tổn hại đến sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người khác.
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không xin phép theo quy định hoặc xin phép nhưng không được cấp phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà tổ chức lễ hội, hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao.
- Ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp sau đây: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu do vi phạm hành chính gây ra và bị tịch thu tang vật, phương tiện; tịch thu tang vật, phương tiện.
.........................................................
Bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm
Hỏi: Pháp luật quy định việc xác định bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm như thế nào?
Trả lời: Điều 615 BLDS năm 1995 và Điều 611 b1 năm 2005 quy định về thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân bị xâm phạm, thiệt hại do danh dự, uy tín của pháp nhân, chủ thể khác bị xâm phạm, người xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác phải bồi thường thiệt hại chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa không quá một tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.
Chi phí cho việc thu hồi ấn phẩm có nội dung xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người bị hại; chi phí đăng lời cải chính trên các phương tiện thông tin đại chúng để khôi phục danh dự, uy tín, nhân phẩm của cá nhân, danh dự, uy tín của tổ chức bị xâm phạm; chi phí tàu, xe đi lại, ở để yêu cầu cơ quan chức năng cải chính trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Nếu hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân mà dẫn đến hậu quả là sức khỏe của họ cũng bị xâm phạm, thí dụ như: hành vi làm nhục phụ nữ ở nơi công cộng và gây thương tích cho họ, hoặc hành vi hiếp dâm phụ nữ và truyền bệnh AIDS cho họ, thì người bị hại cũng được bồi thường các chi phí hợp lý để khắc phục thiệt hại như: Tiền khám, chữa bệnh, viện phí, thuốc điều trị, chi phí bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe, chi phí cho việc giám định sức khỏe hoặc các chi phí hợp lý khác để khắc phục thiệt hại. Trong trường hợp nếu hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân mà không gây thiệt hại đến tài sản cũng như sức khỏe của họ thì người bị thiệt hại cũng được bồi thường một khoản tiền thiệt hại về tinh thần.
Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút do danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân bị xâm phạm được tính như cách tính ở phần bồi thường thiệt hại do tính mạng, sức khỏe bị xâm phạm. Thí dụ: do bị vu khống bị mắc bệnh AIDS nên người lao động đang làm việc phải nghỉ việc và bị mất thu nhập hoặc doanh nghiệp đang làm ăn có lãi bị đối thủ cạnh tranh vu khống là làm hàng giả nên không bán được hàng, do đó mất hoặc giảm doanh thu, bị mất lợi nhuận.
Đối với người bị hại là pháp nhân do bị xâm phạm danh dự, uy tín mà bị thiệt hại mất thu nhập hoặc thu nhập bị giảm sút thì thu nhập thực tế được xác định trên cơ sở lợi nhuận thực tế thu được của pháp nhân đó trước khi bị xâm phạm (đối với trường hợp bị mất thu nhập). Thu nhập bị giảm sút của pháp nhân là phần chênh lệch giữa lợi nhuận của pháp nhân có trước và sau khi bị xâm phạm.
|