Có thể gộp hai loại giấy tờ về nhà đất thành một
Các Website khác - 06/09/2005
Người dân nộp hồ sơ xin cấp
sổ đỏ tại UBND quận Bình Thạnh,
TP Hồ Chí Minh
Chỉ cần một loại giấy về nhà đất và chỉ do một cơ quan quản lý. Đó là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phan Văn Khải tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8-2005 diễn ra trong tuần qua.
Thống nhất với đề xuất tồn tại một giấy

Mặc dù Nghị định 95/CP về cấp giấy chứng nhận (GCN) quyền sở hữu nhà (gọi tắt là giấy hồng mới, nhằm phân biệt với giấy hồng cấp theo Nghị định 60/CP) đã có hiệu lực từ ngày 12-8-2005 nhưng các quận, huyện tại TP Hồ Chí Minh vẫn chưa thấy rục rịch gì. Hiện nay khi người dân đến nộp hồ sơ hợp thức hóa nhà, UBND các quận huyện vẫn tiếp nhận hồ sơ và cấp GCN quyền sử dụng đất (gọi là sổ đỏ, cấp theo Nghị định 181/CP). Theo ghi nhận tại các quận huyện, ít có người dân nào đã có “giấy đỏ” hoặc “giấy hồng” đến hỏi về việc cấp thêm loại giấy hồng mới này. Được biết, UBND TP đang tổng hợp ý kiến đóng góp của các quận huyện về quy trình cấp giấy hồng mới do Sở Xây dựng soạn thảo để ban hành quyết định triển khai.

Mặc dù vẫn đang thực hiện các bước để cấp giấy hồng mới, nhưng quan điểm của UBND TP Hồ Chí Minh là không đồng tình với việc cấp thêm loại giấy này. Mới đây, khi làm việc với đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh, Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Đua đã kiến nghị đoàn cần có ý kiến với Quốc hội và Chính phủ để thống nhất một loại GCN chung cho nhà và đất.

Theo UBND TP, từ lâu nay TP thực hiện việc cấp GCN quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở rất tốt và không gặp vướng mắc gì. Kể từ khi chuyển sang cấp sổ đỏ thì mới vướng chuyện “ghi nhận” hay “công nhận” sở hữu của người dân đối với tài sản trên đất. Việc cấp sổ đỏ khiến người dân gặp khó khăn nhiều trong việc công chứng các hợp đồng, giao dịch liên quan nhà đất tại cơ quan công chứng. Nhiều cơ quan, bộ ngành đã có ý kiến phản đối việc “hai giấy”, đề nghị chỉ nên cấp một giấy chung cho nhà và đất. Tuy nhiên, giấy đó là gì thì cũng vẫn chưa thống nhất.

Ông Trần Thành Long, phó đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh, cũng cho biết: “Đoàn đại biểu Quốc hội TP thống nhất với hướng đề xuất về “một giấy” của UBND TP. Việc xuất hiện loại giấy thứ hai này là do sơ suất trong quá trình soạn thảo và ban hành luật. Chúng tôi sẽ kiến nghị Quốc hội và Chính phủ sớm ban hành văn bản sửa đổi Nghị định 95/CP theo hướng chỉ còn một GCN chung cho nhà và đất”.

Kiến nghị sửa luật

Theo ông Nguyễn Văn Đua, có thể sử dụng mẫu sổ đỏ hiện nay (do Bộ Tài nguyên - môi trường cấp) nhưng sẽ sửa lại những vấn đề bất cập như: tiêu đề của giấy không chỉ là “GCN quyền sử dụng đất” mà sẽ là “GCN quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở” hoặc “GCN quyền sử dụng đất và quyền sở hữu công trình xây dựng”. Trong nội dung của GCN cũng không chỉ ghi nhận chung chung phần tài sản được xây dựng trên đất mà xác định cụ thể tài sản đó thuộc sở hữu của người được cấp GCN. Giấy mà ông Đua nêu ra không khác gì giấy hồng cũ.

Trước đó, khi các bộ ngành bàn về Luật đăng ký bất động sản, người dân đã một phen… hết hồn vì nghe nói sẽ có thêm giấy xanh (GCN đăng ký bất động sản). Rất may, mới đây Thủ tướng đã khẳng định sẽ không có nữa.

Ông Nguyễn Kinh Quốc, người phát ngôn của Thủ tướng, cho biết: “Quan điểm của Thủ tướng là hiện nay vẫn để tồn tại hai giấy, nhưng Thủ tướng giao cho Bộ Tư pháp, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên - môi trường và Ban pháp chế Chính phủ nghiên cứu thật kỹ để ban hành một giấy nhằm điều chỉnh lại hai giấy kia, hoặc gộp hai giấy làm một. Nếu thấy hợp lý, Chính phủ sẽ kiến nghị Quốc hội sửa luật”.

“Quan điểm của Bộ Tư pháp là liên quan đến giấy tờ về nhà đất chỉ có một cơ quan quản lý, một dấu, một cửa và một giấy” - Bộ trưởng Tư pháp Uông Chu Lưu nói như vậy chiều 5-9. Cũng theo ông Lưu, cơ quan quản lý là Bộ Tài nguyên - môi trường. Nói về GCN quyền sở hữu nhà cấp theo Nghị định 95 vừa được ban hành, ông Lưu cho biết giấy này cho đến nay vẫn còn giá trị, nhưng “một giấy” ở đây không phải là giấy hồng mới mà là sổ đỏ.

Dư luận cho rằng việc cấp thêm một loại giấy hồng mới khi biết chắc nó còn thay đổi là điều không cần thiết. Thứ nhất, Nhà nước sẽ tốn kém về cả vật chất lẫn nhân lực cho việc cấp mới loại giấy này; hai là về phía người dân cũng sẽ rất phiền phức và tốn kém khi phải làm quá nhiều loại giấy. Nên chăng hãy tạm dừng việc cấp giấy hồng mới mà dồn sức để hoàn thành cấp sổ đỏ trong khi chờ một loại giấy thống nhất? Làm được như vậy vừa đỡ tốn kém vừa tránh gây hoang mang trong dân.

Theo Tuổi trẻ