Gỗ lậu hối hả ngược xuôi
Trên đường vào trung tâm xã Đà Loan, chúng tôi bắt gặp từng tốp xe tải nhẹ, xe khách từ 7 đến 25 chỗ, xe cải tiến đang hối hả nối đuôi nhau chạy ra hướng quốc lộ 20. Theo anh N.V.N (người dân địa phương) thì đó là những xe vận chuyển gỗ lậu, hoạt động gần như 24/24 giờ, "mỗi chiếc một ngày chạy không dưới ba lần". Một số người dân tại xã cho biết, bọn lâm tặc thường khai thác gỗ từ những cánh rừng nguyên sinh thuộc 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận rồi dùng trâu, bò, ngựa vận chuyển ra bãi tập kết thuộc địa bàn xã Tà Năng và Đà Loan bán cho dân buôn gỗ luôn chờ sẵn với giá 6 triệu đồng/m3 gỗ cẩm hương và 2,8 triệu đồng/m3 gỗ sao.
Riêng địa bàn xã Đà Loan có từ 5 đến 7 đầu nậu gỗ như Tuấn, Tâm, Vương, Dược, Giang, Châu... chuyên mua lại gỗ từ tay lâm tặc, sau đó dùng các phương tiện vận chuyển đã quá hạn sử dụng hoặc những phương tiện cải tiến như loại xe tự chế, gắn động cơ 6 máy, được trang bị máy tời, bánh quấn xích để tiện di chuyển trên mọi địa hình để vận chuyển. Mỗi xe có từ 8 đến 4 biển số giả, cứ qua một trạm kiểm soát lâm sản là chúng đổi biển số. Dọc theo đường vận chuyển, chúng còn lập các "trạm canh gác" với đầy đủ điện thoại di động, điện thoại mẹ con để nếu gặp lực lượng kiểm tra, chúng sẽ thông báo cho tài xế xe chở gỗ đi tẩu tán hoặc bỏ xe.
Bắt đầu từ 18 giờ mỗi ngày, chúng dùng các loại xe cải tiến chạy dọc theo những cánh rừng thu gom gỗ và khoảng 20 giờ thì gỗ được tập kết vào bãi (thường là những vườn cà-phê hoặc bãi cỏ xa khu dân cư) gần đường để tiện việc bốc hàng. Gỗ thường được thu gom từ ba ngả rồi tập trung tại Đà Loan.
Hướng thứ nhất gỗ được khai thác từ rừng Ninh Thuận rồi vận chuyển theo đường đồi Trọc, đồi Chè và tập kết tại thôn Sóp, từ đó dùng xe tải nhẹ 2,5 tấn vận chuyển ra ngoài, tuyến này chủ yếu là gỗ sao do Tuấn khai thác. Hướng thứ hai là khai thác gỗ từ rừng Bình Thuận rồi vận chuyển ra thôn 9 (Đà Loan) tập kết và khoảng từ 0 giờ đến 3 giờ sáng, chúng dùng xe khách (hải âu) vận chuyển ra ngoài. Hướng thứ ba là khai thác gỗ từ rừng Bình Thuận vận chuyển ra thôn Man (Đà Loan) nơi giáp ranh với xã Ninh Loan rồi theo đường liên tỉnh Bắc Bình (Bình Thuận) vận chuyển về Đức Trọng tiêu thụ.
Đội quân khai thác hùng hậu
Từ trung tâm xã Đà Loan vào được nơi khai thác (vùng giáp ranh với tỉnh Ninh Thuận) phải đi bộ đường rừng mất 2 tiếng rưỡi đồng hồ. Từ đầu dốc Đồi Trọc thuộc thôn Sóp (Đà Loan), tiếng cưa máy đã vang dội cả một vùng. Được hỏi là "Cưa máy cả mấy chục cái ầm ầm như vậy không sợ kiểm lâm nghe thấy bắt sao?", một tay lâm tặc đã giải nghệ trả lời tỉnh queo: "Bắt thì lúc nào chẳng được...".
Nhìn những cây rừng bị đốn hạ không thương tiếc, có gốc cây to cả 3 người ôm không xuể nằm ngổn ngang, một lâm tặc đã giải nghệ cho biết: "Khu này hết sao rồi, chỉ còn bằng lăng và củi thôi, muốn có gỗ tốt phải vào sâu trong rừng mất 2 giờ đi bộ đường rừng. Chỗ ấy giáp ranh với tỉnh Ninh Thuận, toàn là dốc xuống, muốn mang được gỗ ra ngoài chỉ có một cách là dùng ngựa".
Số ngựa mà chúng dùng để vận chuyển gỗ lên đến 40 con, một con vận chuyển 2 tấm gỗ/lần, mỗi tấm dài 1,2m và dày 30cm, có móc sắt để treo vào hai bên hông ngựa. Đây là những con ngựa đã được huấn luyện rất kỹ, khi bị vây bắt, lâm tặc thường bật móc bỏ lại gỗ, xua ngựa chạy vào rừng, đến tối đàn ngựa sẽ quay lại điểm tập kết.
Việc khai thác gỗ được chúng tiến hành theo từng công đoạn: Đối với những tên trực tiếp khai thác gỗ, chúng thành lập ra từng tổ mỗi tổ có từ 5 đến 7 người và một máy cưa. Nhiệm vụ của những tổ này là hạ cây và xẻ ra thành từng khối nhỏ để tiện cho vận chuyển và cất giấu rồi bán lại với giá từ 500.000 - 800.000 đồng/m3 (tùy loại gỗ) cho đội vận chuyển bằng ngựa. Sau khi mua lại gỗ từ nơi khai thác, đội quân ngựa thồ sẽ đưa gỗ ra cửa rừng bán cho những tay buôn từ xã Tà Năng và Đà Loan với giá từ 1-1,5 triệu đồng/m2. Hiện bọn chúng chỉ tập trung khai thác 2 loại gỗ chính là cẩm hương và sao, đây là gỗ nhóm A và B đang được các tay buôn gỗ tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận đặt hàng với số lượng lớn.
Lực bất tòng tâm?
Nhiều người dân địa phương bức xúc: Tại sao trong số hơn chục chiếc xe vận chuyển gỗ lậu như vậy mà thời gian qua Hạt kiểm lâm lại chỉ bắt được có bốn xe? Có hay không một số cán bộ kiểm lâm đã tiếp tay để bọn chúng lộng hành như vậy? Theo ông Vàng Quang Tuấn, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Đức Trọng thì: tình trạng khai thác và vận chuyển "quá cảnh" gỗ lậu trái phép từ rừng giáp ranh với tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận qua địa bàn huyện Đức Trọng diễn ra đã lâu nhưng do lực lượng của hạt quá mỏng nên không thể làm triệt để. Tháng 12-2005, số vụ vận chuyển gỗ lậu bị Hạt kiểm lâm huyện bắt giữ là 27 vụ, thu trên 20m2 gỗ, trong đó có 8,02m2 gỗ tròn, 17,90m2 gỗ xẻ và 0,02m3 gỗ quý hiếm; thu giữ 8 ô-tô máy kéo, 2 xe máy và 7 phương tiện khác. Đây chỉ là phần nổi, chưa thấm tháp gì so với số lượng gỗ bị khai thác và vận chuyển qua địa bàn.
Riêng địa bàn xã Đà Loan, một ngày có khoảng gần 10m3 gỗ được bọn lâm tặc vận chuyển trót lọt. Ông Tuấn cho biết, lực lượng của hạt quá mỏng (24 người, 3 nữ), chỉ có một xe chuyên dụng và 2 xe máy thì không thể vây bắt được hết. Chưa kể, bọn chúng còn theo dõi mọi hoạt động của hạt, khi thấy đội triển khai kế hoạch là chúng báo động nên đành "lực bất tòng tâm". Hạt đã nhiều lần phối hợp với Hạt kiểm lâm tỉnh bạn vào tận rừng truy quét nhưng khi lực lượng kiểm lâm vừa rút ra thì chúng lại quay lại hoạt động.
Nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời thì chẳng bao lâu nữa những khu rừng già ở vùng giáp ranh Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Thuận chỉ còn lại cái vỏ rỗng ruột?
|