Mới đây, một số bị cáo là công chức ngành Hải quan bị toà sơ thẩm tuyên "án treo" trong vụ án buôn lậu và trốn thuế xảy ra tại Công ty Đông Nam. Họ có bị kỷ luật buộc thôi việc hay không? Cơ quan, tổ chức nơi cán bộ công chức làm việc phải làm gì trong việc giám sát, giáo dục để bảo đảm ý nghĩa của án treo? Có nên sửa đổi Nghị định của Chính phủ về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức?
Trước những vướng mắc trong xử lý kỷ luật đối với một số cán bộ ngành Hải quan bị tuyên án phạt tù nhưng được hưởng án treo, Tổng cục Hải quan đã có Công văn số 98 TCHQ/TCCB ngày 10-1-2005 hỏi ý kiến một số cơ quan chức năng.
Trả lời Công văn của Tổng cục Hải quan, TAND tối cao đã viện dẫn Nghị định số 61/2000/NĐ-CP ngày 30-10-2000 của Chính phủ quy định việc thi hành án phạt tù cho hưởng án treo. Theo khoản 1 Điều 5 Nghị định này thì "Người được hưởng án treo là cán bộ, công chức, quân nhân, công nhân quốc phòng, người lao động làm công ăn lương, nếu được tiếp tục làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị quân đội nơi mình làm việc trước khi phạm tội thì được bố trí công việc phù hợp với yêu cầu, mục đích giám sát, giáo dục và được hưởng chế độ của cán bộ, công chức, quân nhân, người lao động làm công ăn lương theo công việc mà mình đảm nhiệm".
Tại Điều 11 tiếp tục quy định: "Trong trường hợp người được hưởng án treo chuyển đi nơi khác thì cơ quan, tổ chức giám sát, giáo dục có trách nhiệm thông báo ngay cho Tòa án đã ra quyết định thi hành án kèm theo hồ sơ của người đó để Tòa án làm thủ tục cần thiết giao cho cơ quan, tổ chức nơi người được hưởng án treo chuyển đến tiếp tục giám sát, giáo dục". Theo quan điểm của TAND tối cao thì Tổng cục Hải quan có thể nghiên cứu các quy định này để thực hiện.
Trong trả lời Tổng cục Hải quan, bên cạnh việc viện dẫn khoản 1 Điều 5 Nghị định 61 trên đây, Bộ Tư pháp còn viện dẫn khoản 2 Điều 60 của Bộ luật Hình sự quy định về án treo: "Trong thời gian thử thách, Tòa án giao người được hưởng án treo cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi người đó thường trú để giám sát và giáo dục. Gia đình người bị kết án có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục người đó".
Quan điểm của Bộ Tư pháp cho rằng theo tinh thần trên đây, người bị kết án đã được Tòa án giao cho cơ quan Hải quan nơi người đó làm việc để giám sát, giáo dục thì cơ quan không được xử lý kỷ luật chuyển người đó ra khỏi ngành mà phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm và quyền hạn quy định tại Điều 7 Nghị định số 61/NĐ-CP ngày 30-10-2000 của Chính phủ quy định việc thi hành hình phạt tù cho hưởng án treo.
Về sau, ngày 17-3-2005, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 35/2005/NĐ - CP về việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức. Tổng cục Hải quan căn cứ vào Điều 25 Nghị định này và cho rằng cán bộ, công chức vi phạm, đã bị Tòa án tuyên phạt tù cho hưởng án treo, có thể áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi việc và cho rằng: để tạo cơ hội cho các cán bộ, công chức này có điều kiện xin việc tại các ngành khác hoặc được hưởng quyền lợi theo chế độ thôi việc, Tổng cục Hải quan đã nêu ý kiến của Bộ Tài chính chỉ đạo hướng xử lý: Trong thời hạn ba tháng kể từ khi bản án có hiệu lực, nếu công chức vi phạm thuộc diện nêu trên có đơn xin chuyển ngành hoặc có đơn xin thôi việc thì giải quyết theo thủ tục chuyển ngành hoặc cho thôi việc theo đơn. Nếu quá thời hạn trên mà công chức không chuyển ngành hoặc không có đơn xin thôi việc thì áp dụng kỷ luật buộc thôi việc.
Như vậy, nếu cán bộ, công chức bị tuyên án phạt tù nhưng được hưởng án treo, đương nhiên phải ra khỏi ngành Hải quan, (hoặc là xin chuyển ngành, hoặc là sẽ bị kỷ luật buộc thôi việc). Trên thực tế, với mỗi cán bộ, công chức bị án phạt tù nhưng được hưởng án treo thì việc xin chuyển ngành là không dễ dàng, khi hết thời hạn ba tháng mà chưa chuyển khỏi ngành thì đương nhiên sẽ bị kỷ luật buộc thôi việc.
Với thí dụ cụ thể trên đây, có ý kiến cho rằng án treo, bản chất là án phạt tù, vì vậy khi cán bộ, công chức bị tuyên án phạt tù nhưng cho hưởng án treo thì việc áp dụng Nghị định 35 của Chính phủ với hình thức kỷ luật buộc thôi việc là đúng đắn. Việc tạo điều kiện để cán bộ, công chức chuyển khỏi ngành là tạo điều kiện có lợi hơn cho cán bộ, công chức. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù nhưng có điều kiện, mức độ vi phạm ít nghiêm trọng. Việc áp dụng hình thức kỷ luật họ phải được thực hiện thông qua Hội đồng kỷ luật theo quy định tại Nghị định 35. Việc áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi việc là quá nặng.
Chúng tôi cho rằng, với cán bộ, công chức bị tuyên án phạt tù đương nhiên bị buộc thôi việc là hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, nếu bị án phạt tù nhưng được hưởng án treo thì mức độ phạm tội nhẹ hơn rất nhiều Bộ luật Hình sự năm 1999 đã quy định: "Trong thời gian thử thách, Tòa án giao người được hưởng án treo cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi người đó thường trú để giám sát và giáo dục...".
Như vậy cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc cán bố trí công việc khác cho người đó và có trách nhiệm giám sát, giáo dục họ. Chỉ có như vậy thì biện pháp án treo mới thực sự có ý nghĩa. Nghị định số 35 vừa được ban hành, tuy nhiên cũng nên nghiên cứu để bổ sung quy định kỷ luật trong trường hợp cán bộ, công chức bị án phạt tù nhưng cho hưởng án treo sao cho phù hợp và bảo đảm các văn bản được áp dụng thống nhất.
|