Sách lậu - cuộc chiến còn dài
Các Website khác - 06/09/2005
14 giờ ngày 30-8, tổ công tác liên ngành gồm lực lượng an ninh văn hóa (Công an TP Hà Nội) đã phối hợp thanh tra Sở Văn hóa-Thông tin tiến hành thanh tra cơ sở gia công hoàn thiện sau in tại số 23, ngõ 10 đường Giải Phóng, do Nguyễn Thị Thanh đứng tên chủ kinh doanh. Qua kiểm tra, tổ công tác liên ngành đã phát hiện một loạt ấn phẩm không hợp lệ (không trình được giấy phép xuất bản, hợp đồng gia công...) đang được hoàn thiện.

Trong số ấn phẩm lậu tìm thấy tại cơ sở trên, có 3 đầu sách đáng chú ý: Mãi mãi tuổi 20 - Nhà xuất bản Thanh Niên (28.500 bản bán thành phẩm); Một cõi, Trịnh Công Sơn - Nhà xuất bản Thuận Hóa (68.000 bản bán thành phẩm) và Quản lý Nhà nước đối với ngành, lĩnh vực - Nhà xuất bản GD (750 cuốn thành phẩm). Đoàn công tác đã tiến hành lập biên bản, tạm thu giữ hai tấn ấn phẩm lậu tại đây. Tính từ đầu năm đến nay, đây là vụ "bắt sách lậu” có số lượng lớn đầu tiên, khởi động cuộc chiến lâu dài nhằm lành mạnh hóa các hoạt động xuất bản sau khi Nghị định hướng dẫn thực thi Luật XB mới ra đời...

Cơ chế nguồn… của sách lậu

Qua khai thác, Nguyễn Thị Thanh, chủ cơ sở gia công sau in, khai nhận gia công hai ấn phẩm Mãi mãi tuổi 20Một cõi từ một người tên là Song. Còn cuốn Quản lý Nhà nước đối với ngành, lĩnh vực thì bà ta nhận đặt hàng từ ông Dương Mạnh Tiến – Phó giám đốc Công ty TNHH in Việt Tiến (60 Hồng Mai), với giá 2.000 đồng/trang. Dương Mạnh Tiến lại khai tiếp nhận in sách này từ Nguyễn Văn Minh (SN 1980, làm nghề kinh doanh sách tự do). Đến lượt Minh khai được Bùi Đức Nam, chủ nhà sách Thái Thịnh tại Phòng 4, nhà C1, Trung Liệt, Đống Đa đưa sách mẫu đặt làm. Minh vốn là cộng tác viên phát hành sách cho nhà sách này (và cũng là chân chạy in sách lậu, tổ chức đánh máy, làm bản can), nhận làm 1.000 cuốn Quản lý Nhà nước... Minh được hưởng 5% giá bìa (giá bìa 55.000 đồng), khoảng 2,5 triệu đồng...

Con đường ra đời của một cuốn sách lậu thường là chủ một nhà sách đặt các cộng tác viên phát hành sách. Sau đó, các cộng tác viên này tổ chức thuê đánh máy, chế bản. Cách đây ba năm, dân chế bản nhập về một bộ đĩa chế bản từ Trung Quốc gồm 170 đĩa với giá 1.000USD, tất cả các kiểu mẫu chế bản đều có trong bộ đĩa này, nên sách được "chế" rất nhanh. Công nghệ in ấn sau đó được phân tách thành các phần riêng, ai biết gì làm nấy (để tránh bị kiểm tra). Thường chỉ có các "cộng tác viên phát hành sách" là nắm rõ.

Theo Trần Văn P. (một "cộng tác viên phát hành sách" như Nguyễn Văn Minh) thì có một số cơ sở in, đóng xén đặt trong ngõ Văn Chương; cơ sở làm bìa ở Kim Liên; cơ sở in nhũ, vào bìa ở Xuân Đỉnh... Sách sau khi in xong được chở về kho của nhà sách. Các nhà sách lớn nhỏ đều có móc nối, trao đổi, vay mượn sách lẫn nhau. Mà "đường dây" giao lưu cũng chính là các “cộng tác viên phát hành sách" này. Theo người này cho biết, để mở một nhà sách, tất nhiên phải có "thế lực” để núp, nếu không thì "nay ông này xuống hỏi, mai ông kia đến khám"...

Nghìn lẻ một kiểu lậu

Theo một cán bộ tại Đội văn hóa, PA25 Hà Nội, thì có rất nhiều kiểu sách có thể "quy” là lậu. Một là "in cướp sách", tức là in lại một cuốn của nhà xuất bản nào đó. Hai là in nối bản, dân làm sách thường gọi là "đá thêm", thí dụ xin giấy phép in 1.000 cuốn, nhưng sẵn máy, sẵn giấy, in thêm vài nghìn cuốn nữa. Loại sách này rất phổ biến trên thị trường, và không thể phân biệt. Bởi vì số sách này cũng y hệt số sách nằm trong giấy phép xuất bản. Lực lượng an ninh văn hóa chỉ có thể phát hiện loại sách lậu này qua kiểm tra hóa đơn, sổ sách của cơ sở in. Loại thứ 3 là lậu "trăm phần trăm", tức là không có giấy phép gì hết, những loại này thường là sách mê tín, dị đoan, sách cấm, phản động... nhưng thường là số lượng ít, và "dễ chết" (dễ bị bắt, phạt nặng) nên dân làm sách cũng không ưa làm lắm. Để in một cuốn sách khổ thông thường (14,5 - 20,5), giá thành hết khoảng 32 đồng/trang. Giá bán ngoài thị trường khoảng 100 đồng/ trang. Nên phần chiết khấu rất nhiều, đặc biệt với loại sách in nối bản, vì càng in với số lượng nhiều, giá càng tụt. Đó là còn chưa kể có những kẻ làm trong các nhà xuất bản Nhà nước dùng máy của nhà xuất bản để chế sách lậu từ đầu đến cuối. Giá sách được chế ra từ kiểu này “siêu rẻ", bởi nó "tham nhũng" được tư liệu sản xuất của Nhà nước, không phải bỏ đồng vốn nào. Thế nên có thể thấy một loạt các cửa hàng sách ở phố Đinh Lễ bán sách đều trừ đi 30 - 40% giá bìa. Và khắp vỉa hè Hà Nội có những người rải sách mới cứng đi bán rong, đều có trừ giá theo bìa. Với sách văn học, có khi người bán được chiết khấu đến tận 60%, nên dù họ có bán sách cho độc giả bằng một nửa giá bìa, vẫn có lãi...

Cuộc chiến còn dài lắm…

Những hậu quả của nạn in lậu thì ai cũng rõ; thiệt hại đầu tiên thuộc về các nhà xuất bản, họ mất cả tiền và uy tín. Với người tiêu dùng thì tưởng rằng họ được lợi vì mua sách giá rẻ, nhưng "của rẻ là của ôi". Chất lượng của các loại sách in lậu thường thấp, đọc rất dễ "lộn ruột" vì những chỗ sai ngớ ngẩn. Và thực sự, họ vẫn phải mua sách với giá cao hơn so với thực tế...

Trong Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Xuất bản mới, vừa được ban hành ngày 26-8 không có điều khoản nào quy định xử phạt cụ thể với việc in lậu xuất bản phẩm. Trong khi các ông Phan An Sa (Chánh thanh tra Bộ Văn hóa-Thông tin), ông Nguyễn Kiểm (Cục phó Cục Xuất bản), Trần Văn Tung (Chánh Thanh tra Sở Văn hóa-Thông tin Hà Nội) đều thống nhất ý kiến phải coi việc in ấn lậu như tội làm hàng giả, truy cứu trách nhiệm theo Luật hình sự. Còn như hiện nay, các lực lượng chức năng vẫn đi bắt đều sách lậu, mà sách lậu vẫn tràn ngập hè phố. Vụ việc nghiêm trọng như của cơ sở Nguyễn Thị Thanh in lậu Mãi mãi tuổi 20 cuối cùng cũng sẽ chỉ chịu xử phạt hành chính vài triệu đồng. Đó là lý do tại sao cuộc chiến chống tệ nạn in lậu xuất bản phẩm còn dài lắm...

Theo Thể thao và Văn hóa