Trước năm 1975, tại TP Hồ Chí Minh, tình trạng lấn chiếm hành lang bảo vệ sông, rạch xây dựng nhà và các công trình dân dụng rất phổ biến. Từ sau ngày giải phóng đến nay, thực hiện chỉnh trang đô thị, Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã và đang bỏ nhiều công sức, đầu tư hàng nghìn tỷ đồng giải tỏa, di dời hàng vạn căn nhà, công trình trên kênh Tẻ, Tàu Hũ, Tân Hóa - Lò Gốm, Tham Lương và điển hình là tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, chảy từ quận Tân Bình qua quận 3 ra quận 1. Sông Sài Gòn trở nên thông thoáng, bớt ô nhiễm, làm diện mạo thành phố ngày càng khang trang, sạch đẹp. Tuy nhiên, hiện nay tại một số quận huyện, nhất là quận 2, tình trạng vi phạm hành lang sông, rạch vẫn tiếp diễn và chưa được ngăn chặn, xử lý kịp thời.
Dọc theo bờ sông Sài Gòn, chỉ tính đoạn từ phường Bình An đến phường Bình Ðiền, quận 2 dài chưa tới 5 km đã có hàng chục dự án xây dựng, kinh doanh nhà đang được triển khai từ nhiều năm nay. Nhiều đơn vị, doanh nghiệp trúng thầu được giao đất thực hiện dự án xây dựng nhà gần bờ sông đã "tranh thủ" lấn chiếm hành lang sông, đóng cọc, xây kè, đổ đất lấn chiếm lòng sông từ một đến hàng chục mét và kéo dài hàng trăm mét.
Công ty TNHH Hải Vương xây kè lấn ra ngoài ranh giới được giao đất hơn 1 ha. Công ty TNHH Lê Quan xây dựng tuyến kè lấn ra sông hơn bốn m, dài gần 100 m. Nhiều công ty khác như Tân Hồng Uy, Lê Quang, v.v. cũng đua nhau cắm cọc, xây kè, đổ đất lấn chiếm mặt nước.
Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh quy hoạch chung của TP Hồ Chí Minh đến năm 2020, ngày 7-12-1999, UBND thành phố đã ra Quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch trên địa bàn quận 2. Trong đó ghi rõ phần đất dọc theo bờ sông Sài Gòn được quy hoạch xây dựng đường giao thông, trồng cây xanh và công viên. Các công trình xây dựng (nhà ở) phải cách mép nước sông từ 50 m trở lên. Tiếp theo, ngày 9-6-2004, UBND thành phố ra Quyết định số 150/2004/QÐ-UB quy định việc quản lý, sử dụng hành lang bờ sông kênh rạch cấp 1, 2 trên địa bàn thành phố (cách mép nước ít nhất là 50 m).
Như vậy, văn bản pháp quy đã có đủ, nhưng không hiểu sao nhiều đơn vị, doanh nghiệp xây dựng kinh doanh nhà vẫn phớt lờ, ngang nhiên vi phạm, gây bất bình cho nhiều người. Ðể chấn chỉnh tình trạng nêu trên, tháng 7-2005, thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp Sở Giao thông công chính (GTCC), Sở Xây dựng, Khu đường sông và UBND quận 2 tổ chức đợt kiểm tra toàn tuyến, lập biên bản các đơn vị vi phạm và đề xuất hướng xử lý, nhưng kết quả rất hạn chế vì "vướng" và tình trạng lấn chiếm hành lang bờ sông, xây dựng bừa bãi vẫn tiếp diễn.
Ðiều bất ngờ là khi kiểm tra, một số đơn vị đã "trình" ra văn bản thỏa thuận của các ngành có thẩm quyền cho phép xây kè chống sạt lở đất. Công ty cổ phần kinh doanh phát triển nhà Thủ Ðức được phép cắm cọc, xây kè thêm 5.490 m2 (ngoài diện tích trúng thầu là 64.978 m2). Công ty Cổ phần EDEN được Sở Giao thông công chính duyệt thiết kế và Chi cục đường sông phía nam cho phép xây kè lấn ra sông Sài Gòn 25 m, kéo dài 135 m. Công ty Huy Hoàng được hợp thức hóa 1,7 ha đất lấn chiếm?!
Một cán bộ Sở Giao thông công chính cho biết: Gần đây, dọc tuyến sông Sài Gòn bị sạt lở nhiều đoạn, do vậy thành phố chủ trương cho phép các chủ dự án gần sông, kênh, rạch được cắm kè, xây bờ bao chống sạt lở đất và làm công viên, trồng cây xanh, sau đó giao cho chính quyền địa phương quản lý. Nhưng do buông lỏng quản lý, thiếu hướng dẫn và tổ chức kiểm tra, giám sát, một số đơn vị đã "mượn gió bẻ măng" đóng kè, đổ đất lấn chiếm lòng sông, tạo thêm quỹ đất cho mình. Do mạnh ai nấy làm, cốt sao có lợi cho mình, dẫn tới kết quả là bờ sông lồi lõm, chỗ ra chỗ vào và nhà ở, biệt thự mọc lên vô tội vạ.
Ngày 4-3, chúng tôi có mặt tại bờ sông Sài Gòn thuộc phường Thảo Ðiền, thấy một tòa biệt thự "hoành tráng" sắp hoàn thành, chỉ cách mép nước chưa tới 10 m.
Vi phạm chỉ giới, lấn chiếm hành lang sông không chỉ phá vỡ quy hoạch chung, ảnh hưởng mỹ quan đô thị mà còn làm hẹp lòng sông, cản trở dòng chảy, "góp phần" làm cho tình trạng ngập lụt ở vùng ven như quận 12, 7, 8, Bình Thạnh, Thủ Ðức, v.v. thêm trầm trọng mỗi khi mưa xuống, hay thủy triều lên.
Ngày 3-3, thành phố đã công bố quy hoạch xây dựng trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm, chủ yếu trên địa bàn quận 2. Không thể chậm trễ được nữa, đã đến lúc cần chấn chỉnh ngay tình trạng nêu trên. Xử lý đến nơi đến chốn những đơn vị, doanh nghiệp không chấp hành, cố tình vi phạm. Kiên quyết tháo dỡ những căn nhà, công trình xây dựng vi phạm hành lang bờ sông Sài Gòn, giải tỏa kè lấn lòng sông, khơi thông dòng chảy trả lại sự thông thoáng vốn có của nó. Trong lúc kinh phí thành phố còn khó khăn, chủ trương giao cho các chủ đầu tư xây dựng kinh doanh nhà thực hiện xây kè, chống sạt lở đất là đúng, nhưng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát buộc các đơn vị phải chấp hành quy hoạch chung, bảo đảm đúng chỉ giới hành lang bảo vệ, an toàn.
|