Không còn nỗi lo phí đầu năm?
Luật Giáo dục năm 2005 đưa tất cả các khoản tiền đóng góp của người học vào một khoản gọi là "học phí". Ngoài học phí và lệ phí tuyển sinh, người học hoặc gia đình người học không phải đóng góp khoản tiền nào khác.
Hiện tại (học kỳ 1) vấn đề thu học phí trong nhà trường vẫn như cũ. Tuy nhiên, sang học kỳ 2, khi Luật Giáo dục (sửa đổi) được áp dụng, nhà trường sẽ được hướng dẫn ra sao để vừa bảo đảm được các nguồn lực trong kế hoạch đầu tư cho giáo dục và bảo đảm việc thu học phí theo đúng luật? Với quy định này liệu có giảm được những ám ảnh của các bậc phụ huynh về những khoản thu "tự nguyện" ngoài học phí vào đầu mỗi năm học?
Bỏ thi tốt nghiệp THCS - thêm một kỳ thi vào lớp 10?
Cũng theo Luật Giáo dục (sửa đổi), từ năm 2006 sẽ không còn kỳ thi tốt nghiệp THCS. Học sinh học hết chương trình, đạt yêu cầu sẽ được cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp THCS. Vấn đề nảy sinh là, vào lớp 10 các em sẽ được tuyển theo hình thức nào để vừa công bằng, vừa đảm bảo chất lượng?
Thi hay xét tuyển hoặc vừa thi vừa xét tuyển là phương án được xem là tối ưu để các địa phương lựa chọn. Trước đây, khi còn kỳ thi tốt nghiệp THCS, phần lớn các địa phương đều xét tuyển trên cơ sở điểm thi của kỳ thi tốt nghiệp.
Dư luận lo ngại rằng, thêm một kỳ thi vào lớp 10 vô hình trung chúng ta đã không bỏ kỳ thi nào, sự căng thẳng và tốn kém không hề giảm. Thậm chí còn "hứa hẹn" một cơ hội dạy thêm, học thêm và luyện thi vào THPT cam go không kém kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ.
Và nữa, nếu chỉ xét tuyển thì bằng tốt nghiệp THCS của các em liệu có bảo đảm đúng chất lượng, liệu có tiêu cực phát sinh khi mà thầy vừa ra đề vừa chấm bài của học sinh mình, nói cách khác đó là tình trạng "vừa đá bóng vừa thổi còi"? Nỗi lo trên không phải là không có cơ sở trước căn bệnh thành tích của ngành giáo dục những năm qua.
Trường tư: số lượng và chất lượng có đồng hành?
Theo quy định mới, các trường dân lập, tư thục có nhiệm vụ và quyền hạn được khẳng định như trường công lập trong việc thực hiện mục tiêu, nội dung, chương trình, học tập thi cử, văn bằng... ngang nhau trong hệ thống giáo dục quốc dân. Luật Giáo dục (sửa đổi) dành hẳn Mục 4 gồm 4 điều với nhiều quy định cụ thể nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân tự mở trường ngoài công lập.
Đây là một chủ trương đúng đắn của Đảng góp phần phát triển mục tiêu xã hội hóa giáo dục. Điều băn khoăn là bên cạnh những ưu đãi để phát triển các trường ngoài công lập liệu số lượng có đi cùng chất lượng. Bởi đến nay, sau 15 - 16 năm hoạt động, những trường khẳng định được thương hiệu của mình chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Chưa kể tới một vài "sự cố" trong nội bộ các trường đã khiến không ít thí sinh lao đao.
Hy vọng trong một tương lai không xa, khi khoảng cách giữa trường công và trường tư sẽ được xóa nhòa bởi mặt bằng chất lượng thì mục tiêu này mới thực sự hiệu quả. Muốn vậy bên cạnh những chế độ ưu đãi là những biện pháp kiểm soát chất lượng, bằng không sự kỳ vọng của ngành giáo dục sẽ chỉ là một mục tiêu xa vời.
Năm 2006, có phải sửa đổi Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ?
Trong Luật Giáo dục năm 2005 và dự thảo hướng dẫn luật trong quy định ưu tiên khu vực chỉ có ưu tiên cho những thí sinh sống ở những vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn. Như vậy, theo quy định của Chính phủ, chỉ có thí sinh hơn 3.000 xã trong toàn quốc được hưởng chế độ ưu tiên trong tuyển sinh, còn thí sinh thuộc các vùng khó khăn như KV1, KV2, KV3 nông thôn sẽ không được ưu tiên.
Trong khi đó, hàng năm số lượng thí sinh thuộc diện này chiếm tới 82% trong tổng số thí sinh dự thi: Khoảng cách điểm chênh lệch giữa đối tượng thuộc KV3 (khu vực thành thị), với đối tượng được ưu tiên cao nhất là 3,5 điểm.
Theo kiến nghị của những người soạn thảo Quy chế tuyển sinh thì Nghị định hướng dẫn Luật Giáo dục năm 2005 cần phải bổ sung đối tượng ưu tiên này vào văn bản nhằm đảm bảo sự công bằng cho thí sinh. Vả lại, đây là một quy định có từ vài chục năm nay, đã đi vào ổn định.
Chế độ cử tuyển có đúng người, đúng địa chỉ?
Điều này được sửa đổi, bổ sung quy định việc Nhà nước dành riêng chỉ tiêu cử tuyển đối với những dân tộc thiểu số chưa có hoặc có rất ít cán bộ có trình độ ĐH, CĐ, trung cấp và có chính sách tạo nguồn tuyển sinh nhằm tăng cán bộ cho các vùng này. Việc cử tuyển được giao cho UBND cấp tỉnh căn cứ vào nhu cầu địa phương, có trách nhiệm đề xuất chỉ tiêu cử tuyển, phân bổ chỉ tiêu cử tuyển phù hợp, cử người đi học cử tuyển theo đúng chỉ tiêu được duyệt và tiêu chuẩn quy định, có trách nhiệm phân công công tác cho người được cử đi học sau khi tốt nghiệp.
Tuy nhiên, từ nhiều năm qua, chế độ ưu việt này đã phát sinh không ít tiêu cực khi mà đối tượng này đã không đúng người, không đúng địa chỉ. Phần lớn nguồn tuyển từ các trường dân tộc nội trú lại rơi vào những dân tộc chiếm số đông, dân tộc thiểu số hầu như không có. Vì thế với những vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn cần có một kế hoạch dài hơi để tăng nguồn tuyển từ các trường nội trú và các khóa dự bị đại học.
|