72% số lái xe tự nhận có "làm luật"
Kết quả điều tra chi phí của lái xe trên đường cho thấy, ngoài chi phí đương nhiên là xăng dầu chiếm 58,9%, chi phí cầu đường chiếm 13,9% và tiền xử lý an toàn giao thông (ATGT) chiếm 16,2% là cao nhất, gấp nhiều lần so với các chi phí khác như sửa chữa đột xuất, bãi đỗ...
Khi được hỏi về chi phí tiền phạt ATGT 40%, doanh nghiệp (DN) vận tải được khảo sát cho biết họ đã sử dụng hình thức "làm luật", trong khi 90% cho rằng lái xe của họ phải làm việc này. Còn với các lái xe thì tới 72% thừa nhận họ phải làm luật.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Hải Phòng, nhiều DN phải làm luật định kỳ cho các xe của mình, cho dù không vi phạm trực tiếp nhưng đã thành "lệ" nên cứ thế mà tuân thủ. Ngoài ra chi phí cầu đường của các DN Hải Phòng rất cao do hai trạm thu phí cầu đường trên quốc lộ 5 quá gần nhau. Bộ phận khảo sát cũng cho biết, một lái xe từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội đã bị phạt tới 25 lần.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam đặc biệt bức xúc với việc giữ xe tuỳ tiện của các địa phương, không tuân thủ nghị định chung của Chính phủ mà mặc sức vận động theo chỉ đạo của lãnh đạo địa phương.
Ngoài ra, giá xăng dầu liên tục tăng khiến chi phí đầu vào của DN tăng cao, trong khi giá cước không thể tuỳ tiện tăng do sự cạnh tranh gay gắt. Lợi nhuận của DN vận tải ôtô ngày càng eo hẹp. Nhiều lái xe đã dùng những hình thức tiêu cực như chở hàng quá tải, né trạm thu phí... để giảm chi phí.
Có tới 41,7% DN đã chở quá tải với mức tải gấp 2-3 lần trọng tải cho phép. Hậu quả là đường bộ bị phá hỏng nhanh chóng. Mặt khác đây là chiêu thức cạnh tranh không lành mạnh.
Doanh nghiệp không muốn làm sai
Thực tế khảo sát cũng cho thấy, đa số DN vận tải có thiện chí trong việc giải quyết chi phí đầu vào không ngừng tăng hiện nay bằng các hình thức lành mạnh nhằm tăng khả năng cạnh tranh thật sự chứ không đổ hết lên đầu người tiêu dùng bằng cách tăng giá cước.
Chỉ có 50% số DN nhất trí tăng giá cước, trong khi đó có tới 81,3% số DN muốn giảm chi phí. Ngay cả với hình thức giảm chi phí cũng có tới 58,3% số DN thực hiện cách giảm lành mạnh bằng tăng kilômét chạy có khai thác hàng hai chiều.
Cách giảm chi phí bằng chở quá tải chỉ có 41,7% DN thực hiện và biện pháp "làm luật" để giảm bớt chi phí chỉ có 39,6% DN sử dụng. Thực tế này cho thấy số DN không muốn thực thi những biện pháp "đen" mà muốn thực hiện đúng pháp luật. Do vậy những biện pháp cấp thời để giúp các DN giảm những chi phí bất hợp lý, thay vì tăng giá cước dung dưỡng cho những chi phí bất hợp lý đổ lên đầu người tiêu dùng là rất cần thiết.
Chúng ta đã và đang ở trên "đường ray" hội nhập, nếu Nhà nước không có những biện pháp phù hợp để tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, giúp các DN mạnh lên, sẽ làm suy giảm và manh mún hơn các DN vận tải. Điều này đồng nghĩa với sức cạnh tranh yếu và khả năng bị thôn tính thị trường vận tải nội địa là khó tránh.
|