Cán bộ hải quan buôn lậu bị đề nghị 10-12 năm tù
Các Website khác - 18/10/2005
Tang vật vụ án.

Ngày 18/10, TAND TP HCM đã mở phiên tòa xét xử tiếp vụ nguyên 8 nhân viên kiểm hóa hải quan TP HCM có liên quan trong vụ buôn lậu dây kéo YKK của Công ty TNHH Việt Hùng. Đại diện VKSND thành phố đã đề nghị mức án cho các bị cáo.

Nguyễn Văn Nhơn và Nguyễn Thị Sáu bị đề nghị mức án 10- 12 năm tù; Lê Văn Quang 8-10 năm tù; Trần Quốc Dũng 6-8 năm tù; Mai Trí Dũng 4-6 năm tù; Nguyễn Hoàng Minh và Trương Công Hải 3-5 năm tù cùng về tội buôn lậu. Riêng Phạm Sơn Lâm (Đội phó Đội kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu phi mậu dịch) bị đề nghị 3-5 năm tù về tội thiếu trách nhiệm.... Ngoài ra, VKS cũng đề nghị HĐXX tuyên buộc các bị cáo phải liên đới nộp lại số tiền bất chính trên 213 nghìn USD.

Trước đó, ngày 13 và 14/9 vụ án này ra xét xử nhưng sau đó đã tạm hoãn để triệu tập thêm một số nhân chứng.

Đại diện VKS nhận định, vụ án buôn lậu trốn thuế của Lầu Lý Sáng là 1 trong 3 vụ án đặc biệt nghiêm trọng vào giữa cuối những thập niên 90. Một điều đáng nói là tất cả những vụ án này đều có sự tiếp tay của các cán bộ hải quan cửa khẩu.

Đây là vụ án buôn lậu mặt hàng dây kéo từ Hong Kong vào VN xảy ra từ những năm 1994-1997 do Lầu Lý Sáng, nguyên giám đốc Công ty TNHH Việt Hùng, cầm đầu. Với sự tiếp tay của 8 cán bộ hải quan làm nhiệm vụ kiểm hóa tại cảng Khánh Hội TP HCM.

Theo lời khai của Sáng, để được các nhân viên hải quan ghi thấp số lượng hàng kiểm hóa, Sáng đã chi hơn 213.000 USD tiền bồi dưỡng. Tuy nhiên, vì Lầu Lý Sáng đã chết tháng 4/2005 (vì bệnh hiểm nghèo) nên việc điều tra gặp khó khăn, trong khi đó các nhân viên hải quan không thừa nhận việc nhận tiền. Vụ án đã phải đưa ra xét xử đến lần thứ 3.

Tuy nhiên, những chứng cứ có trong hồ sơ và lời khai của các bị cáo đã cho thấy, các nhân viên hải quan Nguyễn Văn Nhơn và Nguyễn Thị Sáu đã thông đồng với Lầu Lý Sáng ghi thấp số lượng dây khóa kéo nhập khẩu để trốn thuế. Cơ quan điều tra nhận định, quyền lực của Nhơn và Sáu rất lớn. Sau khi chuyển sang bộ phận khác công tác, Nhơn và Sáu vẫn tiếp tục "chỉ đạo" các các bộ hải quan khác tiếp tục "quy trình" cũ. Số thuế nhập khẩu trốn được chia một nửa cho các cán bộ hải quan.

Trả lời thẩm vấn trước đó, đại diện của Công ty Việt Hùng thừa nhận, Lầu Lý Sáng đã chỉ đạo lập 2 hệ thống sổ sách kế toán: một là sổ "pháp lý" dùng trình báo cơ quan thuế kiểm tra, tính thuế. Hệ thống sổ thứ hai phản ánh thực tình hình thu chi tài chính của công ty. Trong đó, có những khoản chi "tiền trà nước", chi "khách hàng". Đại diện VKS công bố bản viết tay của Lầu Lý Sáng mà cơ quan điều tra thu giữ được cũng ghi nhận có các khoản chi "trà nước" cho các cán bộ hải quan.

Ngoài ra, khi được hỏi về quá trình kiểm hóa các lô hàng phi mậu dịch của Công ty Việt Hùng, cũng như tại phiên tòa lần trước, tất cả bị cáo nguyên là nhân viên hải quan đều cho rằng đã làm đúng qui trình kiểm hóa, kiểm đếm đầy đủ.

Theo quy định của Tổng cục hải quan, đối với loại hàng hóa phi mậu dịch (là hàng biếu cá nhân) có nhiều chủng loại khác nhau, không đồng nhất các cán bộ hải quan buộc phải kiểm hóa 100%. Tuy nhiên, tại phiên tòa, các bị cáo khai việc kiểm hóa căn cứ vào quy cách đóng gói thống nhất, chủng loại thống nhất để nhanh chóng kiểm hóa những lô hàng mà trong thực tế phải mất vài ngày.

Nhằm làm rõ thêm vấn đề này, VKS đã gọi một nhân viên hải quan lên hỏi và được anh này thừa nhận: "khi vừa khui thùng hàng ở phía trước thì cán bộ kiểm hóa phía sau đã kiểm hóa xong thùng hàng vừa khui". Công tố viên khẳng định, các bị cáo không hề kiểm hàng mà tự ghi vào phần kiểm hóa theo mục đích của mình nhằm tiếp tay cho Lầu Lý Sáng nhập lậu hàng hóa vào tiêu thụ tại Việt Nam.

Ngày mai, phiên tòa sẽ tiếp tục với phần tranh luận và tuyên án.

N.H.