Các hình phạt tội đánh bạc
Các Website khác - 05/01/2006
Hỏi: Đề nghị cho biết theo quy định của pháp luật, người có hành vi đánh bạc bị xử lý như thế nào?
Trả lời: Theo Nghị định số 150/2005/NĐ-CP ngày 12-12-2005 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội, người nào có hành vi đánh bạc thì bị xử phạt hành chính như sau:

- Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi mua số lô, số đề.

- Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với một trong các hành vi: Đánh bạc bằng một trong các hình thức như xóc đĩa, tá lả, tổ tôm, tú lơ khơ, tam cúc, 3 cây, tứ sắc, đỏ đen, cờ thế hoặc các hình thức khác mà được, thua bằng tiền, hiện vật; đánh bạc bằng máy, trò chơi điện tử trái phép; cá cược, cá độ bằng tiền hoặc dưới các hình thức khác trong hoạt động thi đấu thể thao, vui chơi giải trí, các hoạt động khác; bán thơ đề, bán số lô, số đề.

- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: Nhận gửi tiền, cầm đồ, cho vay tại sòng bạc, nơi đánh bạc khác; làm bảo vệ trái phép tại sòng bạc, nơi đánh bạc khác hoặc che giấu việc đánh bạc; làm thơ đề.

- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi tổ chức đánh bạc như: Rủ rê, lôi kéo, tụ tập người khác để đánh bạc; dùng nhà của mình hoặc địa điểm khác để chứa bạc, gá bạc; đặt máy đánh bạc, trò chơi điện tử trái phép; tổ chức hoạt động cá cược ăn tiền.

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi tổ chức đánh đề sau: Làm chủ lô, đề; tổ chức sản xuất, phát hành bảng đề, ấn phẩm khác phục vụ cho việc đánh lô, đề; tổ chức mạng lưới bán số lô, số đề; tổ chức các loại chơi cá cược, cá độ trong hoạt động thi đấu thể dục thể thao, vui chơi giải trí hoặc dưới các hoạt động khác để đánh bạc ăn tiền.

Về trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi đánh bạc, Điều 248 Bộ luật Hình sự quy định như sau: Người nào đánh bạc dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật có giá trị lớn hoặc đã bị xử phạt hành chính hoặc đã bị kết án về một trong các hành vi đánh bạc và tổ chức đánh bạc, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm.

Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp; tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc có giá trị rất lớn hoặc đặc biệt lớn; tái phạm nguy hiểm, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm. Đồng thời, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 30 triệu đồng.

--------------------------

Cá độ qua mạng Internet có bị xử lý hình sự?

Hỏi: Theo luật pháp Việt Nam, người nào cá độ hay đánh bạc thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Vậy nếu cá độ qua mạng Internet, mà người tổ chức cá độ ở một nước khác, thì người tham gia cá độ có bị xử lý về hình sự không?

Trả lời: “Cá độ”, “bắt độ” hay “cá cược”... là những từ dân gian dùng chỉ hành vi dùng tiền hoặc hiện vật để được thua dưới các hình thức mà pháp luật hình sự hiện nay cho là đánh bạc. Điều 248 Bộ luật hình sự về “tội đánh bạc” quy định: Người nào đánh bạc dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật có giá trị lớn hoặc đã bị xử phạt hành chính, hoặc đã bị kết án chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5 - 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng - 3 năm. Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp, hoặc tiền/hiện vật dùng để đánh bạc có giá trị rất lớn thì bị phạt tù từ 2 - 7 năm.

Như vậy, đánh bạc dưới bất kỳ hình thức nào tùy theo mức độ cũng bị xử lý hành chính hoặc hình sự. Tuy nhiên, đánh bạc qua Internet là loại tội phạm qua mạng mới phát triển trong thời gian gần đây mà pháp luật Việt Nam chưa điều chỉnh kịp thời nên chưa xử lý được.

--------------------------

Thời gian phục vụ và cách tính bồi thường chi phí đào tạo đối với cán bộ, công chức

Hỏi: "Cơ quan tôi công tác có một số trường hợp cán bộ công chức được cử đi đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nhưng cũng chính trong thời gian này đã có một số cán bộ tự ý bỏ việc ở cơ quan để đi tìm một công việc khác tốt hơn. Vậy đề nghị cho biết pháp luật nước ta có quy định như thế nào về thời gian yêu cầu phục vụ và cách tính chi phí bồi thường đối với những trường hợp cán bộ công chức được cử đi đào tạo sau đó lại tự ý bỏ việc như trường hợp ở cơ quan tôi?".

Trả lời: Theo Điều 3 Mục III Thông tư số 130/2005/TT-BNV ngày 7-12-2005 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 54/2005/NĐ-CP về chế độ thôi việc, chế độ bồi thường chi phí đào tạo đối với cán bộ, công chức thì:

- Thời gian yêu cầu phục vụ sau khi đã hoàn thành khóa đào tạo được tính gấp 3 lần so với thời gian của khóa đào tạo.

- Công chức, viên chức đang trong thời gian được cử đi đào tạo mà tự ý bỏ việc, đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc ngay thì phải bồi thường toàn bộ chi phí đào tạo của khóa học đó.

- Công chức, viên chức được cử đi nhiều khóa đào tạo không liên tục hoặc trong cùng một thời gian được cử đi nhiều khóa mà trong thời gian đào tạo của một khóa học tự ý bỏ việc, đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc ngay hoặc khi về cơ quan, đơn vị tự ý bỏ việc, đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc thì thời gian để tính chi phí phải bồi thường là tổng cộng thời gian của toàn bộ các khóa học đó so với tổng thời gian làm việc tại cơ quan đơn vị kể từ khi trở về làm việc sau khóa đầu tiên.

Tổng hợp