Bài 1: Gần như vụ án kinh tế nào cũng dính đến doanh nghiệp ma
PGS-TS Nguyễn Hoà Bình, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (C15) cho biết: "Hầu như vụ án kinh tế nào cũng dính đến DN ma...". Về đặc điểm chung của các loại DN ma, đại tá Nguyễn Hoà Bình cho biết:
- Loại DN ma mà chúng ta hay gọi nôm na (hay có người gọi là DN ảo) có một số đặc trưng rất điển hình: Trước hết, các DN này được thành lập không nhằm mục đích sản xuất kinh doanh. Vì vậy, chúng hầu như đi thuê trụ sở và thường xuyên có sự thay đổi địa chỉ. Thậm chí, trong nhiều vụ án, những đối tượng này lấy bừa cả địa chỉ của doanh trại quân đội, viện kiểm sát nhân dân quận làm trụ sở.
Thứ hai, nhiều chủ doanh nghiệp ma không đủ tư cách pháp nhân và địa vị pháp lý. Một số người bị lừa (do cho mượn chứng minh thư) thành... giám đốc DN mà không biết. Khi phá án, Cơ quan điều tra còn phát hiện có đối tượng đang đi cai nghiện, đang thi hành án tù, cả người đã xuất cảnh... cũng đứng tên làm giám đốc DN.
Thứ ba, các đối tượng này đứng sau điều hành, thành lập một lúc nhiều doanh nghiệp chỉ để mua bán hoá đơn giá trị gia tăng (GTGT), có đối tượng thành lập trên hai chục DN ma.
Thứ tư, vì thành lập chỉ để mua, bán hoá đơn, nên các DN này hầu như không có nộp thuế hoặc nộp không đáng kể.
* Những năm qua, các cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều vụ buôn bán hoá đơn GTGT, nhưng hình như các vụ việc liên quan đến vấn đề này vẫn diễn biến hết sức phức tạp?
- Các đối tượng thành lập DN ma rất biết "chuyển mình" khi cơ chế thay đổi. Cụ thể, giai đoạn 2000- 2001, các đối tượng thành lập ra chủ yếu để mua, bán hoá đơn GTGT. Thời kỳ này, các đối tượng đã kiếm lời bất chính với số tiền rất lớn. Mỗi quyển sổ hoá đơn mua chẳng đáng bao nhiêu, nhưng chúng bán lên tới 10 triệu đồng/quyển. Do đó, đã hình thành những tụ điểm công khai mua bán hoá đơn GTGT rất nhức nhối ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Theo yêu cầu của C15, PC15 và Công an quận 1, TP.Hồ Chí Minh đã bất ngờ ập vào tụ điểm mua bán hoá đơn ở đường Hàm Nghi, thu giữ hàng bao tải hoá đơn. Nhờ "đánh" liên tục vào các tụ điểm này, đến nay các tụ điểm mua bán hoá đơn công khai không tồn tại nữa.
Giai đoạn từ năm 2002- 2004, khi nghị định hoàn thuế GTGT ra đời, các đối tượng thường gắn việc buôn bán và sử dụng hoá đơn GTGT với việc hoàn thuế để đục khoét ngân khố. Giai đoạn đầu, các doanh nghiệp ma còn qua mặt các cán bộ hải quan bằng các thủ đoạn rất đơn giản. Khi không thể qua mặt và muốn "ăn" đậm hơn, chúng đã bắt tay với các cán bộ hải quan để hoàn thiện hồ sơ hoàn thuế. Ví dụ, vì "bắt tay", gần như toàn bộ cán bộ hải quan ở cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) đã bị khởi tố, bắt giam, trong đó có cả Cục trưởng Cục Thuế Lạng Sơn (31 đối tượng bị khởi tố).
Giai đoạn hiện tại, vì được nợ thuế nhập khẩu, các DN ma đang rộ lên thủ đoạn nhập khẩu (hoặc nhập uỷ thác) những lô hàng có thuế xuất lớn với số lượng thật lớn, để rồi bán hàng xong thì giải tán DN. Lúc đó, khi thu thuế nhập khẩu, cơ quan chức năng chỉ còn biết hỏi... ông trời. Cụ thể, có DN nhập lô hàng 50 ôtô và được nợ thuế nhập khẩu trên 10 tỷ đồng. Sau khi đã bán hết hàng, DN này cũng... biến luôn cùng số tiền thuế nợ. Hiện, C15 cũng đang lập 3 chuyên án liên quan đến lĩnh vực này.
Về tương lai, có nhiều khả năng một số DN thật sẽ "gắn" với DN ma để trốn thuế. Trên thế giới, những DN ma này còn làm nhiệm vụ... rửa tiền. Đó là điều chúng tôi cũng phải lường hết để có biện pháp ngăn ngừa hiệu quả.
* Xin đại tá nói những hậu quả chính do các DN ma gây nên?
- Về vật chất thì rất dễ thấy, đó là Nhà nước mất một khoản tiền rất lớn qua việc các đối tượng này chiếm đoạt tiền hoàn thuế, khấu trừ thuế và thuế nhập khẩu. Nhưng tác hại vô hình do chúng gây nên còn lớn hơn rất nhiều. Đó là, các chính sách tạo thông thoáng (rất đúng và cần thiết) cho DN của Nhà nước đã bị các đối tượng làm méo mó đi; các báo cáo về tình hình sản xuất, kinh doanh không chính xác; vì nó, một số cán bộ chức năng thoái hoá (như cán bộ thuế ở Thái Bình, cán bộ hải quan ở cửa khẩu Tân Thanh...); các DN ma có thể hoàn thiện khống hồ sơ, nó khiến các loại tội phạm khác như buôn lậu, rút ruột công trình,... có thể hoàn thiện hồ sơ.
* Từ những vụ việc này, đại tá có kiến nghị gì để ngăn ngừa hiệu quả nhất các loại hình DN ma?
- Về điều kiện thành lập DN cần phải chặt chẽ hơn, đặc biệt là cần có cơ quan nào đó kiểm tra sự hoạt động của DN sau khi được thành lập. Các DN phải có nhiệm vụ báo cáo thường kỳ tình hình sản xuất, kinh doanh với cơ quan cấp phép thành lập DN đó. Với cơ quan thuế, phải có việc kiểm soát việc bán hoá đơn một cách chặt chẽ hơn. Cụ thể, cần bán hoá đơn theo mức độ hoạt động của DN. Cuối cùng, ngành thuế, cơ quan cấp phép thành lập DN (chủ yếu là sở kế hoạch - đầu tư) và công an phải phối hợp tốt hơn. Chính quyền các địa phương cũng cần nắm chắc hoạt động của các DN để nhanh chóng phát hiện những dấu hiệu không bình thường...
- Xin cảm ơn đại tá.
|