- Lần đầu tiên, một văn bản cấp nghị định hướng dẫn công tác quản lý chất lượng thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước đối với chất lượng công trình xây dựng. Trong nghị định, quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia xây dựng công trình đã được “luật hoá” và được gắn với chất lượng công trình trong suốt vòng đời của dự án từ chủ trương đầu tư, lập dự án, tổ chức thực hiện dự án và quá trình khai thác và sử dụng thông qua chế tài trách nhiệm. Chủ đầu tư là người chịu trách nhiệm đầu tiên và toàn diện về chất lượng công trình XD; các nhà thầu tư vấn, xây dựng phải chịu trách nhiệm về chất lượng đối với sản phẩm do mình làm ra. Trong các giai đoạn thực hiện dự án, từ khảo sát thiết kế, thi công XD tới bảo hành và bảo trì công trình xây dựng đều có người chịu trách nhiệm, đều phải thực hiện cơ chế giám sát và nghiệm thu chặt chẽ.
* Ông có thể nêu những chuyển động cụ thể của tình hình đó là gì?
- Bước chuyển quan trọng đầu tiên cần nhắc tới là về nhận thức trong toàn xã hội về vị trí của chất lượng công trình và chất lượng công trình hoàn toàn đảm bảo và kiểm soát được khi tuân thủ nghiêm luật pháp. Thứ hai, thông qua sự phân cấp trách nhiệm quản lý Nhà nước về chất lượng công trình theo hai cấp: cấp Chính phủ và cấp UBND tỉnh theo địa giới hành chính, đã tạo sự quan tâm của chính quyền địa phương thể hiện cụ thể là nhu cầu hình thành Trung tâm kiểm định CLXD, trở thành công cụ giúp cho công tác quản lý Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng của chính quyền.
Một chuyển biến nữa là vai trò của tư vấn giám sát thi công XD cũng đã được thừa nhận. BXD đã công nhận 10 cơ sở là trường đại học, các viện nghiên cứu, các tổ chức và trung tâm của các hội nghề nghiệp thuộc các bộ, ngành được bồi dưỡng nghiệp vụ về giám sát thi công XD. Chỉ tính 6 tháng cuối năm 2005, 10 cơ sở đã tiếp nhận trên 15.000 học viên tham dự các khóa bồi dưỡng theo chương trình khung thống nhất do Bộ Xây dựng quy định.
* Thưa ông, hiện công tác quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng tại địa phương còn chồng chéo, không thống nhất. Vậy, việc giúp UBND cấp tỉnh thống nhất quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng có nên giao cho các sở xây dựng đảm nhận?
- Từ trước tới nay, sở xây dựng đã có chức năng giúp UBND cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, nhưng hiện có gần 50% các sở XD không có bộ phận chuyên trách thực hiện chức năng quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng. Có thể thừa nhận một thực tế đáng lo lắng là: Ở các địa phương hiện nay đang có sự bất cập giữa trách nhiệm quản lý nhà nước được phân cấp và phương thức, cách làm, trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức.
Theo tôi, để bắt kịp các yêu cầu của công tác quản lý chất lượng, tại các địa phương, phải đổi mới phương thức quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng nhằm từ bỏ phương pháp quản lý cứng nhắc, can thiệp trực tiếp quá sâu về chuyên môn trong quá trình hoạt động xây dựng mà thường không chịu trách nhiệm về những quyết định của mình, trong khi đó nhiệm vụ phải làm như hướng dẫn, kiểm tra việc tuân thủ pháp luật và nắm tình hình chất lượng công trình xây dựng lại chưa được coi trọng. Do can thiệp quá sâu, mất nhiều thời gian vào một số khâu cụ thể trong khi năng lực công chức và số lượng còn hạn chế dẫn đến thái độ cửa quyền của đội ngũ công chức.
* Hiện vẫn tồn tại một nghịch lý: năng lực của bên B do bên A thẩm định, nhưng năng lực của bên A thì không có ai đánh giá. Chất lượng công trình XD kém thường không quy trách nhiệm được cho bên A do không có năng lực chuyên môn. Vậy, có mô hình nào để giảm thiểu tình trạng này, thưa ông?
- Như tôi đã nói ở trên, để phòng ngừa công trình kém chất lượng thì các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng phải có đủ điều kiện năng lực phù hợp với loại và cấp công trình. Mà năng lực của bên A với đại diện là Ban quản lý dự án phải có năng lực hoạt động xây dựng phù hợp với các điều kiện quy định đối với tư vấn quản lý dự án. Tất nhiên, chủ đầu tư là người sở hữu vốn hoặc được quyền quản lý sử dụng vốn, nếu họ không trực tiếp QLDA thì họ không cần đáp ứng yêu cầu về năng lực. Các bên A này chỉ thành lập Ban Quản lý dự án khi có năng lực, còn nếu không đủ thì thuê tư vấn QLDA.
Tôi cho rằng cần phải nghiên cứu thành lập ngay những công ty chuyên làm nghề quản lý dự án và áp dụng hình thức đấu thầu QLDA. Hiện nay ở nhiều công trình quan trọng của Nhà nước, chúng ta đã đấu thầu tư vấn QLDA mà các ứng viên đều là các tổ chức tư vấn QLDA chuyên nghiệp của nước ngoài. Vấn đề này cũng phải được “luật hóa”, để các bộ, ngành có dự án đầu tư xây dựng sẽ chỉ là những người được thụ hưởng công trình, chứ không nhất thiết phải kiêm luôn là nhiệm vụ quản lý dự án. Kinh nghiệm ở nhiều nước cho thấy, chủ đầu tư không điều hành trực tiếp dự án đầu tư XD, mà thường thuê các CT quản lý dự án chuyên nghiệp. Vì vậy, hiệu quả cao hơn, chi phí thấp hơn nhiều so với việc tự quản lý dự án.
Xã hội hoá giám sát không chỉ là sự giám sát của các doanh nghiệp tư vấn (tức là không phải Nhà nước can dự trực tiếp), mà còn là sự giám sát chất lượng công trình xây dựng của toàn dân. Thực tế ở nhiều địa phương, chính người dân đã phát hiện ra những sai phạm trong xây dựng, đặc biệt là những sai phạm ở các công trình công cộng, giao thông, thủy lợi. Để thực hiện được việc này, phải công khai dự án, quy mô công trình, thời gian thực hiện, chủ đầu tư, đơn vị thi công, ai chịu trách nhiệm giám sát... để cho dân biết và thực hiện quyền giám sát của mình.
|