Chuyển tiền cho người thừa kế
Các Website khác - 20/12/2005
Hỏi: Người Việt Nam định cư ở nước ngoài được hưởng thừa kế tại Việt Nam. Người đại diện cho người thừa kế ở nước ngoài được phép chuyển bao nhiêu ngoại tệ và phải làm thủ tục gì?

Trả lời: Công dân Việt Nam đại diện cho người thừa kế ở nước ngoài liên hệ với ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố nơi công dân đó cư ngụ để làm thủ tục chuyển, mang ngoại tệ trên cơ sở nộp các giấy tờ sau: đơn xin chuyển ngoại tệ; bản chính hoặc bản sao công chứng văn bản của cơ quan có thẩm quyền về việc chia thừa kế hoặc di chúc, văn bản thỏa thuận giữa những người thừa kế hợp pháp; văn bản ủy quyền của người thừa kế (có công chứng, chứng thực) hoặc tài liệu chứng minh tư cách đại diện theo pháp luật của người xin chuyển, mang ngoại tệ; bản sao giấy chứng minh nhân dân (đối với trường hợp xin chuyển ngoại tệ).

Công dân Việt Nam đại diện cho người thừa kế ở nước ngoài được chuyển mang mỗi năm tối đa cũng không quá 10.000 USD, hoặc 20% số tiền nếu tổng số tiền thừa kế lớn hơn 50.000 USD.

Trường hợp số tiền xin chuyển, mang lớn hơn 50.000 USD, công dân Việt Nam phải xuất trình giấy tờ chứng minh thực có số tiền xin chuyển cho mục đích thừa kế. Số tiền còn lại (bằng đồng Việt Nam hoặc ngoại tệ), công dân Việt Nam được gửi vào ngân hàng được phép để chuyển dần (bao gồm gốc và lãi phát sinh) trong các năm tiếp theo, theo phương thức Lệnh chuyển tiền định kỳ đã được thỏa thuận giữa ngân hàng được phép và người có yêu cầu chuyển ngoại tệ, nhưng mỗi năm tối đa không quá mức quy định trên.

-------------------

Thực hiện Hiệp định tránh đánh thuế hai lần

Hỏi: Doanh nghiệp chúng tôi có ký kết hợp đồng với nhà thầu nước ngoài tại nước đã có hiệp định tránh đánh thuế hai lần. Khi đàm phán, đối tác nước ngoài có yêu cầu được nộp thuế tại nước của họ và khấu trừ miễn giảm số thuế tại Việt Nam, như vậy có được không? Nếu được thì thủ tục thực hiện như thế nào?

Trả lời: Theo quy định tại Mục II, phần B Thông tư số 133/2004/TT-BTC ngày 31/12/2004 của Bộ tài chính hướng dẫn thực hiện các Hiệp định tránh đánh thuế hai lần đối với các loại thuế đánh vào thu nhập và tài sản giữa Việt Nam với các nước có hiệu lực thi hành tại Việt Nam thì thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp (bao gồm doanh nghiệp nước ngoài thành lập pháp nhân ở Việt Nam và doanh nghiệp không thành lập pháp nhân tại Việt Nam nhưng có cơ sở thường trú tại Việt Nam) của nước ký kết hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam, phải nộp thuế tại Việt Nam. Do vậy, nếu nhà thầu nước ngoài thuộc đối tượng trên thì phải thực hiện nộp tại Việt Nam không được phép nộp ở nước ngoài.

-----------------

Nghĩa vụ của người nhận khoán đất rừng

Hỏi: Gia đình tôi và một số gia đình khác đã nhận khoán đất rừng của lâm trường Sóc Sơn (ngoại thành Hà Nội). Xin hỏi Nhà nước có những quy định về nghĩa vụ của người nhận khoán đất rừng như thế nào?

Trả lời: Gần đây nhất, ngày 8-11-2005, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 135/2005/NĐ-CP về việc giao khoán đất nông nghiệp, đất rừng sản xuất và đất có mặt nước nuôi trồng thuỷ sản trong các nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh. Điều 10 của Nghị định này có quy định về nghĩa vụ và quyền của bên nhận khoán, trong đó, về nghĩa vụ của bên nhận khoán có 5 điểm cụ thể như sau:

- Sử dụng đất, rừng nhận khoán đúng mục đích, đúng quy hoạch; chịu sự hướng dẫn, kiểm tra, giám sát của bên giao khoán về kế hoạch sản xuất, quy trình kỹ thuật và chất lượng sản phẩm trong quá trình nhận khoán;

- Thanh toán các khoản chi phí sản xuất, dịch vụ cho bên giao khoán theo hợp đồng đã ký;

- Nếu vi phạm hợp đồng gây thiệt hại cho bên giao khoán thì bị huỷ hợp đồng khoán và phải bồi thường theo mức độ thiệt hại;

- Trả lại đất và rừng nhận khoán khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi đất theo quy định của pháp luật về đất đai;

- Thực hiện đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ của người lao động đối với chủ sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về lao động.

Mong rằng câu trả lời này đáp ứng được yêu cầu của hộ gia đình ông và các hộ gia đình khoán ở huyện Sóc Sơn.

----------------

Quy định về cấm kinh doanh đồ chơi có hại cho trẻ em

Hỏi: Đối với đồ chơi có hại cho trẻ em, Nhà nước có quy định nào cấm sản xuất, lưu hành đồ chơi không?

Trả lời: Theo quy định tại Nghị định 03/2000/NĐ-CP ngày 3-2-2000 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp thì "kinh doanh đồ chơi có hại cho giáo dục nhân cách, sức khỏe của trẻ em hoặc ảnh hưởng tới an ninh, trật tự an toàn xã hội" là loại ngành nghề pháp luật Việt Nam cấm kinh doanh.

Quyết định số 28/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách mặt hàng và điều hành công tác xuất nhập khẩu năm 1997 đã quy định về danh mục mặt hàng cấm nhập khẩu, trong đó cấm nhập khẩu đồ chơi trẻ em có ảnh hưởng xấu đến giáo dục nhân cách, đến trật tự, an toàn xã hội. Sau đó, Bộ Công an đã ra Quyết định số 464/BNV ban hành danh mục các loại đồ chơi nguy hiểm bị cấm, bao gồm:

- Các loại đồ chơi có hình dáng giống như các loại súng trường, súng tiểu liên, súng ngắn; súng nén hơi, nén lò xo bắn đạn nhựa hoặc đạn các loại; súng bắn phun nước, bắn phát quang hoặc bắn gây nổ;

- Các loại kiếm, mác, lưỡi lê, dao găm, cung, nỏ làm bằng gỗ, tre, nhựa, giấy nén;

- Các loại bật lửa có hình dáng quả lựu đạn hoặc hình dáng súng ngắn. Để xử lý nghiêm những hành vi sản xuất, nhập khẩu, sao lại, tàng trữ và lưu hành những văn hóa phẩm, đồ chơi có hại cho việc giáo dục trẻ em. Theo quy định, các đồ chơi này khi phát hiện còn bị thu giữ và tiêu huỷ.

Tổng hợp