* Xin ông cho biết mục đích của Hội nghị về toàn cầu hóa và buôn bán người tại Mỹ mà ông đã tham dự với tư cách là người đại diện cho Việt Nam?
- Mỹ là nước có làn sóng nhập cư lớn nhất, đặc biệt là từ Mexico. Buôn bán người là một hình thức di cư bất hợp pháp có yếu tố cưỡng bức và bóc lột cao. Chính phủ và xã hội Mỹ do vậy rất quan tâm tới loại tội phạm đang phát triển rất mạnh này. Hội nghị này là một sáng kiến của Đại học Tổng hợp California tại Los Angeles với mục đích tạo một diễn đàn cho các nhà nghiên cứu, các nhà hoạt động chính trị, và các tổ chức xã hội gặp gỡ, trao đổi về thực trạng, nguyên nhân của tội phạm buôn bán người, và đề xuất các giải pháp ngăn chặn. Tại hội nghị, với tư cách là một nhà nghiên cứu, tôi đã trình bày về tình hình buôn bán phụ nữ, trẻ em ở Tiểu vùng sông Mê Công và ở Việt Nam..
* Ông đánh giá thế nào về thực trạng tội phạm buôn người ở Việt Nam?
- Bây giờ Việt Nam đã mở cửa hơn, nên việc đi lại ra nước ngoài của người dân đã dễ dàng hơn nhiều, chẳng hạn như sang Trung Quốc hay Campuchia để du lịch, làm ăn, buôn bán... Tuy nhiên, đây cũng chính là mảnh đất màu mỡ để bọn tội phạm lợi dụng.
Có những người dân bị mắc lừa rất đơn giản như bị dụ dỗ sang gánh hàng cho Trung Quốc được rất nhiều tiền, rồi bị đưa bắt làm mại dâm. Hiện nay còn có rất nhiều phụ nữ Việt Nam do nhu cầu muốn lấy chồng đã bị dụ dỗ sang Trung Quốc. Nhưng một số trường hợp sang đến nơi bị gây áp lực phải làm mại dâm, làm vợ những ông già, người tàn tật, bị đối xử tàn tệ, ốm không được chăm sóc, thậm chí bị đánh đập, xâm hại thân thể phải bỏ trốn về nước. Đến khi quay về, họ lại không có bằng chứng cụ thể, bởi đa phần là tự nguyện đi thì không thể quy kết được.
Do thiếu sự giám sát chặt chẽ của cả phía Việt Nam và Trung Quốc cho nên hiện nay khó có thể đưa ra con số chính xác có bao nhiêu người Việt Nam đã là nạn nhân của nạn này. Ngoài ra, chúng ta thường gắn vấn đề buôn bán người với mại dâm, trong khi trong thực tế còn rất nhiều mảng bị coi nhẹ, lao động di cư bị bóc lột, buôn bán trẻ em, trẻ sơ sinh... cũng là những hình thức buôn người.
* Theo ông, các cơ quan chức năng nên làm thế nào để hạn chế thực trạng buôn bán phụ nữ và trẻ em ở Việt Nam?
- Hiện nay các chương trình và biện pháp chống buôn bán người còn rất nhiều hạn chế và nhiều khi chưa được thực hiện đến nơi đến chốn. Các phương tiện truyền thông cần phải cảnh báo nhiều hơn nữa những mánh khóe ngày càng tinh vi của bọn lừa đảo. Lập các đường dây nóng là việc làm cần thiết. Làm sao cho thông tin trở nên rộng rãi, phổ biển hơn, để người có nhu cầu có thể kiểm tra chéo thông tin theo nhiều chiều.
Chẳng hạn như muốn kiểm tra thông tin về một công ty xuất khẩu lao động nào đó, thì người dân phải có chỗ để kiểm tra. Cần có sự giám sát chặt chẽ hơn từ cơ quan địa phương, bộ đội biên phòng, các ban, ngành để cung cấp cho họ thông tin, và cần có sự phối hợp giữa Việt Nam và các nước có người Việt Nam đến thì mới hiệu quả.
* Xin cảm ơn tiến sĩ.
|