Dự thảo Luật Công nghệ thông tin: cần làm rõ các hành vi tội phạm mạng
Các Website khác - 13/01/2006
Tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XI (tháng 11-2005), Dự thảo 15 Luật Công nghệ thông tin (CNTT) đã được Quốc hội thảo luận và cho ý kiến. Phạm vi điều chỉnh, đăng ký website, tội phạm mạng và bảo vệ trẻ em chưa thành niên trong môi trường mạng là bốn trong số hơn mười vấn đề lớn được Ban soạn thảo Luật CNTT tiếp thu chỉnh lý trong Dự thảo 16.
Về phạm vi điều chỉnh luật: Dự thảo 15 Luật CNTT có quy định về phạm vi điều chỉnh của luật: "Luật này quy định về ứng dụng CNTT công nghiệp CNTT các biện pháp bảo đảm ứng dụng và phát triển CNTT quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động ứng dụng CNTT công nghiệp CNTT".

Khi thảo luận, đa số các ý kiến cho rằng nội dung quy định như trong Dự thảo 15 đã điều chỉnh đầy đủ những nội dung về ứng dụng và phát triển CNTT. Tuy nhiên, nếu phạm vi điều chỉnh tập trung quy định về ứng dụng CNTT và công nghiệp CNTT sẽ không thể hiện được đầy đủ và bám sát với nội dung quy định trong Chỉ thị 58/CT- TƯ là "ứng dụng và phát triển CNTT". Vì thế, phạm vi điều chỉnh của Luật nên quy định về "ứng dụng và phát triển CNTT". Như vậy, phạm vi điều chỉnh sẽ bao hàm đầy đủ các nội dung về nghiên cứu phát triển, phát triển cơ sở hạ tầng thông tin, công nghiệp CNTT, nguồn nhân lực CNTT và dịch vụ CNTT.

Nhận thấy với phạm vi điều chỉnh này, Luật sẽ thể hiện một cách tổng quát, đầy đủ những vấn đề cơ bản cần được điều chỉnh và thể chế hoá đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước nên Dự thảo 16 đã được chỉnh lý theo hướng: "Luật này quy định về ứng dụng và phát triển CNTT bảo đảm ứng dụng và phát triển CNTT quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động ứng dụng và phát triển CNTT". Và từ chỉnh lý trên, toàn bộ các điều đã quy định về phát triển CNTT nằm rải rác tại các chương trong Dự thảo 15 cũng đã được sắp xếp cấu trúc lại thành một chương mới mang tên "Phát triển CNTT" cho phù hợp.

- Về đăng ký website: Vì website đóng vai trò rất quan trọng trong thời đại nối mạng toàn cầu nên vấn đề thiết lập website cũng là vấn đề được các đại biểu thảo luận và góp ý kiến sôi nổi nhất. Thảo luận về quy định "các tổ chức, cá nhân có quyền thiết lập website và phải đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền..." của Dự thảo 15, có nhiều ý kiến cho rằng việc quy định như vậy là không khả thi, nếu không muốn nói là gây cản trở, khó khăn cho các hoạt động ứng dụng và phát triển CNTT. Tuy nhiên bên cạnh đó cũng cần phải có các quy định phù hợp để có thể quản lý, ngăn chặn các trang tin điện tử có nội dung xấu, không lành mạnh, chống phá Nhà nước, ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.

Từ những ý kiến đóng góp trên, vấn đề "thiết lập website" đã được chỉnh lý theo hướng cởi mở hơn. Theo đó, "tổ chức, cá nhân có quyền thiết lập website; website không sử dụng tên miền quốc gia ".vn" phải đăng ký với Bộ Bưu chính -Viễn thông".

Bình luận về quy định này, TS. Nguyễn Thành Phúc - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược BCVT và CNTT, Tổ trưởng Tổ Biên tập Dự thảo Luật CNTT cho rằng việc bắt buộc phải đăng ký với Bộ BCVT đối với trang tin điện tử không sử dụng tên miền quốc gia ".vn" là hoàn toàn phù hợp, giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước nắm bắt đầy đủ các thông tin khi cần kiểm soát, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trên môi trường mạng cũng như gửi thông tin về chính sách, pháp luật của Nhà nước đến tổ chức, cá nhân sở hữu trang web. Việc đăng ký được thực hiện qua mạng và hoàn toàn miễn phí. Ông Phúc cũng nhấn mạnh sẽ không nhẹ tay trong việc xử lý vi phạm với các website bỏ qua việc đăng ký.

Đối với website hoạt động báo chí và sử dụng cho hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh phải tuân thủ pháp luật về báo chí và pháp luật có liên quan.

- Về tội phạm mạng: Để phù hợp với tính chất đặc thù của CNTT, Dự thảo 16 đã lựa chọn một số hành vi có tính chất riêng, đặc thù vi phạm nghiêm trọng về lĩnh vực CNTT để quy định. Theo đó, đối với chống thư rác (spam) tổ chức, cá nhân không được tiếp tục gửi thông tin quảng cáo trên môi trường mạng tới người tiêu dùng nếu người tiêu dùng đó thông báo không đồng ý nhận thông tin quảng cáo; tổ chức, cá nhân gửi thông tin quảng cáo trên môi trường mạng phải bảo đảm cho người tiêu dùng khả năng từ chối nhận thông tin quảng cáo..." (Điều 70 Dự thảo 16 Luật CNTT).

Đối với chống virus máy tính và phần mềm gián điệp - hai khái niệm còn khá mới ở Việt Nam - các quy định nêu rõ nếu chưa có sự đồng ý của người sử dụng hợp pháp, tổ chức, cá nhân không được cài đặt hoặc cài đặt tự động phần mềm vào máy tính của người sử dụng đó và sử dụng phần mềm này thực hiện các hành vi như thu thập thông tin người sử dụng, thay đổi các tham số, xoá bỏ, làm mất tác dụng các phần mềm bảo đảm an toàn, chiếm đoạt quyền điều khiển máy tính của người sử dụng...

Vì luật hình sự chưa có quy định về tội xâm phạm an toàn bí mật thông tin trên môi trường mạng, nên trước những thực tế vi phạm đã và đang diễn ra (các vụ làm hacker website của ngân hàng để giả thẻ ATM) bước đầu, Luật CNTT có đề cập tới hành vi này nhưng chỉ dừng lại ở mức xử phạt vi phạm hành chính.

- Về bảo vệ trẻ em chưa thành niên: Từ thực tế nhận thấy các biện pháp bảo vệ trẻ em khi tham gia hoạt động trên môi trường mạng là hết sức cần thiết và luật cần có quy định cụ thể, chi tiết hơn để có tính thiết thực và khả thi cao, Dự thảo 16 Luật CNTT đã vạch ra trách nhiệm của Nhà nước, gia đình, nhà trường và toàn xã hội cũng như các biện pháp mà các cơ quan nhà nước có thể tiến hành để ngăn chặn trẻ em chưa thành niên truy cập tới thông tin không có lợi trên môi trường mạng. Đặc biệt, lần đầu tiên ở Việt Nam, vấn đề thiết lập các website cho trẻ em được luật hóa, và phân công trách nhiệm thực hiện cho cơ quan nhà nước cụ thể là Bộ Văn hóa - Thông tin và Bộ Bưu chính - Viễn thông.

Trả lời câu hỏi cần lộ trình gì cũng như vai trò của các bộ, ngành đặc biệt là Bộ CBVT như thế nào để bảo đảm Luật CNTT khi được ban hành sẽ có tính khả thi cao, TS Trần Đức Lai - Thứ trưởng Bộ BCVT cho biết:

CNTT đang phát triển như vũ bão và đầy biến động, vì vậy không thể đưa hết vào luật các hành vi đã và sẽ xảy ra trong thực tiễn hoạt động. Để Luật CNTT đi vào cuộc sống, với vai trò quản lý nhà nước, Bộ BCVT đã báo cáo và kiến nghị với Chính phủ để xây dựng và ban hành một số nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành luật, thí dụ như: Nghị định về ứng dụng CNTT trong quản lý nhà nước, Nghị định về thương mại điện tử (Nghị định này sẽ hướng dẫn đồng thời ba luật: Thương mại, Giao dịch điện tử và CNTT), Nghị định về chữ ký số, Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực CNTT...

Do CNTT được ứng dụng rộng rãi trong tất cả các hoạt động kinh tế, VH-XH nên các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình cũng cần đề xuất, xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật CNTT.

Theo quan điểm của chúng tôi, ngoài các Nghị định do Bộ BCVT và Bộ Thương mại soạn thảo, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cần ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật như quy định về giáo dục - đào tạo qua mạng, y tế từ xa, thanh toán trên môi trường mạng...


Theo Pháp luật Việt Nam