Nghị định về Quy chế khu đô thị mới
Các Website khác - 13/01/2006
Các chủ dự án bất động sản
sẽ kinh doanh nghiêm túc hơn.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 02/2006/NĐ-CP về Quy chế khu đô thị mới. Trong đó có hai quy định quan trọng là: Nghiêm cấm việc sử dụng dự án nhà ở chưa triển khai đầu tư để huy động, chiếm dụng vốn của người mua nhà dưới mọi hình thức và không được bán nhà trước khi triển khai dự án.
Theo Nghị định, chủ đầu tư dự án khu đô thị mới phải bảo đảm có đủ các điều kiện sau: Chủ đầu tư phải là doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh về đầu tư, kinh doanh bất động sản, có vốn đầu tư thuộc sở hữu của chủ đầu tư tham gia vào dự án không nhỏ hơn 20% tổng mức vốn đầu tư của dự án. Việc chỉ định chủ đầu tư dự án khu đô thị mới phải được thực hiện thông qua thẩm định dự án.

Dự án khu đô thị mới được lập phải có quy mô chiếm đất từ 50 ha trở lên. Trường hợp diện tích đất để dành cho dự án nằm trong quy hoạch đất đô thị nhưng bị hạn chế bởi các dự án khác hoặc bởi khu đô thị đang tồn tại thì cho phép lập khu đô thị mới có quy mô chiếm đất dưới 50 ha nhưng không nhỏ hơn 20 ha.

Nghị định còn quy định chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm chất lượng các công trình xây dựng thuộc dự án của mình theo các quy định của pháp luật về xây dựng. Chủ đầu tư dự án khu đô thị mới có quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc cho thuê lại đất phù hợp với dự án đã được phê duyệt theo quy định của pháp luật về đất đai. Chủ đầu tư được chuyên giao công trình cơ sở hạ tầng cho Nhà nước và được lựa chọn chủ đầu tư cấp 2 thuộc dự án khu đô thị mới thông qua đấu thầu hoặc chỉ định thầu.

Theo các trung tâm môi giới giao dịch bất động sản ở TP Hồ Chí Minh, khoảng 70% các dự án bất động sản trên địa bàn đang rao bán các căn hộ chung cư cao tầng trên bản vẽ thiết kế của dự án để huy động vốn đầu tư theo phương thức sử dụng vốn ứng trước của người mua căn hộ đã xây dựng công trình mà không phải trả tiền lãi.

Một số chủ đầu tư chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do cấp có thẩm quyền cấp, chỉ mới có quyết định giao đất của UBND cấp tỉnh, thậm chí dự án còn chưa có đủ thủ tục thu hồi, giao đất, nhưng đã rao bán, nhận tiền đặt cọc, do đó đã xảy ra nhiều trục trặc, người mua căn hộ khiếu kiện tùm lum do họ phải chờ đợi rất lâu (có dự án kéo dài hơn ba năm từ khi nộp toàn bộ tiền mua căn hộ) mà chưa có Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất.

Đa số các chủ đầu tư dự án bất động sản đều sử dụng hình thức chiếm dụng vốn của khách hàng dưới dạng trả tiền theo tiến độ xây dựng công trình (ít nhất là trong hai năm): ngay khi ký hợp đồng đặt cọc người mua đã phải nộp 15% đến 20% giá bán căn hộ, sau đó sẽ thanh toán từng đợt (từ 20-30%) theo tiến độ thi công công trình (hoàn thành phần móng, xây xong tầng trệt... hoàn tất xây dựng tòa nhà, bàn giao căn hộ). Khi chủ đầu tư chuyển Giấy chủ quyền sở hữu căn hộ thì người mua nhà đóng nốt số tiền còn lại (5-10% giá bán căn hộ).

Theo Sở kế hoạch - đầu tư TP Hồ Chí Minh, một số chủ đầu tư dự án bất động sản đã ký hợp đồng với những công ty tư vấn (tư vấn lập dự án, khảo sát thiết kế, lập dự toán, hồ sơ đấu thầu...) năng lực yếu, chất lượng tư vấn thấp làm cho dự án thực hiện rất chậm (do phải chỉnh sửa nhiều lần, công việc khảo sát thiết kế chưa chính xác làm mất nhiều thời gian giải quyết các vấn đề phát sinh, dẫn đến phải điều chỉnh thiết kế dự toán và điều chỉnh dự án) so với thời gian đã cam kết trong hợp đồng bán căn hộ cho người dân. Đây cũng là một nguyên nhân dẫn đến việc chủ đầu tư tiếp tục chiếm dụng vốn (kéo dài thêm thời gian giao nhà) của người mua căn hộ trong các dự án.

Như vậy, theo giới kinh doanh dự án bất động sản, những chủ đầu tư dự án BĐS chỉ có vốn vài trăm triệu đồng, nhờ "đi cửa sau" mới được giao đất dự án đã lợi dụng việc bán nhà trên bản vẽ để chiếm dụng vốn sẽ "hết cửa" làm ăn, có nguy cơ phải "sang" lại dự án với giá thấp cho những "đại gia" có khả năng tài chính mạnh hoặc sẽ phải phá sản.

Theo Thời báo Kinh tế Việt Nam