Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm là văn bản quy phạm pháp luật chuyên biệt về phòng, chống mại dâm đầu tiên do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành, có giá trị hiệu lực pháp lý cao, điều chỉnh các quan hệ xã hội liên quan đến hoạt động phòng, chống tệ nạn mại dâm. Trong đó quy định những biện pháp phòng, chống mại dâm; quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, trách nhiệm của gia đình và cá nhân tronng việc phòng, chống mại dâm. Tuy nhiên, theo Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, đến nay Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm cũng đã bộc lộ những hạn chế nhất định.
Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm năm 2003 vẫn là dạng luật khung quy định một số vấn đề trong phòng, chống mại dâm; việc thực hiện còn phải phụ thuộc vào nhiều đạo luật khác như: Luật Tổ chức hội đồng nhân dân và uỷ ban nhân dân; Luật Lao động; Luật Hình sự, Luật Phòng chống HIV/AIDS, Luật Tố tụng hình sự, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống mại dâm, Luật Thanh niên, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Khiếu nại, tổ cáo.
Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm ban hành hơn 10 năm nên hiện nay một số quy định, đặc biệt những quy định liên quan đến quyền công dâm không còn phù hợp với Hiến pháp của Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Mặc dù xác định phòng ngừa là biện pháp trọng tâm nhưng các quy định về biện pháp phòng ngừa, trách nhiệm tổ chức các hoạt động phòng, ngừa... vẫn mang tính nguyên tắc, chưa cụ thể, chưa quy định các biện pháp, điều kiện, nguồn lực (thẩm quyền tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề của chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện; thẩm quyền xử phạt của chi Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội; tiêu chuẩn, điều kiện các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ lợi dụng hoạt động mại dâm….) dẫn đến việc triển khai ở các cấp còn gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, khái niệm về mại dâm (mua dâm, bán dâm) theo quy định của Pháp lệnh không bao quát được hết các hành vi mua, bán dâm trong thực tế hiện nay như mua bán dâm giữa những người đồng tính, người chuyển giới, kích dục, khiêu dâm…nên cơ quan chức năng khó xử lý đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ lợi dụng để tổ chức hoạt động mại dâm. Một số khái niệm, giải thích thuật ngữ trong Pháp lệnh chưa đồng nhất với các văn bản pháp luật khác, đặc biệt đối với các hành vi vi phạm hành chính liên quan đến phòng, chống mại dâm.
Vấn đề xử lý hành chính, hình sự đối với các hành vi liên quan đến mại dâm quy định trong Pháp lệnh không còn phù hợp với các văn bản pháp luật mới (Hiến pháp, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Bộ luật Hình sự); đối với cán bộ, công chức vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm chưa quy định rõ cơ chế thông báo cho người đứng đầu cơ quan, tổ chức đơn vị để xử lý kỷ luật theo quy định. Các quy định về xử lý vi phạm trong Pháp lệnh chưa thống nhất với Luật Phòng, chống mua bán người, Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Về việc quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước, Pháp lệnh có quy định cơ quan giúp Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý Nhà nước về phòng, chống mại dâm nhưng chưa có quy định về cơ chế phối hợp, quyền và trách nhiệm của các Bộ, ngành, tổ chức, đoàn thể có chức năng, nhiệm vụ về phòng, chống mại dâm do vậy việc phối hợp thực hiện nhiệm vụ này ở nhiều cấp còn nhiều khó khăn.
Mặt khác, cũng còn một số hạn chế trong quy định trách nhiệm và cơ chế phối hợp trong việc thực hiện nhiệm vụ tư vấn, hỗ trợ tái hoà nhập cộng đồng cho người mại dâm; chưa phân định rõ trách nhiệm của cấp huyện, xã trong việc tham gia các hoạt động về hỗ trợ người bán dâm; hiện tại, quy trình hỗ trợ, tư vấn cho người bán dâm sau khi bị xử lý hành chính chưa rõ ràng và đồng bộ.
Pháp lệnh chưa xác định rõ vai trò, trách nhiệm của Thủ trưởng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc để tệ nạn mại dâm phát sinh trong địa bàn quản lý và trách nhiệm giúp đỡ hòa nhập cộng đồng đối với người bán dâm trên địa bàn.
Hiện nay, tình trạng lây nhiễm HIV/AIDS thông qua quan hệ tình dục không an toàn, đặc biệt qua nhóm người bán dâm rất cao. Trong khi đó, Pháp lệnh chưa có quy định về việc triển khai các chương trình can thiệp giảm tác hại về HIV/AIDS trong các hoạt động can thiệp về phòng, chống mại dâm.
Chính sách hỗ trợ hòa nhập cộng đồng đối với người bán dâm không còn phù hợp với thực tiễn, không thực hiện việc hỗ trợ tập trung tại các Trung tâm nhưng lại chưa có chính sách hỗ trợ, dịch vụ hỗ trợ đối với họ tại cộng đồng, chưa quy định trách nhiệm của chính quyền, các tổ chức xã hội, tổ chức đoàn thể ở cấp xã trong việc tổ chức dịch vụ hỗ trợ; chưa có các dịch vụ mang tính đặc thù phù hợp với đặc điểm xã hội của người bán dâm; chưa có chính sách huy động sự tham gia của các tổ chức xã hội, tổ chức phi Chính phủ vào việc hỗ trợ người bán dâm hòa nhập cộng đồng.
Từ các vấn đề trên, yêu cầu xây dựng một Luật Phòng, chống mại dâm là hết sức cần thiết, làm cơ sở cho việc thực hiện các biện pháp, giải pháp về phòng, chống mại dâm cho phù hợp với thực tiễn hiện nay, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thực hiện tốt các chính sách về bảo trợ xã hội; đảm bảo tính thống nhất, tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật, đặc biệt trong các lĩnh vực liên quan như phòng, chống mại dâm, phòng, chống mua bán người, phòng, chống ma túy và HIV/AIDS.
▪ Cậu ấm, cô chiêu và những vết trượt đầu đời (21/08/2017)
▪ Bảo đảm, hỗ trợ chi phí điều trị nghiện bằng thuốc thay thế (11/08/2017)
▪ Rà soát nhu cầu BHYT cho người nhiễm HIV tại một số tỉnh khó khăn (09/08/2017)
▪ 'Bộ não' của những chuyên án ma túy lớn (04/08/2017)
▪ Điều trị thuốc kháng HIV cho tất cả bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS không kể tình trạng miễn dịch (02/08/2017)
▪ 2 người được nữ giám đốc thuê tiêm máu HIV vào bé trai lĩnh án (26/07/2017)
▪ Bảo hiểm y tế chi trả tiền thuốc kháng HIV (24/07/2017)
▪ Triệt phá đường dây gái gọi cho các đại gia (24/07/2017)
▪ Quản lý thuốc kháng HIV và hỗ trợ chi trả cho người điều trị (21/07/2017)
▪ “Trẻ em với vấn đề phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em” (21/07/2017)