Vi phạm tố tụng của chánh án tòa án nhân dân huyện không xử lý?
Các Website khác - 29/10/2005
Tại Tòa án nhân dân huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai, khi xét xử một vụ án dân sự, bà Chánh án TAND ra hai bản án: cùng số, cùng ngày, cùng hội đồng xét xử, cùng một nội dung xử án. Bản án "thứ nhất" có phiên tòa xét xử. Nhưng bản án "thứ hai"không có phiên tòa xét xử, không mời đồng bị đơn tham gia phiên tòa, nhưng vẫn ghi lời khai.
Một phiên tòa, hai bản án

Trong năm 1996, ông Diệp Văn Thạnh - ngụ 74 ấp Trầu, xã Phước Thiền, huyện Nhơn Trạch - tỉnh Đồng Nai có vay của em gái nhiều lần, tổng số tiền là 69 triệu đồng. Đến tháng 1-1997 ông Thạnh mới trả lãi được 23 triệu đồng, không có khả năng trả nợ gốc. Ông Thạnh làm giấy mua bán nhà để làm tin và nhờ bà Mỹ mượn thêm 20 triệu đồng, để trả nợ lãi. Nhưng sau này, ông Thạnh không muốn bán nhà, mà muốn thanh toán nợ gốc 69 triệu đồng cho bà Mỹ. Phía bà Mỹ không đồng ý kiện ra tòa đòi ông Thạnh phải trả gốc và lãi là 139 triệu đồng.

Ngày 27-9-2001, TAND huyện Nhơn Trạch đưa vụ án ra xét xử, đồng thời ra bản án 81/DSST - "thứ nhất" (xin được nhấn mạnh: tại phiên tòa này bên bị đơn chỉ có một mình ông Diệp Văn Thạnh) do bà Phạm Thị Phú - Chánh án, Chủ tọa ký tên; với nội dung: buộc ông Thạnh phải trả cho bà Mỹ tổng số tiền là 127 triệu đồng.

Ngày 22-10-2001 bà chánh án lại ký giấy triệu tập (không số) ông Diệp Văn Thạnh có mặt tại tòa 8 giờ ngày 24-10-2001, và trao cho ông Thạnh thêm một bản án sơ thẩm "thứ hai". Tất cả cùng số 81/DSST, cùng ngày 27-09-2001, cùng Hội đồng xử án, cùng Chủ tọa Phạm Thị Phú ký tên, cùng một nội dung vụ việc... nhưng có thêm đồng bị đơn là bà Phạm Thị Mến (vợ của ông Thạnh) và ghi cả lời khai của bà Mến trước tòa. Cho đến ngày hôm nay, bà Mến vẫn nói: bà không được tham gia phiên tòa xét xử. Vậy tại sao lại có bản án sơ thẩm buộc: bà, cùng chồng phải trả nợ cho bà Mỹ???

Ông Thạnh thì khẳng định: Tòa không lấy lời khai, không mời vợ tôi hòa giải và không cho vợ tôi tham gia phiên tòa!!! Ngay bản án phúc thẩm số 167/DSPT ngày 25-12-2001, do Thẩm phán Trịnh Hoa Công ký đã nhận định: "Xét ngay từ khi thụ lý cấp sơ thẩm đã vi phạm tố tụng. Đưa bà Mên tham gia tố tụng, nhưng không lấy lời khai, không tham gia hòa giải và không triệu tập đến tòa. Đặc biệt là ra hai bản án cho một vụ kiện. Xét những vi phạm trên là nghiêm trọng, cấp phúc thẩm không thể khắc phục được".

Cưỡng bức đương sự điểm chỉ vào biên bản hòa giải

Tháng 2-2002, ông Phạm Văn Kim và bà Trần Thị Lương ngụ khu 5, xã Phú Hữu, huyện Nhơn Trạch - tỉnh Đồng Nai có chuyển nhượng cho ông Vương Kim Hướng (ngụ ấp Phước Lý, xã Đại Lộc, huyện Nhơn Trạch - Đồng Nai) 48.160m2 đất ruộng (theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do UBND huyện Nhơn Trạch cấp 1997) với giá thỏa thuận 818 triệu đồng. Nhưng đến đầu năm 2004, ông Hướng kiện ông Kim và bà Lương ra tòa, với lý do: sau khi đo đạc thực tế, thiếu 17.121m2 đất. TAND huyện Nhơn Trạch đưa vụ án ra xét xử, căn cứ lý do: UBND huyện cấp giấy CNQSDĐ cho ông Kim đã "cấp nhầm" thửa của nhiều người khác; nên buộc ông Kim và bà Lương phải trả cho ông Hướng số tiền là 451 triệu đồng.

Ở đây, không bàn tới nội dung bản án, mà chúng tôi nói đến quá trình giải quyết vụ án. Ông Phạm Văn Kim tố cáo: Khi chủ trì hòa giải (trước phiên tòa xét xử) bà chánh án - Phạm Thị Phú, đã luôn đập bàn đe dọa: sẽ bắt nhốt, nếu ông không điểm chỉ vào biên bản. Tôi nhất định không chịu điểm chỉ (ông Kim mù chữ, và bị điếc) vì các cấp chính quyền "cấp nhầm" thửa đất của tôi,... Bà chánh án Phạm Thị Phú đã ra lệnh cho thư ký, cầm tay tôi ấn vào mực đỏ, và ấn vào điểm chỉ trên biên bản hòa giải tự nguyện trả nợ. Như vậy, bà chánh án đã vi phạm pháp luật về: Lạm dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ.

Người dân đã làm đơn tố cáo những hành vi vi phạm tố tụng của bà chánh án TAND huyện Nhơn Trạch đến các cấp có thẩm quyền tại địa phương, nhưng cho đến nay vẫn không ai đứng ra giải quyết. Từ những chứng cứ nói trên, sự vi phạm tố tụng là hết sức rõ ràng, đề nghị các cơ quan chức năng cần sớm cho điều tra, kết luận và có biện pháp xử lý đối với bà Phạm Thị Phú, chánh án TAND huyện Nhơn Trạch, để bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật.

Theo Theo Đời sống và Pháp luật