Hiểu thế nào là người Việt Nam định cư ở nước ngoài?
Thực tiễn giải quyết án dân sự có yếu tố nước ngoài cho thấy, việc xác định thế nào là "người Việt Nam định cư ở nước ngoài" rất khó. Theo quy định của Luật Quốc tịch thì "'Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam cư trú, làm ăn sinh sống lâu dài ở nước ngoài" (khoản 2 Điều 4 Luật Quốc tịch). Vậy thời hạn bao lâu thì được xác định là lâu dài? Trường hợp người Việt Nam đi công tác, học tập hoặc du lịch nhưng họ không về nước khi hết thời hạn có được coi là người Việt Nam định cư ở nước ngoài hay không? Vấn đề này đã được ngành Tòa án đưa ra thảo luận lấy ý kiến, hiện có nhiều quan điểm khác nhau và vẫn chưa thống nhất đường lối giải quyết nên cách hiểu và áp dụng ở các tòa chưa thống nhất. Điều này cũng ảnh hưởng đến việc xác định thẩm quyền giải quyết của Tòa án cấp tỉnh hay cấp huyện.
Cũng chính vì quy định này mà hiện nay đối với các giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 1-7-1991 mà có yếu tố nước ngoài thì Tòa án chưa thụ lý giải quyết, trường hợp đã thụ lý rồi thì Tòa án tạm đình chỉ chờ hướng dẫn mới (theo Nghị quyết 58/1998/NQ-UBTVQH/QH10 và Thông tư liên tịch số 01 hướng dẫn thi hành Nghị quyết này). Thực tế, có nhiều vụ án TAND cấp tỉnh đã thụ lý giải quyết và ra quyết định tạm đình chỉ khi xác định có người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã bị TANDTC hủy để xác định đương sự có "định cư" ở nước ngoài hay không. Việc xác định vấn đề này hết sức khó khăn, đến nay chưa có văn bản hướng dẫn cơ quan nào có thẩm quyền xác định và cung cấp cho Tòa án.
Hiệp định Tương trợ tư pháp - Nhiều vướng mắc trong thực hiện ủy thác tư pháp
Thực tế, những việc mà Tòa án Việt Nam ủy thác tư pháp cho Tòa án nước ngoài kết quả trả lời thường rất chậm, thậm chí nhiều trường hợp không nhận được sự trả lời, ngay cả đối với các nước mà Tòa án đã ký kết và gia nhập điều ước quốc tế. Chính vì vậy việc lấy lời khai, tống đạt các văn bản của Tòa án hoặc xác định tài sản ở nước ngoài là không thực hiện được làm cho vụ án kéo dài, vi phạm thời hạn xét xử.
Đơn cử việc giải quyết án ly hôn có yếu tố nước ngoài, nhiều vụ không thể thụ lý giải quyết do công dân Việt Nam xin ly hôn chỉ cung cấp cho Tòa án bản đăng ký kết hôn có địa chỉ của bên kia, ngoài ra không có một thông tin nào khác. Trước đây, những trường hợp này sau hai lần Tòa án ủy thác tư pháp qua Bộ Tư pháp, cơ quan lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài và Tòa án nước ngoài điều tra tống đạt nhưng hết thời hạn sáu tháng không có kết quả trả lời Tòa án phải tạm đình chỉ vì không tìm được hoặc không có lời khai của bị đơn. Điều này dẫn đến thực tế nhiều cuộc hôn nhân chỉ mang tính hình thức vẫn bị kéo dài ảnh hưởng đến cuộc sống vật chất cũng như tinh thần của nguyên đơn.
Ông Tạ Quốc Hùng - Phó Chánh án TAND tỉnh Hà Tây cho biết: Mặc dù TANDTC đã ban hành Nghị quyết 01/2003/HĐTP có hướng dẫn: Với những trường hợp công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài nhưng người nước ngoài đã về nước mà không liên hệ với công dân Việt Nam, nay công dân Việt Nam xin ly hôn thì Tòa án thụ lý giải quyết nhưng thực tế, các Tòa án không phải sau khi thụ lý một vài tháng là có thể đưa ra xét xử, mà vẫn phải tiến hành điều tra, xác minh và ủy thác tư pháp, đến khi không có kết quả trả lời từ phía cơ quan nhận ủy thác tư pháp thì Tòa mới xử cho ly hôn, do đó, các vụ án vẫn kéo dài. Bên cạnh đó thủ tục hợp thức hóa lãnh sự đối với các việc mà Tòa án Việt Nam yêu cầu thì nhiều Tòa án nước ngoài chưa đáp ứng kịp thời cũng gây khó khăn cho việc xét xử.
Và một số bất cập khác
Rất nhiều vụ án trở nên phức tạp do chính sự bất cẩn của chính nguyên đơn khi họ không tìm hiểu kỹ "đối tác" của mình (về nhân thân, địa chỉ...). Điều này không chỉ khiến họ phải gánh chịu thiệt thòi mà còn gây khó khăn, tốn kém về thời gian, công sức cho Tòa án. Cũng có những vụ án gặp vướng do ý thức pháp luật của bị đơn - chẳng hạn bị đơn bỏ về nước trốn tránh nghĩa vụ ra tòa - Tòa án rất khó có biện pháp bắt buộc triệu họ về Việt Nam để tham gia vụ kiện.
Trình độ thẩm phán cũng còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu hiện nay. Do không được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức thường xuyên nên nhiều thẩm phán không nắm vững, không thường xuyên cập nhật được chuyên môn của tư pháp quốc tế. Mặt khác, nhìn chung trình độ ngoại ngữ của đội ngũ thẩm phán còn hạn chế, rất khó khăn trong việc tiếp cận với pháp luật nước ngoài cũng như khi tiến hành tố tụng trong những vụ án có công dân nước ngoài, pháp nhân nước ngoài. Hơn nữa, việc mời phiên dịch trong những vụ án này cũng gặp nhiều khó khăn phiền toái khi chúng ta chưa có quy định rõ cơ quan nào có trách nhiệm làm phiên dịch cũng như chi phí của việc mời phiên dịch sẽ được tính dựa trên tiêu chí nào...
|