Con đường tha hoá của Bùi Tiến Dũng
Các Website khác - 27/03/2006
Một biệt thự của Bùi Tiến Dũng. (Tuổi Trẻ)

Lớn lên trong gia đình có truyền thống cách mạng, nhưng công danh, chức quyền và tiền bạc đã biến Bùi Tiến Dũng thành cán bộ tha hóa, con bạc khát nước và hám sắc...

Sau khi tốt nghiệp đại học và trở thành sĩ quan chuyên nghiệp, Bùi Tiến Dũng được biệt phái sang Bộ Giao thông Vận tải công tác. Đến năm 1990 thì chuyển hẳn về Vụ Kế hoạch Bộ Giao thông Vận tải làm chuyên viên. Cũng từ đây, Bùi Tiến Dũng nhanh chóng thăng tiến và rồi sa ngã xuống vực thẳm.

Mặc dù là con em một gia đình tướng lĩnh nhưng khi Dũng lấy vợ, bố của Bùi Tiến Dũng cũng không có gì để giúp đỡ con cái. Ngày ngày đi làm, Dũng phải dành thời gian theo học thêm nghề ấp trứng vịt của bố vợ - vốn là một cán bộ của ngành thú y.

Người ta thấy cứ hết giờ làm việc hoặc đến ngày nghỉ cuối tuần, Dũng lại gò lưng trên chiếc xe đạp cà tàng từ Hà Nội về tận Hà Nam Ninh (quê vợ) để thu gom trứng vịt đem về ấp và bán. Để đảm bảo cho cuộc sống gia đình gồm một vợ và hai con, Dũng phải lăn lộn từ việc buôn gà giống, lợn giống đến thuốc thú y, tân dược...

Con đường "lên hương" của Bùi Tiến Dũng bắt đầu từ cuối năm 1993 khi Ban Quản lý dự án 18 của Bộ Giao thông Vận tải (PMU 18) được thành lập và ông Nguyễn Việt Tiến - “sếp” của Dũng khi đó là lãnh đạo Vụ Kế hoạch - đầu tư đang ngấp nghé chức tổng giám đốc PMU18.

Từ một anh chuyên viên chạy việc của Bộ Giao thông Vận tải, Dũng được sếp cất nhắc và nhanh chóng trở thành chánh văn phòng PMU 18. Với quyền uy của mình, Dũng đã tạo dựng danh tiếng trong giới đầu tư xây dựng đường bộ. Đến giữa năm 1995, Dũng “nhảy” sang làm trưởng phòng kinh tế - kế hoạch của PMU 18, rồi leo dần lên chiếc ghế phó tổng giám đốc PMU 18. Năm 1998, khi “sếp tổng” thời đó là ông Nguyễn Việt Tiến thăng quan lên làm thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Bùi Tiến Dũng cũng nhanh chóng được cất nhắc lên chức tổng giám đốc PMU 18.

Bùi Tiến Dũng được mệnh danh là một tổng giám đốc “thét ra lửa”, quyền uy nhất của Bộ Giao thông Vận tải. Nắm giữ cương vị lớn, có chức và có quyền, Bùi Tiến Dũng bắt đầu việc thu về cho mình những khoản lợi kếch xù từ nguồn hoa hồng của các dự án và các doanh nghiệp “sân sau”.

Tiền nhiều, lại tự do vì đã ly thân với vợ, Dũng lao vào chơi cờ bạc. Thú chơi mà Dũng ham mê nhất là cá độ bóng đá. Chẳng thế mà cho đến khi bị bắt, theo số liệu của cơ quan điều tra, Dũng đã “nướng” khoảng 7 triệu USD vào tiền cá độ.

Bùi Tiến Dũng khi bị bắt. (Tuổi Trẻ)

Có lần ngồi xem bóng đá, Dũng cá với một đệ tử: “Nếu tao hút thuốc, tao mất mày 10.000 USD, tao thua thì mày mất ngược lại”. Tưởng rằng đàn em sẽ mất 10.000 USD vào tay “đại ca” nhưng khi trận đấu chỉ còn vài phút là hết giờ, đội của Dũng cầm chắc phần thắng, Bùi Tiến Dũng bình thản rút thuốc ra hút và “vẩy tay” 10.000 USD cho đàn em.

Cờ bạc chưa đủ, Dũng quay ra săn đón các người đẹp và người mẫu nổi tiếng. Với cô người mẫu đầu tiên, Dũng vung tay trang bị cho cô nàng cả một nhà hàng nhưng sau đó cô nàng “chân dài” này đã tếch đi nước ngoài cùng một người Đài Loan.

Tiếp sau đó, Dũng cặp kè với một cô nàng “chân dài” khác và thưởng cho nàng một quán cà phê trên đường Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội) để nàng kiếm kế sinh nhai. Không lâu sau, Dũng “tổng” lại cặp kè với một cô ca sĩ khá mặn mà. Cơ quan điều tra đã xác định cô ca sĩ này được Dũng tặng một ngôi biệt thự vườn rộng tới hơn 271 m2.

Hành xử kiểu xã hội đen

Bùi Tiến Dũng có máu giang hồ, dễ nóng mặt và có thể sử dụng nắm đấm để giải quyết công việc. Từ những năm đầu thành lập, PMU 18 đã nổi tiếng về những quả đấm và chuyện dao kiếm.

Cụ thể, đêm 15/8/1994, Bùi Tiến Dũng cùng “sếp” là ông Nguyễn Việt Tiến và 6 cán bộ khác của PMU 18 đến ăn nhậu tại nhà hàng ở đường Bưởi, Ba Đình, Hà Nội. Do lời qua tiếng lại về phục vụ, Dũng và “sếp” đã đòi chủ nhà hàng mang vợ ra “hầu” và tất nhiên là nảy sinh va chạm. Ông Nguyễn Văn Hiền (chủ nhà hàng) bị mấy người ở PMU 18 đánh gãy hai răng. Còn “dân chơi” PMU18 phải về phường ngồi tường trình. Vụ việc sau đó chìm xuồng do các bên tự thu xếp... hòa giải nhau với giá trị bồi thường 5 triệu đồng.

Đêm 12/2/1996, sau cuộc liên hoan “hoành tráng” vào ngày ông Công, ông Táo, Bùi Tiến Dũng (khi đó là chánh văn phòng PMU 18) và tổng giám đốc Nguyễn Việt Tiến cùng một số cán bộ PMU 18 đến quán phở số 2 Nguyễn Du ăn đêm. Sau khi ăn xong, do tranh chấp về taxi với đám cave bàn bên cạnh, hai bên đã đánh nhau.

Khi bị triệu tập về phường, những “hảo hớn” PMU 18 còn tiếp tục gây sự, hành hung công an phường, dẫn đến vụ việc suýt bị khởi tố hình sự. Tuy nhiên, không hiểu bằng cách nào và vì lý do gì vụ việc này lại bị chìm xuồng giống như vụ đánh nhau ở đường Bưởi.

Nội bộ PMU 18 cũng xảy ra những vụ thanh toán bằng dao kiếm. Có ít nhất hai vụ chém cán bộ của PMU18 bị nghi ngờ liên quan đến Phạm Tiến Dũng (Dũng “Con”, đàn em của Dũng “Tổng”).

Đầu tiên là ông Hải, cán bộ phòng kế hoạch của PMU 18, trên đường đi làm bị chém đứt động mạch máu, phải đi cấp cứu bệnh viện. Phi vụ dằn mặt này được dư luận cho rằng vì ông Hải ngấp nghé chức vụ nào đó của phòng kế hoạch, tranh đấu với Phạm Tiến Dũng nên bị “xử lý”.

Năm 2002, trưởng phòng kỹ thuật của PMU 18 Đỗ Ngọc Trung trên đường đi làm về cũng bị hai đối tượng lạ mặt đi xe máy chém một nhát và phải nằm viện nửa tháng trời. Vụ việc xảy ra khi ông Trung phát hiện những sai phạm trong việc thi công cầu Phả Lại do Phạm Tiến Dũng quản lý và có kiến nghị lên lãnh đạo về chất lượng cầu.

Phó tổng giám đốc PMU 18 Dương Đình Thoàn còn “gấu” hơn, đánh nhân viên của PMU 18 ngay tại trụ sở của đơn vị này.

Nhưng đáng chú ý là vụ Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Thế Minh bị ném gạch đến vỡ kính ôtô. Nhiều người cho rằng đây là “lời cảnh cáo” đối với ông Minh. Thời điểm này, ông Minh là thứ trưởng phụ trách lĩnh vực thanh tra của Bộ Giao thông Vận tải. Theo một nguồn tin, vụ việc này có liên quan đến PMU 18 và khi đó Bùi Tiến Dũng cũng đã nhận được một sự nhắc nhở “kín đáo”.

Từ tháng 10/1976 đến 7/1984, Bùi Tiến Dũng đi bộ đội. Sau đó là cán bộ biệt phái của Bộ Quốc phòng tại Bộ Giao thông vận tải (GTVT).

Từ tháng 7/1990 đến tháng 12/1993: chuyên viên Vụ Kế hoạch (Bộ GTVT)

Từ tháng 12/1993 đến 4/1995: chánh văn phòng Ban quản lý các dự án 18 - PMU 18

Từ tháng 4/1995 đến tháng 1/1996: trưởng phòng kinh tế - kế hoạch PMU 18

Từ tháng 1/1996 đến 4/1998: phó tổng giám đốc PMU 18

Từ tháng 4/1998 đến tháng 9/1998: quyền tổng giám đốc PMU 18

Tháng 9/1998 đến 1/2004: tổng giám đốc PMU 18 cho đến khi bị bắt.

(Theo Tuổi Trẻ)

Theo dòng sự kiện:
PMU 18 phải chịu trách nhiệm về công trình kém chất lượng (27/03)
Chính phủ chỉ đạo xử lý nghiêm vụ PMU 18 (26/03)
Hàng chục doanh nghiệp được Bùi Tiến Dũng 'bảo kê' (25/03)
Triệu tập cò trang trại cho các 'sếp' PMU 18 (24/03)
Thêm một thứ trưởng sẽ phải làm việc với C14 (24/03)
Xem tiếp»