Trả lời: Theo Luật các tổ chức tín dụng, Nghị định số 13/1999/NĐ-CP ngày 17-3-1999 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động tín dụng nước ngoài và văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, Thông tư số 08/2000/TT-NHNN5 ngày 4-7-2000 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn thi hành Nghị định 13/1999/NĐ-CP thì hiện nay, cá nhân nước ngoài không được mở hoạt động tín dụng, mà phải là tổ chức đã hoạt động tín dụng tại nước ngoài và đồng thời phải đáp ứng các điều kiện như:
Là một ngân hàng có uy tín; có nhu cầu hoạt động ngân hàng trên địa bàn xin hoạt động; chi nhánh có đủ vốn được cấp theo quy định của pháp luật Việt Nam khi được cấp giấy phép mở chi nhánh; có phương án kinh doanh khả thi tại Việt Nam; có người điều hành có năng lực hành vi dân sự và trình độ chuyên môn phù hợp với hoạt động của chi nhánh; có văn bản của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cho phép mở chi nhánh ngân hàng hoạt động tại Việt Nam; có văn bản của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài bảo đảm khả năng giám sát toàn bộ hoạt động của chi nhánh tại Việt Nam; có văn bản của ngân hàng nước ngoài bảo đảm chịu trách nhiệm đối với mọi nghĩa vụ và cam kết của chi nhánh tại Việt Nam.
-----------------------
Sử dụng hoá đơn khi thay đổi địa chỉ công ty
Hỏi: Vì hợp đồng thuê trụ sở đã hết, Công ty tôi chuyển sang thuê văn phòng ở một địa điểm mới. Xin hỏi, công ty có thể tiếp tục sử dụng những hoá đơn đóng dấu địa chỉ cũ hay phải huỷ và mua quyển hoá đơn mới?
Trả lời: Theo quy định tại tiết a, điểm 1.7, mục VI, phần B Thông tư số 120/2002/TT-BTC ngày 30-12-2002 của Bộ Tài chính, thì một trong các điều kiện để được kê khai khấu trừ thuế giá trị gia tăng, tính vào chi phí hợp lý, thanh toán tiền là số liệu trên hoá đơn phải rõ ràng, chính xác.
Để bảo đảm việc sử dụng hoá đơn theo đúng quy định của Bộ Tài chính, trường hợp Công ty thay đổi địa điểm trụ sở nhưng vẫn còn quyển hoá đơn đã mua trước đây đóng dấu địa chỉ cũ, thì Công ty phải liên hệ với phòng ấn chỉ (Cục thuế Hà Nội) để trả lại quyển hoá đơn trên và đề nghị được cấp lại quyển hoá đơn khác để sử dụng.
-----------------------
Ly hôn và một số vấn đề liên quan
Hỏi: Đề nghị cho biết nếu đơn xin ly hôn chỉ có chữ ký của một bên (vợ hoặc chồng) thì tòa án có giải quyết không ? Trường hợp vợ chồng cùng đồng ý ly hôn nhưng không thống nhất được việc nuôi con sau khi ly hôn thì giải quyết như thế nào ?
Trả lời: Theo Điều 85 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 (Luật HNGĐ) vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu tòa án giải quyết việc ly hôn. Như vậy, pháp luật không bắt buộc cả người vợ và người chồng cùng ký vào đơn yêu cầu tòa án xem xét, giải quyết việc ly hôn. Chỉ cần một bên có nguyện vọng ly hôn, nộp đơn yêu cầu tòa án giải quyết việc ly hôn thì tòa án xem xét, giải quyết. Việc ly hôn trong trường hợp này sẽ được tòa án xác định là tranh chấp về hôn nhân và gia đình. Thủ tục giải quyết tranh chấp tuân theo thủ tục tố tụng áp dụng đối với các vụ án dân sự quy định tại Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2004.
Tuy nhiên, khi người vợ có thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì chồng không có quyền yêu cầu xin ly hôn.
Điều 90 Luật HNGĐ quy định trong trường hợp vợ, chồng cùng yêu cầu ly hôn, sau khi hòa giải không thành, nếu tòa án xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con thì công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận về tài sản và con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con. Nếu các bên không thỏa thuận được hoặc tuy có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của người vợ và con thì tòa án quyết định việc phân chia tài sản và nuôi con sau khi ly hôn. Khi đó, vụ việc không được coi là thuận tình ly hôn nên tòa án sẽ giải quyết việc ly hôn theo thủ tục giải quyết tranh chấp về hôn nhân và gia đình.
Theo Điều 92 Luật HNGĐ, sau khi ly hôn, vợ, chồng vẫn có nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con chưa thành niên hoặc đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con.
Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; nếu không thỏa thuận được thì tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi; nếu con từ đủ 9 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
Về nguyên tắc, con dưới ba tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp các bên không có thỏa thuận khác.
---------------
Bị đơn dân sự khi tham gia tố tụng hình sự
Hỏi: Xin tòa soạn cho biết, trong các vụ án hình sự, bị đơn dân sự là gì? Những người như thế nào sẽ là bị đơn dân sự khi tham gia tố tụng hình sự?
Trả lời: Theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự, bị đơn dân sự là cá nhân, cơ quan, tổ chức mà pháp luật quy định phải chịu trách nhiệm bồi thường đối với thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra.
Bị đơn dân sự trong vụ án hình sự thường là: cha, mẹ, người giám hộ đối với những người trong trường hợp mà bị can, bị cáo là người chưa thành niên phạm tội gây thiệt hại cho người khác; cơ quan, tổ chức mà cán bộ, công chức của cơ quan, tổ chức này có hành vi phạm tội gây nên thiệt hại cho nguyên đơn dân sự; những người được miễn trách nhiệm hình sự nhưng vẫn có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi của mình gây ra.
Khi tham gia tố tụng, những người được coi là bị đơn dân sự sẽ được hưởng quyền và phải chấp hành những nghĩa vụ nhất định, đặc biệt là có quyền khiếu nại việc bồi thường của nguyên đơn dân sự nếu thấy việc yêu cầu bồi thường đó là không có căn cứ hoặc vượt quá thiệt hại thực tế xảy ra.
Tổng hợp
|