Quyền đại diện cho trẻ em trong thực hiện giao dịch dân sự
Các Website khác - 29/10/2005
Hỏi: Bố mẹ cháu đều đang ở nước ngoài nên giao con cho bà ngoại trông nom. Một lần em cháu đã tự ý bán chiếc xe đạp mà bố mẹ cháu mua cho. Vậy bà ngoại cháu có thể xin chuộc lại tài sản đó không?

(Trần Lệ Hằng, Hà Nam)

Trả lời: Trong trường hợp này, cháu bé đã thực hiện một giao dịch dân sự. Trong khi đó, người từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi khi xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi. Như vậy, nếu cháu chưa đủ 18 tuổi thì giao dịch dân sự do cháu tự ý thực hiện là không có hiệu lực vì không đáp ứng yêu cầu theo quy định tại Điều 131 Bộ luật Dân sự năm 1995 là "Người tham gia giao dịch phải có năng lực hành vi dân sự".

Điều 78 Bộ luật Dân sự năm 1995 quy định: Người giám hộ có quyền đại diện cho người được giám hộ trong việc thực hiện, xác lập giao dịch dân sự. Do cháu bé chưa đủ năng lực hành vi dân sự nên khi xác lập thực hiện các giao dịch dân sự phải được sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật mà ở đây là bà ngoại. Căn cứ vào quy định của pháp luật, bà ngoại hoàn toàn có thể xin chuộc lại chiếc xe (tài sản) mà cháu bé đã tự ý bán.

----------

Không nhất thiết phải thuê luật sư

Hỏi: Tôi muốn thuê luật sư bào chữa cho con tôi trước tòa, nhưng do yêu cầu số tiền quá cao nên tôi không thể đáp ứng. Vậy tôi xin hỏi, tôi muốn nhờ một người khác bào chữa cho con tôi có được không?

(Nguyễn Thị Yến , Quảng Bình)

Trả lời: Theo quy định tại Điều 56 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định về người bào chữa như sau:

Người bào chữa có thể là:

a. Luật sư

b. Người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo;

c) Bào chữa viên nhân dân.

Trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của người bào chữa kèm theo giấy tờ liên quan đến việc bào chữa, cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án phải xem xét, cấp giấy chứng nhận người bào chữa để họ thực hiện việc bào chữa. Nếu từ chối cấp giấy chứng nhận thì phải nêu rõ lý do.

Đối với trường hợp tạm giữ người thì trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được đề nghị của người bào chữa kèm theo giấy tờ liên quan đến việc bào chữa, cơ quan đều ra phải xem xét, cấp giấy chứng nhận người bào chữa để họ thực hiện việc bào chữa. Nếu từ chối cấp giấy chứng nhận thì phải nêu rõ lý do.

Như vậy theo quy định của pháp luật thì không nhất thiết phải thuê luật sư bào chữa cho bị can trong vụ án, mà có thể là người đại diện hợp pháp hoặc bào chữa viên nhân dân.

----------

Quy định về trách nhiệm của vợ chồng trong hôn nhân?

Đáp: Vợ chồng có trách nhiệm yêu thương, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ nhau, cùng nhau xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc bền vững (Điều 18 Luật Hôn nhân và gia đình). Gia đình là nơi hình thành là môi trường nuôi dưỡng nhân cách của mỗi con người. Để gia đình thực sự là tổ ấm thì vợ chồng phải thủy chung gắn bó, yêu thương lẫn nhau, đây không chỉ là bản chất của tình cảm mà còn là đạo lý ý thức của mỗi cá nhân về một gia hình trọn vẹn.

Vợ chồng phải tôn trọng, giữ gìn danh dự, uy tín cho nhau. Cấm vợ chồng có hành vi ngược đãi, hành hạ, xúc phạm đến nhân phẩm, uy tín của nhau (Điều 21 Luật Hôn nhân và gia đình).

Mỗi cá nhân đều có quyền đối với danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình (Điều 71 Hiến pháp 1992, sửa đổi 2001) nên khi kết hôn, không chỉ bảo vệ danh dự cho chính mình mà còn cả đối với vợ, chồng. Pháp luật nghiêm cấm mọi hành vi ngược đãi, hành hạ, xúc phạm đến nhau. Người bị ngược đãi, hành hạ, xúc phạm danh dự có thể khởi kiện hoặc yêu cầu các biện pháp xử lý như xin lỗi, cải chính công khai hay bồi thường thiệt hại... phù hợp với quy định pháp luật hiện hành.

----------

Hỏi: Quy định về nghĩa vụ đối với con riêng?

Đáp: Mối quan hệ con riêng, con chung, cha dượng, mẹ kế từ lâu vẫn là vấn đề phức tạp, tế nhị nhưng không kém phần nan giải trong đời sống gia đình. Xuất phát từ nguyên tắc không phân biệt đối xử giữa các con (con chung, con riêng, con ngoài giá thú) nên Điều 38 Luật Hôn nhân và gia đình quy định:

Bố dượng, mẹ kế có nghĩa vụ và quyền trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con riêng cùng sống với mình, bên cạnh đó còn bảo vệ lợi ích hợp pháp của con, tôn trọng ý kiến của con, để con phát triển lành mạnh về thể chất và trí tuệ, đạo đức... Nếu con đã thành niên nhưng bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình thì cha mẹ có nghĩa vụ nuôi dưỡng, chăm sóc con. Khi cha mẹ xây dựng lại gia đình thì con riêng, con ngoài giá thú vẫn rất cần được bảo vệ, chăm sóc và giáo dục tốt và phải coi quan hệ giữa bố dượng mẹ kế với con riêng cũng như quan hệ cha mẹ con. Nên khi con riêng của vợ ông thiếu nợ hoặc phải thực hiện một nghĩa vụ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì cần căn cứ Điều 611 Bộ luật Dân sự:

- Khi người chưa thành niên dưới 15 tuổi gây thiệt hại, thì cha mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại. Nếu tài sản cha mẹ không đủ để bồi thường mà con người có tài sản riêng thì lấy tài sản này bồi thường phần còn thiếu.

- Khi con từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi gây thiệt hại, nếu có tài sản riêng thì phải chịu trách nhiệm bằng chính tài sản của mình. Chỉ khi nào tài sản riêng của con không đủ để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.

Theo Tổng hợp