Chuyển nhượng đất rừng ở Thượng Cửu có nhiều sai phạm
Các Website khác - 29/10/2005
Ủy ban nhân dân xã Thượng Cửu, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ đã tự ý cho lâm trường Xuân Đài thuê quyền sử dụng đất lâm nghiệp gần 40 ha đất, mà không hề lấy ý kiến người dân. Điều này đã khiến người dân địa phương bức xúc.
Mờ ám

Khi thấy công nhân lâm trường Xuân Đài lên phát rừng, dọn thực bì... để chuẩn bị trồng cây nguyên liệu giấy ở khu đồi rừng Tầm Toại và Cáp 1, Cáp 2 (xã Thượng Cửu, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ), nhân dân trong xã đến ngăn cản thì được giải thích đây là đất của lâm trường; xã đã bán cho lâm trường sử dụng. Mọi người lên trụ sở UBND xã thắc mắc thì đậi diện Đảng ủy, HĐND xã đều trả lời không biết. Khi kiểm lâm trạm Tam Cửu lên lập biên bản xử phạt, ông cán bộ địa chính xã mới trả lời: dân không đủ tiền, nên xã đã nhượng lại đất khu vực trên cho lâm trường. Đến lúc này, Đảng ủy xã mới triệu tập họp để ra nghị quyết về việc đã rồi cho... dân chủ! Chuyện lạ đời này có lẽ chỉ có ở Thượng Cửu và nó đang là nguyên nhân gây nên những bức xúc của dân địa phương.

Cụ Hà Văn Sinh, nguyên Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã đã cho xem những tài liệu mà cụ theo dõi, ghi chép từ năm 1986 đến nay. Theo đó, cán bộ xã này đã có những việc làm tiêu cực như sử dụng tài chính, khai thác gỗ rừng trái phép. Tổng diện tích đất rừng xã giao cho người dân 31752,1 ha; vậy mà riêng bảy ông cán bộ xã đã có gần 1800 ha. Trong đó, ông Hùng, Chủ tịch xã có 342,l ha ở khu Cổ Màm, ông Châu, Bí thư xã có 134,9 ha, ông Hải, Phó Chủ tịch HĐND xã có 287,7 ha… Như vậy,hơn 500 hộ dân ở Trường Cửu này còn được bao nhiêu đất để sản xuất?

Chiều 19-10, ông Đinh Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã khẳng định: xã làm việc này theo công văn chỉ đạo của huyện, Nghị quyết Đảng bộ xã. Lãnh đạo xã thống nhất giao toàn bộ việc chuyển nhượng đất rừng cho cán bộ địa chính xã trực tiếp giải quyết. Nhưng khi chúng tôi hỏi đến hiện trạng giao đất và các giấy tờ hợp đồng thì ông Hùng đều trả lời là không biết, hoặc ông Nguyễn Văn Bình (cán bộ địa chính xã Thượng Cửu) giữ, hoặc không thấy ông Bình báo cáo lại. Khi chúng tôi gặp ông Bình; ông khẳng định, tổng diện tích đất tại xóm Tu và xóm Chúa xã giao cho lâm trường là 40 ha, đã nhận tạm ứng 5 triệu đồng và bàn giao cho tài chính xã có phiếu thu hợp lệ.

Ông Nguyễn Văn Bình đưa chúng tôi xem bản hợp đồng "Thuê quyền sử dụng đất lâm nghiệp" ký ngày 7-10-2004 giữa ông Nguyễn Văn Bình và ông Hoàng Văn Vượng, Giám đốc lâm trường Xuân Đài. Trong đó, ông Bình cho lâm trường thuê diện tích đất trống, đồi trọc ở khu vực xóm Tu + xóm Chúa xã Thượng Cửu với diện tích "chưa xác định" (ông Bình giải thích: còn đợi kiểm lâm quy hoạch, thiết kế). Thời hạn cho thuê là 3 chu kỳ trồng cây nguyên liệu giấy (24 năm), với giá hết sức rẻ mạt là 100.000 đồng/ha/chu kỳ (giá chung hiện nay trên địa bàn huyện Thanh Sơn khoảng 1 triệu đồng/ha/chu kỳ).

Tuy nhiên, cũng trong bản hợp đồng "Thuê quyền sử dụng đất lâm nghiệp" do lâm trường Xuân Đài cung cấp, diện tích đất bàn giao được ghi rõ là 40,2 ha cùng phiếu chi thanh toán tiền thuê đất trồng rừng vụ xuân 2005 là 4,2 triệu đồng. ông Bình đã nhận đủ số tiền trên. Khi làm việc với ông Đinh Văn Dũng, cán bộ tài chính xã Thượng Cửu, ông Dũng cho biết ông Bình có lần chuyển qua tài chính xã 5 triệu đồng để trả vào chương trình xây dựng lưới điện hạ thế của xã, nhưng không có quyết định, không có hợp đồng, nên tài chính không có căn cứ để viết phiếu thu. Đó cũng có thể là tiền của nhân dân đóng góp, cũng có thể là tiền của lâm trường ủng hộ?

Lần tìm một hồi lâu, ông Hà Đức Nhuận, Chủ tịch HĐND xã đưa chúng tôi xem văn bản Nghị quyết của Đảng bộ xã về việc chuyển nhượng đất rừng và cho biết: nghị quyết này ra sau ngày lâm trường cho công nhân lên phát rừng, đốt thực bì...

Việc cho lâm trường thuê đất trong khi người dân Thượng Cửu thiếu đất sản xuất, chính quyền xã cũng chẳng được lợi lộc gì. Vậy ai là người được hưởng lợi trong việc chuyển nhượng đất đai lạ lùng này?

Theo phản ánh của người dân, ngay sau khi lâm trường nhận đất, trồng cây, ông Nguyễn Văn Bình người tích cực, nhiệt tình xúc tiến, đẩy nhanh quá trình chuyển nhượng "bỗng dưng" sở hữu một số diện tích đất rừng ở khu đồi Cáp 2 và Tầm Toại. Anh Hà Văn Hương (xóm Cáp, xã Thượng Cửu) cho biết: ông Bình cho người lên đồi Cáp hai trồng cây keo. Tôi hỏi công nhân lâm trường thì họ trả lời đó là đất của ông Bình. Diện tích vạt rừng đó phải lên tới 10 ha. Ông Hà Văn Kỳ, Phó công an xã cũng khẳng định: ông Bình có rừng trồng ở khu vực đồi Tầm Toại.

Việc mua bán đất rừng ở Thượng Cửu rõ ràng có nhiều điều mờ ám, vậy mà những lá đơn kiến nghị của nhân dân trong xã từ nhiều tháng gửi lên các cấp thẩm quyền vẫn không được xem xét, giải quyết dẫn đến những phản ứng tiêu cực trong dân.

Theo Tin tức