Thuê người ngoài móc hầu bao công ty
Các Website khác - 01/03/2006

Hôm qua, Hội đồng xét xử (HĐXX) vụ tham ô tại Công ty Giày Hiệp Hưng, tập trung hỏi Hoàng Tùng, nguyên trưởng phòng xuất nhập khẩu (XNK) công ty, về việc “đạo diễn" một số cá nhân bên ngoài giả làm người môi giới để hưởng hoa hồng.

Các bị cáo tại phiên toàn. Ảnh: A.X.

Năm 1993, Nguyễn Kao Tường, Giám đốc Giày Hiệp Hưng đã ký quy chế quy định về chi phí dịch vụ và hoa hồng môi giới (3%) doanh thu mà tư thương giới thiệu khách hàng cho công ty. Theo quy chế này, chỉ những người đứng ra môi giới khách hàng đến ký kết hợp đồng kinh tế với công ty mới được hưởng hoa hồng nói trên.

Lợi dụng cương vị trưởng phòng XNK, Hoàng Tùng đã chỉ đạo các nhân viên dưới quyền “hợp tác” với Vũ Đình Toàn, nhân viên của một công ty đối tác với Giày Hiệp Hưng, đứng ra nhận làm môi giới khách hàng để hưởng hoa hồng.

Để làm được điều này, Tùng đưa hồ sơ pháp nhân của cửa hàng Phát Thành Giang cho Toàn đem đến “ký” hợp đồng với Công ty giày Hiệp Hưng. Dùng hồ sơ của Phát Thành Giang một thời gian, Toàn thấy % hoa hồng bị “chia năm, xẻ bảy”, tiền nhận được không đáng là bao nên đã nói với Tùng tìm pháp nhân khác. Tùng đã nhờ Phạm Văn Tiến, nhân viên bán hàng điện tử, tìm hồ sơ của một số cửa hàng kinh doanh giày dép. Và để trả công, Tùng giới thiệu Tiến vào các xí nghiệp thuộc Công ty giày Hiệp Hưng, bán hàng điện tử trả góp cho công nhân.

Tiến đã về nhà lén photocopy giấy phép kinh doanh, báo cáo thuế của cửa hàng quần áo Hà Dung (do vợ Tiến làm chủ) đưa cho Tùng. Từ hồ sơ này, Tùng, Toàn, Tiến cùng nhau làm thủ tục rút 1,12 tỷ đồng tiền hoa hồng môi giới khách hàng. Trong số đó, Toàn hưởng hơn 671 triệu. Tương tự, Tùng cùng Hoàng Thị Như Hoa (nhân viên phòng xuất nhập khẩu) móc nối với Nguyễn Thị Lệ Hằng, nhân viên công ty giày Hangye (Hồng Kông), lấy danh nghĩa ký hợp đồng với cơ sở kinh doanh dù bạc Nguyễn Thượng Phúc (quận 6, TP HCM), để rút ra số tiền 248 triệu đồng, chia nhau.

Cũng bằng thủ đoạn này, Tùng đã thỏa thuận với bà Đơn Nguyệt Thương, trú đường Lũy Bán Bích, quận Tân Phú, TP HCM lấy pháp nhân của cơ sở kinh doanh giày dép Ngọc Lệ, chợ Tân Bình làm bình phong để ký hợp đồng rút ra 301 triệu đồng.

Tại phiên tòa, Hoàng Tùng phủ nhận toàn bộ vụ việc. Bị cáo này trước sau vẫn khẳng định làm đúng quy định, không sai, không tham ô. Để làm rõ hành vi của Tùng, HĐXX đã xét hỏi Vũ Đình Toàn và bị cáo này đã thừa nhận việc Tùng nhờ đứng ra làm một số thủ tục để cùng nhau rút tiền nhà nước. Toàn cho rằng, trong quá trình thực hiện các “hợp đồng” cùng Tùng, bị cáo chỉ là người thụ động, được cho bao nhiêu hưởng bấy nhiêu.

Toàn khai không quen biết với những người đứng tên trên giấy phép kinh doanh của cơ sở Phát Thành Giang hay Hà Dung, tất cả đều do Tùng “đạo diễn”. Phạm Văn Tiến, cũng khai, chỉ làm theo lệnh của Hoàng Tùng và những hợp đồng mà Hà Dung ký với giày Hiệp Hưng là do Tùng “đạo diễn”. Các bị cáo, nguyên là nhân viên dưới quyền của Tùng cũng thừa nhận việc này.

HĐXX cũng xét hỏi Nguyễn Kao Tường về hành vi cố ý làm trái thông qua việc ký hợp đồng cho Chi nhánh Công ty cổ phần tư vấn đầu tư dự án quốc tế (ICC) mượn căn nhà 156 Nguyễn Trãi, phường Bến Thành, quận 1, TP HCM trong 5 năm. Căn nhà này là tài sản của Công ty giày Hiệp Hưng đã thế chấp Ngân hàng công thương chi nhánh 8.

Theo kết luận của tổ chức giám định tư pháp về kế toán tài chính TP HCM, giá trị thuê căn nhà 156 Nguyễn Trãi tại thời điểm đó là gần 24 triệu đồng một tháng. Qua tính toán của kết quả giám định, thiệt hại mà Công ty giày Hiệp Hưng phải gánh chịu kể từ ngày cho chi nhánh ICC mượn đến khi vụ việc bị phát hiện (7/2002 đến 7/2005) là 857 triệu đồng.

Hôm nay, phiên toà tiếp tục làm việc.

S.N.